Hai lần bị kỷ luật vẫn được tuyên dương điển hình

Thứ Tư, 05/08/2015 19:09  | Hoàng Quân

|

(CAO) Ông Nguyễn Việt Đức - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Âm nhạc (HVAN) Huế dù hai lần bị kỷ luật do có nhiều sai phạm trong việc tuyển dụng, sa thải cán bộ công chức, vi phạm tài chính… vẫn được tuyên dương gương điển hình tiên tiến thi đua yêu nước.

TUYÊN DƯƠNG NGƯỜI HAI LẦN BỊ KỶ LUẬT

Ngày 4-8, Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Thừa Thiên - Huế lần thứ 4 được long trọng tổ chức. Trong 433 đại biểu là gương điển hình tiên tiến được bầu từ cơ sở trong giai đoạn 5 năm (2010 - 2015), có ông Nguyễn Việt Đức tham dự đại hội khiến nhiều người bức xúc, phản ứng bởi ông Đức đã hai lần bị kỷ luật nặng.

Ngày 27-7-2015, ông Đức bị Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế kỷ luật về Đảng với hình thức khiển trách vì vi phạm trong chấp hành các quy định của pháp luật về công tác bổ nhiệm, kỷ luật viên chức. Trước đó, tháng 6-2014, ông Đức bị cơ quan chủ quản là Bộ VH-TT&DL kỷ luật cảnh cáo với sai phạm như trên.

Học viện Âm nhạc Huế

Chiều 5-8, ông Cái Vĩnh Tuấn - Giám đốc Sở Nội vụ (cơ quan tham mưu của Ban Thi đua khen thưởng tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết: “Đại hội thi đua yêu nước được khởi động từ tháng 11-2014, các ngành, các địa phương bắt đầu đại hội cấp cơ sở và gửi danh sách các điển hình lên Ban Thi đua khen thưởng tỉnh, chậm nhất đến tháng 2-2015.

HVAN Huế gửi danh sách vào khoảng tháng 3-2015. Trong khi ông Đức bị kỷ luật cuối tháng 7-2015. Hơn nữa, đại hội thi đua yêu nước không có khâu xác minh tư cách đại biểu như đại hội Đảng. Còn Ban thi đua khen thưởng của tỉnh cũng không nhận được văn bản, phản ánh về việc kỷ luật đối với ông Đức”.

PV chất vấn: “Tháng 6-2014, ông Đức bị Bộ VH-TT&DL kỷ luật cảnh cáo và báo chí, người tố cáo cũng phản ánh nhiều” thì ông Tuấn cho biết: “Chúng tôi không có thông tin này. Nếu cơ sở, cấp dưới báo lên thì Sở mới biết và sẽ tham mưu cho Hội đồng thi đua xem xét hoặc trao đổi với lãnh đạo HVAN Huế, vận động ông Đức rút đơn. Lẽ ra cá nhân ông Đức phải biết và không nên có trong danh sách của cơ quan gửi lên”.

Ông Tuấn cho biết thêm: “Cá nhân tôi không nằm trong Hội đồng thi đua yêu nước của tỉnh mà chỉ được giao trách nhiệm về nội dung và hình thức cuốn kỷ yếu của Đại hội, chỉ thuộc cơ quan tham mưu nên không quyết định được sự việc”.

Về cách xử lý, ông Tuấn cũng băn khăn rất khó bởi mọi việc cũng đã lỡ rồi, đại hội xong rồi. Đây là trường hợp đáng tiếc, không đáng có và rất mất uy tín. Nếu ông Đức có vi phạm thì sẽ bị kỷ luật về Đảng, về chính quyền. Tuy nhiên, Sở sẽ có văn bản báo cáo UBND tỉnh, Ban thi đua yêu nước của tỉnh về sự việc.

QUÁ NHIỀU SAI PHẠM

Việc ông Đức được tuyên dương gây chấn động dư luận trước những lùm xùm, sai phạm ở HVAN Huế nhiều năm nay. Tháng 6-2014, Thanh tra Bộ VH-TT&DL xác minh đơn thư khiếu nại, tố cáo về kỳ thi tuyển công chức từ ngày 21 đến 26-4-2014 do ông Đức làm Chủ tịch hội đồng và kết quả: nhiều trường hợp quá thời hạn nâng lương nhưng chưa được nâng lương.

Từ năm 2009 đến nay, 9 người nhân viên được ký HĐLĐ không xác định thời hạn, hồ sơ không thể hiện nâng lương. 34 trường hợp là giảng viên, chuyên viên và nhân viên không xác định thời hạn tuyển dụng do HVAN tuyển dụng giai đoạn 2007 – 2013, có 14 trường hợp không hưởng đúng bậc lương.

Nhiều trường hợp làm ngược quy trình, thay vì có quyết định tuyển dụng trước sau đó mới hợp đồng làm việc thì HVAN Huế làm ngược lại. Năm 2013, có 14 người được ký HĐLĐ nhưng HVAN Huế không cung cấp được hồ sơ cho thanh tra.

Ông Đức được in hình trong sách

Đặc biệt, bức xúc nhất là cả hai con gái của ông Đức là N.T.V.H. và N.T.V.T. đều trúng tuyển biên chế. Có 18 thí sinh không đủ điều kiện, tiêu chuẩn vẫn được dự thi, trong khi nhiều cán bộ công tác lâu năm, kết quả thi tốt lại bị trượt. Bộ VH-TT&DL quyết định hủy kết quả đối với hai con gái của ông Đức; đồng thời quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Đức.

Việc lấy ngân sách trả lương cho HĐLĐ khiến quỹ lương bị thâm hụt. Năm 2014, quỹ lương cho HĐLĐ tăng 250% so với năm 2011, trong khi thu sự nghiệp năm 2014 chỉ tăng 5% so với năm 2011.

Năm 2011, HVAN Huế thu hơn 4,6 tỷ đồng học phí đối với 1.200 học viên, cân đối thu - chi còn dư 1,8 tỷ đồng. Năm 2012 với 1.296 học viên, thu hơn 4,7 tỷ đồng, chi lương hợp đồng hơn 4 tỷ đồng. Năm 2013, chỉ còn 785 học viên, thu học phí hơn 3,8 tỷ đồng nhưng chi lương 5,4 tỷ đồng (âm 1,6 tỷ đồng).

Năm 2014, HVAN Huế chỉ còn 475 học viên, chi âm hơn 4 tỉ đồng. 6 tháng đầu năm 2015, Học viện chỉ có 382 học viên, thu 300 triệu đồng, nhưng phải chi lương 2,8 tỉ đồng.

Vừa qua, Kiểm toán Nhà nước công bố 7 trường đại học trực thuộc Bộ, ngành thu vượt phí hoặc thu những khoản chưa có trong quy định, trong đó có HVAN Huế.

Đầu tháng 7-2015, 141 giảng viên, nhân viên hợp đồng đang làm việc nhận được thông báo về việc có thể phải nghỉ việc hoặc bị sa thải.

Dự kiến cuối năm 2015 sẽ tiến hành thì ngày 25-6-2015, Bộ VH-TT&DL phê duyệt kế hoạch thi tuyển viên chức 2015 của HVAN Huế dựa trên kế hoạch do HVAN Huế trình lên. HVAN Huế tuyển 13 chỉ tiêu gồm 10 giảng viên và 3 chuyên viên.

Bốn năm nay, nhiều người có tâm huyết, năng lực trở nên chán nản khi HVAN Huế xảy ra quá nhiều điều tiêu cực và khuất tất, không minh bạch và tùy tiện trong việc bổ nhiệm cán bộ, lao động. Nhiều cán bộ khác cũng đang phân vân giữa đi và ở.

Bình luận (0)

Lên đầu trang