Đây được xem là một trong những chuyên án ma túy điển hình, lớn nhất thời điểm bấy giờ, được Chủ tịch nước, Chính phủ, Bộ Công an khen thưởng.
SĂN “MỒI” MIỀN BIÊN ẢI
Tuy đã về hưu, việc “đánh án” vụ bắt 199 bánh heroin tại Cửa khẩu Cha Lo (huyện miền núi Minh Hóa, Quảng Bình) đã trải qua hơn mười năm, nhưng những ngày dầm sương dãi nắng phá chuyên án MT để đời khiến đại tá Nguyễn Viết Xuân, nguyên Trưởng phòng CSMT, Công an tỉnh Quảng Bình vẫn nhớ từng chi tiết.
Theo đại tá Xuân, cuối năm 2002, Phòng CSMT Công an tỉnh Quảng Bình được thành lập với vỏn vẹn 11 người do ông làm trưởng phòng. Thời điểm bấy giờ, ở địa bàn này tình trạng buôn bán MT còn nhỏ lẻ. Đặc biệt, tại Cha Lo (thuộc huyện miền núi Minh Hóa, Quảng Bình), tuyến cửa khẩu chưa thông nên xe qua lại rất thưa thớt, có tuần được một hai chuyến chở hàng “thập cẩm” đủ chủng loại ở Lào về Việt Nam tiêu thụ nên vắng hoe.
Khoảng đầu tháng 6-2004, Bộ Công an thông báo cho công an các địa phương: có đường dây vận chuyển MT số lượng lớn qua các tỉnh miền Trung giáp biên giới với Lào. Ban giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình triệu tập cuộc họp, giao cho Phòng CSMT làm công tác trinh sát (TS), nắm tình hình.
Tang vật vụ án
Sau gần nửa tháng ăn dầm nằm dề ở khu vực Cửa khẩu Cha Lo, bước đầu có cơ sở cho rằng, đường dây ma túy này sẽ đi qua khu vực Cha Lo. Phòng CSMT làm đề án thu thập tài liệu, rà soát lại các mối quan hệ, các đối tượng qua cửa khẩu...Từ đó, lãnh đạo phòng đề xuất lập chuyên án đấu tranh. Lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Bình giao cho đại tá Từ Sơn, Phó giám đốc làm Trưởng ban chuyên án (BCA).
Đại tá Xuân nhớ lại, lúc bấy giờ thông tin liên lạc còn hạn chế, nhất là khu vực biên giới lại càng khó khăn gấp bội. Nhiều cuộc điện thoại trao đổi thông tin phải qua tổng đài bưu điện, nên kế hoạch đảm bảo bí mật an toàn cũng được coi trọng hàng đầu. Bên cạnh đó, lực lượng TS của Phòng CSMT phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Hải quan đã góp phần không nhỏ cho việc thành công của chuyên án MT sau này.
Sau khi lập chuyên án, từ trưởng phòng đến các TS đều được lệnh lên đường làm nhiệm vụ. Cục CSMT giúp cho tài liệu TS ngoại biên bởi có liên quan đến yếu tố nước ngoài. Sau quá trình nắm tình hình, bước đầu nhận định một số đối tượng trong đường dây này là người gốc Việt nhưng mang quốc tịch nước ngoài, câu kết với một số đối tượng trong nước, mà đối tượng vận chuyển là người Quảng Bình. Bên cạnh việc nằm vùng ở Cha Lo, nhiều trinh sát phải về giám sát tại nhà của đối tượng vận chuyển, điểm giao hàng để xem di biến động thế nào. Còn một số đối tượng ngoài Bắc đã có lực lượng giám sát của Cục CSMT theo dõi.
VÀO “RỌ”
Ngày 24-6-2004, trong lúc BCA tiếp tục bàn phương án tác chiến thì khoảng 16 giờ cùng ngày, TS lực lượng Hải quan và BĐBP trên Cửa khẩu Cha Lo báo về, có hai ôtô BS: 54T-6777 và 29K-4301 do Hoàng Văn Tình là chủ xe kiêm tài xế vận chuyển 14 tấn hàng hóa từ Lào vào Việt Nam, qua cửa khẩu có dấu hiệu nghi vấn, trong đó có chủ phương tiện tên Tình đang được BCA đặt nghi vấn cao nhất.
Đại tá Từ Sơn, Trưởng BCA chỉ đạo lực lượng TS phối hợp với BĐBP, Hải quan tìm cách dừng phương tiện để giữ chân đối tượng khả nghi, kéo dài thời gian chờ BCA lên hiện trường. Do đường sá xa xôi, cách trở nên nhiều tiếng đồng hồ sau, lãnh đạo BCA mới có mặt. Lúc lên tới Cha Lo cũng khoảng 23-24 giờ cùng ngày, các lực lượng được chỉ đạo tập trung giám sát xe và người. Trước đây, khi qua cửa khẩu, những xe nghi vấn được kiểm tra thủ công 10% chứ chưa có luồng xanh hay luồng vàng như hiện nay, nên chủ phương tiện và lái xe chưa có nghi ngờ gì.
Sáng hôm sau, BCA chỉ đạo kiểm tra 14 tấn hàng trên 2 xe. Khi khui hàng trên ôtô Huyndai BS: 54T-6777 (của Hoàng Văn Tình, trú Lộc Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình) chỉ thấy nào là đồ chơi trẻ em, phụ tùng xe máy... Kiểm tra đến 1/3 xe, chưa phát hiện điều gì bất thường, cả BCA rất lo lắng. Đặc biệt là lực lượng Hải quan càng lo hơn, bởi nếu không phát hiện xe vi phạm pháp luật, thì phía Hải quan phải bồi thường thiệt hại cho chủ hàng. Đến khoảng 10 giờ 30, TS sờ lớp dưới thấy có MT. Ngay sau khi được báo cáo, đại tá Từ Sơn chỉ đạo bắt các đối tượng trên. Các thành viên BCA ngạc nhiên mắt tròn mắt dẹt khi chứng kiến lượng MT khủng nhất từ trước đến nay. Tang vật gồm 199 bánh heroin, 1 khẩu súng kiểu K59 và 5 viên đạn...
Khi bị phát hiện, các đối tượng vận chuyển lượng MT “khủng” trên liên tục la ó, nói rằng chỉ chở hàng chứ không biết MT. Nhưng trước tang chứng vật chứng rành rành, chúng không thể chối cãi. Bởi trong thời điểm ấy, nhiều TS đã vây một số nhà, địa điểm nghi ngờ chúng tập kết hàng để vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ.
Các đối tượng trong đường dây ma túy bị bắt giữ
Hoàng Văn Tình (trú Lộc Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình) khai, nhận vận chuyển cho đối tượng tên Bum. Qua xác minh, Bum chính là Nguyễn Minh Tuấn (SN 1966, trú TP.Hồ Chí Minh). Thông tin được cấp báo cho đại tá Từ Sơn, ông trực chỉ lên Cha Lo, đồng thời thông báo cho Bộ Công an chỉ đạo truy tìm, rà soát đối tượng này. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, BCA có được thông tin Tuấn vừa qua Cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) lúc 9 giờ 30 sáng cùng ngày.
Khi kiểm tra lô hàng khủng 199 bánh heroin xong, BCA quyết định niêm phong nửa xe hàng 54T-6777 và xe 29K-4301 (sau này điều tra được biết là biển số giả và giấy tờ giả), lập phương án vận chuyển đối tượng, hàng hóa về trụ sở công an tỉnh để tiếp tục khám xét và làm các thủ tục cần thiết để đảm bảo an toàn.
VÂY BẮT CÁC ÔNG BÀ “TRÙM”
Bên cạnh việc kiểm tra, áp tải hàng và một số đối tượng về trụ sở, đại tá Từ Sơn chỉ đạo áp dụng các biện pháp giám sát nhà Tình ở Lộc Ninh, TP.Đồng Hới; giám sát nhà người đàn ông tên Căn ở xã Quảng Thuận, huyện Quảng Trạch (nay là phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn), điểm buôn bán phế liệu, nơi chúng dự định về đây giao hàng để vận chuyển ra Quảng Ninh - Hải Phòng đưa qua nước thứ 3.
Chiều 25-6-2004, lực lượng giám sát tại nhà Căn báo về có hai đối tượng 1 nam, 1 nữ đi xe 7 chỗ lượn qua lượn lại mấy vòng rồi đi. Lần theo hai đối tượng này vào Đồng Hới, sau đó chúng di chuyển theo hướng ra Bắc. Sợ đối tượng tẩu thoát, BCA xin ý kiến của Giám đốc Công an tỉnh Phan Thanh Hà.
Được sự đồng ý, BCA chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với Công an huyện Quảng Trạch đón lõng ôtô BS: 29S-0555 (số giả) với lí do vi phạm giao thông, không có bằng lái, thiếu giấy tờ để đem về trụ sở công an tỉnh giải quyết. Chúng khai tên Lê Mạnh Lương (SN 1962) và Trần Thị Hiền (SN 1961, cùng quê Hải Phòng, quốc tịch Anh). Trước đó, ngày 23-6-2004, hai đối tượng này nằm trong tầm ngắm của BCA, khi di chuyển từ Hà Nội vào thuê khách sạn ở Đồng Hới để nghỉ. Sau khi Lương - Hiền vào Đồng Hới được 2 ngày để nhận hàng, nhưng chưa kịp thì bị bắt.
Sáng hôm sau, BCA điều Nguyễn Minh Tuấn (tức Bum) về nhà Tình ở Lộc Ninh và bắt Tuấn tại đây. Còn Khưu Thị Nga, sau khi về Quảng Bình đã bắt xe trở vào TP.Hồ Chí Minh. Tuấn khai vận chuyển hàng cho Lương và Hiền.
Trường hợp ông Căn (ở Quảng Thuận), lúc đầu BCA cũng nghi ngờ, nhưng sau khi đấu tranh và thu thập chứng cứ, xét thấy ông Căn không biết chuyện giao dịch của các đối tượng, chúng qua mặt ông để “mượn” địa điểm giao hàng, nên đã không khởi tố.
(Còn tiếp)