(CAO) Vượt qua bệnh tật, em Kiều Quốc Sang (18 tuổi, học sinh trường THPT Ba Gia, huyện Sơn Tịnh) đã vươn lên trở thành một trong số 4 thí sinh đạt điểm cao nhất cả nước tại kì thi THPT Quốc gia vừa qua, với số điểm xét tuyển vào đại học (ĐH) của khối B đạt 29,25 điểm, gồm Toán (10 điểm), Hóa (10 điểm) và Sinh (9,25 điểm).
Ý chí thắng bệnh tật
Trong căn nhà nằm sâu ở khu dân cư số 5, thôn Minh Long, xã Tịnh Minh, ông Kiều Tấn Sơn (49 tuổi), cha của Sang kể: "Sau khi xuất ngũ trở về, tôi lập gia đình và năm 1997 thì sinh cháu Sang. Ban đầu Sang cũng khỏe mạnh và hiếu động như những đứa trẻ khác cùng tuổi. Do điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn nên 2 vợ chồng lo làm ăn nên không để ý nhiều đến sức khỏe của con".
Đến khi Sang chuẩn bị vào lớp 1, nghe con hay kêu đau nhức ở chân nên vợ chồng mới kiểm tra và tá hỏa khi phát hiện chân của cháu Sang một to, một nhỏ. Hơn 10 năm trời sau đó, vợ chồng anh Sơn dốc hết tiền bạc tích cóp, rồi vay mượn người thân để bế con đi nhiều tỉnh thành nam, bắc chạy chữa, thế nhưng vẫn không khỏi.
Thời gian rảnh, em Sang phụ giúp việc cho bố mẹ
Cho đến tận bây giờ chỉ nghe bác sỹ ở TP.HCM nói là cháu bị viêm đa khớp, anh Sơn giọng đượm buồn. Dù bị tật phải đi chân thấp, chân cao và luôn ốm đau, thế nhưng Sang lại rất ham học. Chỉ trừ những ngày ốm phải nằm liệt giường mới chịu nghỉ ở nhà, còn không thì sau khi uống thuốc xong Sang cũng lò mò cầm vở đến trường, ông Sơn cho biết.
Theo đó suốt 12 năm ở 3 bậc Tiểu học, THCS rồi THPT, Sang luôn là một trong những học sinh dẫn đầu lớp, trường về thành tích học tập. Nói về việc chọn vào ngành y, Sang không giấu giếm, với những bệnh như ung thư thì khó chữa đã đành, còn những bệnh như em thì đâu có gì là quá nặng. Vì vậy em quyết tâm trở thành bác sỹ để sau này có thể giúp cho những trường hợp như em.
Chia sẻ về kinh nghiệm học tập của mình, cậu học trò này cho biết: "Ngoài theo dõi bài giảng của thầy cô trên lớp, chịu khó ôn tập tại nhà thì việc tìm tòi thêm kiến thức và giải các đề thi trên mạng Internet...đã giúp làm quen, nắm vững kiến thức hơn, em Sang chia sẻ kinh nghiệm học tập của mình".
Nỗi lo con đường về đích ước mơ
Vui, tự hào khi nói về nghị lực, ý chí và kết quả mà đứa con trai của mình đã đạt được trong kì thi THPT Quốc gia vừa qua, gương mặt của ông Sơn vẫn không giấu được nỗi lo âu khi nghe chúng tôi hỏi về chuyện ăn học cho Sang trong thời gian đến.
Đại diện tộc họ Kiều thưởng tiền cho cháu Sang
Cũng như bao gia đình khác ở vùng quê nghèo nơi đây, với nguồn thu từ 2 sào (500m2/sào) đất lúa, 1 ít đất trồng màu và nuôi heo, gà....không đủ cho cả gia đình 4 khẩu. Vì vậy để có thêm tiền trang trải cho cuộc sống gia đình, ông Sơn đã phải đi làm phụ hồ, với tiền công từ 120-150.000 đồng/ngày.
Đưa tay chỉ vào căn nhà ngói rộng chừng 75m2 vừa xây cách đây khoảng 1 năm, ông Sơn cho biết, năm 2013, cơn lũ dữ đã làm sập căn nhà cũ nên vợ chồng phải vay mượn để xây lại, hiện còn nợ gần 50 triệu đồng vẫn chưa trả xong. Cảm thông với hoàn cảnh ông Sơn, 1 gia đình ở trong vùng đã cho ông Sơn nuôi rẻ con bò cái, với phương thức ăn chia 50/50 số bê con mà bò mẹ đẻ ra.
Và đến nay với 1 con bê được chia nuôi khá lớn, đã trở thành tài sản đáng giá nhất của gia đình người nông dân nghèo này. Định nuôi để ít lâu nữa cho lớn thêm, thế nhưng mai mốt nếu cháu Sang nhập học mà kẹt quá, tôi sẽ bán để lấy tiền cho nó, ông Sơn bộc bạch.
Với thành tích xuất sắc đã đạt được, sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi đã đến trao thưởng số tiền 10 triệu đồng cho em Sang.