Theo ông Minh, đề án trên có tổng diện tích sử dụng đất khoảng 20 ha (gồm cả diện tích đất để xây dựng trụ sở làm việc HĐND, UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh vì các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Sơn La phải di chuyển ra khỏi khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La theo quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ).
Nhóm Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với lễ đài có tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng. Ngoài ra, còn các hạng mục khác, gồm quảng trường; đền thờ Bác Hồ; bảo tàng tổng hợp; khu nhà điều hành đón tiếp; khu đô thị (ở và dịch vụ); hệ thống giao thông, khuôn viên cây xanh, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, các công trình công cộng khác; bồi thường giải phóng mặt và tái định cư. Khái toán đầu tư của cả đề án khoảng 1.400 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Cầm Ngọc Minh - Ảnh: VTC
Cũng theo ông Minh, việc xây dựng tượng đài là nhằm “khắc ghi sự kiện lịch sử Bác Hồ về thăm đồng bào, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc Tây Bắc; thể hiện tình cảm sâu nặng, lòng thành kính, biết ơn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc khu vực Tây Bắc nói chung và Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La nói riêng đối với Bác Hồ…”.
Tỉnh uỷ Sơn La đã báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng, các Bộ - ngành Trung ương và chủ trương xây dựng đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng cho ý kiến tại văn bản số 8462-CV/VPTW ngày 15-8-2014; Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030 tại văn bản số 2124/TTg-KGVX ngày 30-10-2014.
Các Bộ - ngành Trung ương cũng đồng tình, ủng hộ đề án này (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tại văn bản số 3713/BVHTTDL-MTNATL ngày 20-10-2014; Bộ Kế hoạch - Đầu tư tại văn bản số 3945/BKHĐT-LĐVX ngày 23-6-2014; Bộ Tài chính tại văn bản số 8634/BTC- ĐT ngày 27-6-2014).
Kinh phí để thực hiện đề án, theo ông Minh, gồm ngân sách Nhà nước, vốn chỉnh trang đô thị, khai thác từ quỹ đất và huy động vốn xã hội hoá.
Trao đổi với phóng viên Báo Công an TP.HCM về đề án trên, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng việc xây dựng tượng đài để biểu thị lòng kính yêu với Bác Hồ là rất đáng trân trọng nhưng trong hoàn cảnh kinh tế như hiện nay thì rất cần cân nhắc.
“Trong điều kiện tỉnh còn nghèo, đời sống người dân còn khó khăn thì lãnh đạo địa phương nên lựa chọn việc nào cần làm trước, việc nào làm sau” - ông Tiến nói.
Từ câu chuyện của Sơn La, ông Tiến bày tỏ lo ngai về “bệnh thích hoành tráng” đang diễn ra hiện nay, bao gồm cả việc xây dựng trụ sở, bảo tàng, tượng đài, nhà thi đấu, nhà văn hóa... Những công trình này tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng nhưng công năng và hiệu quả sử dụng lại vô cùng khiêm tốn, thậm chí có những công trình vừa khai trương đã khai tử, bỏ hoang hóa, sử dụng không đúng mục đích. Nhiều công trình được xây dựng mà không tính toán đến số dân được hưởng thụ từ công trình đó.
Trở lại câu chuyện xây dựng quảng trường của Sơn La, ông Tiến nói: “Ban Bí thư đồng ý là đồng ý về chủ trương, việc lập đề án là thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh và địa phương cần phải cân nhắc. Còn nếu nói là mong muốn của nhân dân thì trước khi xây dựng, theo tôi, phải lấy ý kiến của nhân dân”.
Liên quan đến việc xây dựng quảng trường, đại biểu Nguyễn Việt Trường (An Giang) cho rằng đang có dấu hiệu phát triển thành “phong trào”. Theo đại biểu Trường, đây là việc làm đi ngược lại sự chỉ đạo của Chính phủ về tiết kiệm chi, dồn vốn cho đầu tư phát triển.
Chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề này, đại biểu Trường nêu câu hỏi: “Việc xây dựng quảng trường của các tỉnh, thành phố có nằm trong quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt không? Kinh phí xây dựng lấy từ nguồn nào?”. Đồng thời, ông Trường cũng đặt vấn đề có nên tiếp tục phát triển “phong trào” này trong điều kiện ngân sách khó khăn, nợ cao như hiện nay không?
Trả lời đại biểu Trường, Thủ tướng Chính phủ cho biết, quảng trường là không gian chung của các đô thị, là địa điểm sinh hoạt chung của cộng đồng nhân dân, nơi diễn ra các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đến thời điểm hiện nay, không có quy hoạch chung cho hệ thống quảng trường cả nước.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc xây dựng quảng trường tại các đô thị là tạo lập không gian sinh hoạt chung, phù hợp với xu thế phát triển đô thị hiện đại và cần được nghiên cứu trên cơ sở tổng hòa giữa nhu cầu của địa phương, cộng đồng dân cư; theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của các Bộ quản lý ngành có liên quan.
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, thời điểm, lộ trình xây dựng phải phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng huy động vốn.
Theo Luật đầu tư công, cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả kinh tế - xã hội của công trình cũng như khả năng cân đối đủ vốn đầu tư thực hiện công trình.
Các công trình, dự án có sử dụng vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương phải tuân thủ quy trình lựa chọn nhất định, phù hợp với mục tiêu, khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và mức hỗ trợ của ngân sách trung ương.
Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN), quảng trường tại các tỉnh, thành phố là công trình của các tỉnh, thành phố và do ngân sách địa phương(NSĐP) chịu trách nhiệm bố trí vốn thực hiện. Quyết định xây dựng các quảng trường thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND các tỉnh, thành phố. Đối với ngân sách trung ương (NSTW), căn cứ tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển trong từng giai đoạn, NSTW bổ sung hỗ trợ một phần vốn để thực hiện của các dự án đầu tư phát triển tại địa phương. Trên thực tế, hầu hết các quảng trường tại các tỉnh, thành phố được xây dựng bằng NSĐP và các nguồn vốn phù hợp khác. NSTW chỉ hỗ trợ một phần vốn xây dựng một số quảng trường như quảng trường Hùng Vương (Phú Thọ) gắn với di tích Đền Hùng, Quảng trường Nguyễn Tất Thành (Tuyên Quang) gắn với tượng đài Chủ tịch HCM.