Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV nhấn mạnh: BIDV là đơn vị triển khai thành công và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA”.
Theo ông Trần Bắc Hà, là một ngân hàng có bề dày truyền thống hơn 58 năm, chủ lực trong cho vay đầu tư phát triển đất nước, BIDV được giao thực hiện triển khai quản lý và giải ngân nhiều dự án ODA.
Từ thực tiễn đó, BIDV đã đạt được nhiều kết quả tốt. Theo đó, BIDV quản lý hiệu quả các chương trình/dự án nguồn vốn ODA của Chính phủ với hơn 200 chương trình/dự án với tổng trị giá khoảng 15 tỷ USD, và là một trong những ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước hàng đầu được giao phục vụ nhiều dự án lớn từ các nguồn vốn ủy thác nước ngoài của Chính phủ Nhật, Pháp, Đức, Thụy Sĩ… cũng như các tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB, NIB, EIB.
Các dự án đã được BIDV phục vụ, thúc đẩy giải ngân nhanh chóng, hiệu quả và an toàn.
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT phát biểu tại buổi hội thảo - Ảnh: Xuân Hoài
Bên cạnh đó, BIDV thực hiện thành công vai trò Ngân hàng bán buôn các Dự án Tài chính nông thôn (TCNT) I, II, III: Từ 2002, BIDV được Chính phủ tin tưởng giao thực hiện chức năng Chủ Dự án cho chuỗi 3 Dự án TCNT từ vốn vay của WB tương đương 548 triệu USD.
Các Dự án TCNT đã bổ sung lượng vốn cho đầu tư phát triển khu vực nông thôn trên 44 nghìn tỷ đồng (2,1 tỷ USD), tài trợ trên 1,7 triệu phương án sản xuất kinh doanh của hộ gia đình và các doanh nghiệp, trong đó có trên 600 nghìn hộ nghèo, tạo ra trên 410 nghìn việc làm mới ở khu vực nông thôn trên toàn quốc.
Không những vậy, BIDV góp phần nâng cao hình ảnh và uy tín của Việt Nam trong quan hệ với cộng đồng nhà tài trợ quốc tế. WB đánh giá Việt Nam là nước triển khai thành công nhất mô hình dự án Tài chính nông thôn trên thế giới, cả về mặt mô hình thực hiện, công tác quản lý, tổ chức triển khai cũng như về hiệu quả đầu tư và tác động kinh tế - xã hội đối với khu vực nông thôn.
Với vai trò là ngân hàng phục vụ các Dự án ODA trong 20 năm qua, Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV đưa ra một số đề xuất kiến nghị để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA trong thời gian tới.
Theo đó, về định hướng huy động và sử dụng nguồn vốn ODA: Tập trung thu hút và sử dụng vốn ODA cho các Dự án phát triển kinh tế xã hội có khả năng tự hoàn vốn nhanh, phù hợp với nhu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Đặc biệt là các chương trình, dự án phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng, phát triển doanh nghiệp trong nước ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ cho các chương trình, dự án đầu tư công quan trọng khó có khả năng thu hút đầu tư của khu vực tư nhân hoặc sử dụng các nguồn vốn vay thương mại.
Về hoàn thiện cơ chế chính sách thì cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về ODA của Việt Nam theo hướng hài hòa với qui trình và thủ tục của Nhà tài trợ.
Nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao vai trò của BIDV trong việc thực hiện nguồn vốn ODA tại Việt Nam - Ảnh: Xuân Hoài
Trước hết cần điều chỉnh lại nội dung liên quan đến cách tính lãi suất cho các tổ chức tín dụng vay lại vốn ODA tại Nghị định 78/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 của Chính phủ về Cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài.
Hiện tại lãi suất cho các tổ chức tín dụng vay lại theo qui định của Nghị định 78 (khoảng 8,2%/năm) là tương đối cao, cần được xem xét, điều chỉnh một cách hợp lý.
Đối với vốn đối ứng cho các chương trình/dự án thì đây đang là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ thực hiện ở nhiều dự án, do đó, BIDV đề xuất xem xét đổi mới phương thức bổ sung nguồn vốn đối ứng thông qua các hình thức:Thu hút các nguồn lực của xã hội để bổ sung nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA thông qua việc cho phép các thành phần kinh tế (Nhà nước và tư nhân) tham gia đầu tư cho các dự án dưới hình thức BOT, BT, PPP, qua đó giảm gánh nặng cho Ngân sách Nhà nước.
Các nhà đầu tư có thể được làm chủ dự án hoặc tham gia quản lý các dự án và được chia sẻ lợi ích từ các dự án tương ứng với phần vốn đóng góp.Mở rộng áp dụng hình thức cho các ngân hàng thương mại vay lại nguồn vốn các dự án ODA có cấu phần tín dụng, có thể dưới hình thức là ngân hàng bán buôn (như trong Dự án TCNT) hoặc là ngân hàng bán lẻ nguồn vốn Dự án (trong dự án Năng lượng tái tạo, Dự án Cho vay Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ,…), theo đó các NH tham gia sẽ tự thu xếp phần vốn đối ứng cho dự án.
“Cần mở rộng áp dụng hình thức cho vay lại nguồn vốn ODA theo mô hình cho các tổ chức tín dụng vay lại và chịu rủi ro tín dụng (như trong các Dự án TCNT, Dự án Năng lượng tái tạo, Dự án Cho vay Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ,…), để giảm áp lực về vốn đối ứng trong nước và áp lực về nợ công của Chính phủ, song vẫn đáp ứng được nhu cầu về vốn cho phát triển kinh tế xã hội và thực hiện các định hướng mục tiêu phát triển đề ra”, ông Trần Bắc Hà nhấn mạnh về mô hình thực hiện Dự án ODA trong thời gian tới.