(CAO) Một tuần nay, người dân thôn Mỹ Trà (xã Bình Chánh, huyện Thăng Bình), Quảng Nam dựng chòi ngăn cản thi công tại đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua địa bàn thôn. Điều gì khiến người dân bức xúc có hành vi như trên?
Trước tình hình trên, chính quyền địa phương ra vận động nhân dân, nhưng người dân vẫn không chịu hạ chòi. Sáng 11-8, tại hội trường thôn Mỹ Trà, lãnh đạo xã Bình Chánh đã có cuộc đối thoại với người dân xung quanh vấn đề này.
Theo đó, sở dĩ việc người dân lập chòi ngăn cản thi công, có 6 vấn đề gồm: Đơn vị thi công gây bụi, ô nhiễm môi trường; ống nước hư hỏng chưa khắc phục; tiền đền bù đường giao thông nông thôn trưởng thôn “dấu nhẹm” không nói cho dân; xây dựng cống chui dân sinh chưa hợp lí; đơn người dân gửi lên xã giải quyết hoặc gửi lên cấp trên chậm; đặc biệt là xã nhận tiền 4 bìa đỏ của 4 nhóm hộ gồm 40 người mà dân không hề hay biết,…
Dân dựng lều cản trở thi công
Ông Phan Đình Ch. (tổ 4, thôn Mỹ Trà), cho biết, năm 2002, UBND xã giao đất rừng lâm nghiệp cho các hộ nông dân tổ 4, thôn Trà My. Tổ trưởng lúc đó là Phan Quới đã họp dân và phân chia khu rừng cho sáu nhóm (mỗi nhóm 10 người).
Sau đó UBND xã cấp bìa đỏ cho hai nhóm, số còn lại của chúng tôi thì xã không giao. Nay đường cao tốc đi ngang qua trúng khu rừng, UBND xã lại không bồi thường cho gần 40 hộ dân có đất rừng.
Đất rừng của dân được đền bù nhưng xã giấu nhẹm?
Tại buổi đối thoại, ông Đoàn Ngọc Liêu, Phó Bí thư xã Bình Chánh thừa nhận đang giữ các bìa đỏ của 40 hộ dân tổ 4. Theo lý giải của ông Liêu, do đây là khu vực mồ mả nên xã giữ lại bìa đỏ nhằm quy hoạch thành nghĩa địa. “Tuy nhiên, đây là sai sót của xã, nhưng do thế hệ trước để lại”, ông Liêu nói.
Người dân không đồng ý với quan điểm này. Họ cho rằng xã đang cố tình “lấp liếm” nhằm lấy tiền bồi thường và bốc đất xung quanh đi bán. Hiện ở khu vực này vẫn có một số hộ dân trồng rừng keo lá tràm.
Còn duy nhất 1 hộ dân chưa giải tỏa cạnh đường cao tốc
Theo người dân nắm thông tin thì 4 bìa đất đó đền bù nhiều hơn số tiền mà xã công bố tại buổi đối thoại là 301 triệu đồng. “Xã có đưa giấy tờ, có công bố đâu mà dân biết, việc này đề nghị cấp trên làm rõ cho bà con được biết và hưởng quyền lợi của mình”, một người dân bức xúc.
Người dân cũng phản ứng vì trưởng thôn Mỹ Trà nhận tiền bồi thường của đoạn đường bê tông do người dân đóng góp (Nhà nước góp 25%, người dân góp 75%) nhưng lại giấu.
Người dân bức xúc tại buổi đối thoại
Đoạn đường bê tông này do người dân đóng góp, xây dựng. Do đường cao tốc xây dựng chồng lấn nên được bồi thường hơn 28 triệu đồng. Số tiền này trưởng thôn đã tự ý cất giữ, không thông báo cho người dân biết. Ông Liêu chỉ đạo, trong ngày trưởng thôn phải hoàn trả số tiền này cho người dân.
Ngoài ra, người dân cũng đang hết sức bức xúc vì thiết kế cống chui dân sinh dưới đường cao tốc chưa hợp lí. Thiết kế nằm ngay giữa vùng ruộng ngập trũng, cách rất xa đường bê tông mà dân thường qua lại.
Người dân phản ánh cống chui thiếu hợp lý
Cống thiết kế thấp nên dễ bị ngập khi mưa lớn. Người dân đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được thay đổi được. Ông Liêu, cho rằng, xã cũng đã làm đơn kiến nghị lên trên nhưng cái này đã được Bộ GTVT phê duyệt nên cũng phải chờ.
Làm việc với chúng tôi về những bức xúc của dân liên quan đến việc thi công, phía Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua địa bàn huyện Thăng Bình cho rằng, tuy đã cho xe đi tưới bụi nhưng do nắng nóng nên tưới không xuể.
Còn cống chui thì trước khi thiết kế, xây dựng cống chui này, chúng tôi đã làm việc và lấy ý kiến của địa phương phù hợp. Và cái này đã được phê duyệt. Khi làm xong đường sẽ làm đường cống cao hơn đường gom nên không xảy ra tình trạng ngập úng, ngoại trừ ngập toàn vùng.
“Việc người dân cản trở thi công cả tuần nay khiến các đơn vị thi công thiệt hại không nhỏ. Đề nghị xã Bình Chánh và huyện Thăng Bình rốt ráo giải quyết với dân để thi công trong giai đoạn nước rút chứ không sẽ ảnh hưởng đến tiến độ”, một đại diện BQL dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chia sẻ.
Ông Đoàn Ngọc Liêu, Phó Bí thư xã Bình Chánh thừa nhận một số thiếu sót của lãnh đạo xã, thôn
Được biết, sau buổi họp dân, các bên vẫn chưa đi đến thống nhất việc 4 sổ đỏ liên quan đến đất rừng nên người dân không chịu ký biên bản. Lãnh đạo xã hẹn thứ 5 tuần sau tiếp tục đối thoại để giải quyết dứt điểm. Và người dân lại phải chờ đợi? Đến sáng 12-8-2016, chòi người dân dựng trên đường cao tốc vẫn chưa được dỡ đi.
Đề nghị chính quyền địa phương sớm giải quyết dứt điểm những thắc mắc của dân và người dân cũng nên dỡ lều bạt để khỏi ảnh hưởng đến an ninh trật tự, để đơn vị thi công kịp tiến độ.
Tại khu vực tổ xã Bình Chánh hiện nay còn một hộ dân chưa được giải tỏa, đó là hộ của gia đình ông Nguyễn Hạnh và bà Nguyễn Thị Hoa. Theo bà Hoa thì trước đây đền bù chưa thỏa đáng, bà nhiều lần gửi lên cấp trên, ra quyết định cưỡng chế nhiều lần nhưng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Giờ huyện Thăng Bình đã rút quyết định thu hồi đất. Bên BQL đã cho người đến đo đạc đề nghị đền bù nhưng quá thấp. Giờ gia đình muốn đi nơi khác vì ở đây quá ồn ào ảnh hưởng sức khỏe. Phía BQL cho rằng, cái này làm việc với địa phương, còn phía BQL chỉ hỗ trợ thêm một ít chi phí chứ không thể nhiều được. |