Không có đối thủ vĩnh viễn
Phóng viên: Có vẻ như ở Việt Nam cũng đã manh nha việc này rồi, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Trong Báo cáo tổng kết năm 2019 của Chính phủ cũng đã đặt vấn đề là bước đầu xây dựng được ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Phải gọi cho đúng đó là ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chứ không phải doanh nghiệp (DN) ô tô Việt Nam. Hai khái niệm đó khác nhau.
Hiện nay như Thaco Trường Hải và Thành Công là DN ô tô Việt Nam. Vinfast thì có manh nha, nhưng họ mới tập trung vào khâu sản xuất mà chưa có khâu dịch vụ, trong khi lẽ ra khi bán một cái xe thì doanh nghiệp đã phải có dịch vụ đi kèm.
TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng
- Vậy khuyến nghị của ông đối với họ là gì?
Trên cơ sở các công việc đã làm được của năm 2019 để đảm bảo ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển bền vững, tôi nghĩ rằng đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng của Tổ tư vấn trong năm 2020. Để làm được như vậy, cần có kế hoạch làm việc với Trường Hải, với Thành Công và với Vinfast. Tôi hy vọng 3 DN đó ngồi với nhau, tự hiệp thương với nhau, phân cho nhau công việc.
Ví dụ, Thành Công hiện là DN có hệ thống dịch vụ phát triển, thế thì DN này có thể làm dịch vụ cho cả các doanh nghiệp kia tập trung vào sản xuất. Nếu chỉ sản xuất 50.000 cái ghế ô tô thì lỗ, thế thì tất cả ghế xe của Trường Hải, Vinfast giao cho Thành Công làm có được không. Hay Thaco có khâu sơn tốt thì có “gánh” được toàn bộ phần sơn hay không, để Vinfast tập trung vào phần điện tử và động cơ.
To đến như nước Mỹ cũng không thể nào tự mình làm hết được mà.
- Liệu họ có vượt qua tâm lý “anh hùng nhất khoảnh” cố hữu để tiếp nhận ý tưởng của ông hay không?
Khó có thể nói trước điều đó. Vả lại, đây mới là ý tưởng. Các doanh nhân sẽ tự cân nhắc và quyết định cách làm của họ.
- Nhưng với những doanh nghiệp từng là đối thủ của nhau thì việc họ chịu ngồi lại với nhau có lẽ cũng không dễ dàng?
Thị trường là thương trường, thương trường là hiệu quả. “Không có đồng minh vĩnh viễn mà chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn” - chiếu vào mối quan hệ này thì không có đối thủ vĩnh viễn mà chỉ có lợi ích của DN là vĩnh viễn. Nếu anh đặt vấn đề phát triển DN là mục tiêu cao nhất thì phải hợp tác thôi.
- Tại sao ông không đặt vấn đề phát triển các ngành khác?
Ngành công nghiệp ô tô có “đất” để hợp tác. Một chiếc ô tô có hơn 7.300 chi tiết và hơn 7.300 chi tiết đấy có thể là sản phẩm của hàng nghìn doanh nghiệp. Không ngẫu nhiên mà tất cả các nước G7 đều lấy ngành ô tô làm trọng tâm.
Kỳ vọng thì rất lớn, nhưng…
- Còn nông nghiệp thì sao, thưa ông? Giờ nhiều DN đang hướng tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao đó thôi, và hiệu quả?
Đối với nông nghiệp, cá nhân tôi và nhiều thành viên Tổ tư vấn cho rằng nếu không phát triển kinh tế HTX, hay tóm lại là kinh tế tập thể thì nông nghiệp Việt Nam khó có đường ra. Cái hay của hợp tác là nó vẫn tôn trọng quyền sở hữu của cá nhân nhưng lại công nghiệp hoá được sản xuất nông nghiệp, tức là nó chấp nhận trong HTX có DN - DN của HTX.
Công nghiệp hoá trong nông nghiệp nông thôn chính là đưa tư tưởng sản xuất công nghiệp vào nông nghiệp chứ không phải đơn giản là cơ giới hoá. Tuy nhiên, cái vướng bây giờ là pháp luật về đất đai vẫn chưa hoàn thiện. Có nhiều điều từng đúng đắn ở một thời điểm nào đó, bây giờ phải xem xét lại. Như Lênin từng nói “khuyết điểm phần nhiều do ưu điểm kéo dài mà ra” vậy.
- Vậy ông kỳ vọng gì ở lời tư vấn của ông, sau bao lâu thì sẽ nhìn thấy kết quả?
Kỳ vọng thì rất lớn, nhưng chưa rõ khi triển khai thì có khó khăn gì không. Bởi vì theo phân công của Thủ tướng, tôi là người làm công tác hành chính, là cầu nối cho Thủ tướng và các chuyên gia. Mỗi chuyên gia đưa ra ý tưởng trong lĩnh vực của mình, phù hợp với chiến lược phát triển, rồi tập hợp lại thành một bản kiến nghị của Tổ tư vấn gửi cho Thủ tướng.
Và đây là ý kiến tập thể, song vẫn thể hiện được quan điểm cá nhân. Vì vậy, ý kiến tư vấn còn phải được tiếp tục nghiên cứu để khi trình Thủ tướng Chính phủ thì còn có cả những giải pháp để ngành công nghiệp ô tô VN phát triển bền vững nữa.
- Thủ tướng có “đặt hàng” cho Tổ tư vấn không, nghĩa là có đưa ra những yêu cầu cụ thể phải làm việc này, việc kia không? Hoạt động của tổ tư vấn sẽ như thế nào trong nhiệm kỳ này?
Trước mắt, chúng tôi sẽ hoàn thiện xây dựng quy chế làm việc cụ thể, nhưng như tôi hình dung thì sẽ có hai phần việc. Một là phản biện những công việc hình thành trong quá trình trước khi Thủ tướng ra quyết định điều hành đối với những việc quan trọng.
Hai là xây dựng chiến lược, có thể coi như những “kịch bản” để Thủ tướng tham khảo. Trong quá trình đó cần có sự linh hoạt và người làm tư vấn cũng phải thường xuyên tự bổ sung kiến thức, bổ sung thông tin để điều chỉnh liên tục.
- Xin cảm ơn ông!
Hải Triều - Anh Phương (thực hiện)