Hội thảo do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, ông Vương Đình Huệ -Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì với sự tham dự của hơn 60 tổ chức kinh tế toàn cầu và các chuyên gia kinh tế đầu ngành của Việt Nam. Ngân hàng BIDV là đơn vị đưa ra sáng kiến và tổ chức cuộc hội thảo này.
90 tỷ USD từ ODA
“Việt Nam là một mô hình thành công trong huy động và sử dụng ODA. Hiệu quả sử dụng vốn ODA cũng được các nhà tài trợ đánh giá tích cực, Việt Nam tiếp tục là nước sử dụng nguồn vốn ODA tốt”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Theo đó tại Việt Nam, nguồn vốn ODA được thực hiện dưới 3 hình thức. Trong đó, ODA viện trợ không hoàn lại chiếm khoảng 10-12%, ODA vay ưu đãi chiếm khoảng 80% và ODA hỗn hợp chiếm khoảng 8-10%. Lũy kế từ năm 1993 đến 2014, tổng giá trị vốn ODA cam kết cho Việt Nam đã lên đến 89,5 tỷ USD, tổng vốn đã ký kết đạt 73,68 tỷ USD bình quân 3,5 tỷ USD/năm, vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân đạt 53,89 tỷ USD, chiếm trên 73,2% tổng vốn ODA đã ký kết.
Quang cảnh buổi hội thảo - Ảnh: Xuân Hoài
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, ODA cam kết dành cho Việt Nam trong 20 năm qua không chỉ mang đến cho Việt Nam nguồn vốn bổ sung quan trọng phục vụ quá trình phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực...
Quan trọng hơn sự cam kết này cũng đồng thời khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc đổi mới và chính sách phát triển đúng đắn của Đảng và chính phủ Việt Nam, sự tin tưởng của các nhà tài trợ vào hiệu quả tiếp nhận và sử dụng vốn ODA của Việt Nam.
“Ngoài sự nỗ lực của Việt Nam thì sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là nguồn vốn ODA đã cung cấp lượng vốn lớn (trên 10% tổng lượng vốn), góp phần không nhỏ trong cho sự phát triển của Việt Nam hôm nay. Từ đó nhiều dự án, công trình lớn về giao thông, điện, thủy lợi, y tế, giáo dục…được đầu tư một cách bài bản, quy mô. ODA đã góp phần giúp Việt Nam ổn định từng bước, nâng cao năng lực, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh tế, thương mại, dịch vụ…”- Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, năng lực hấp thụ nguồn vốn ODA còn hạn chế, tiến độ giải ngân còn chậm, sử dụng nguồn vốn này còn thấp, thể chế pháp luật, quản lý ODA đang dần hoàn thiện nhưng cũng còn vấp nhiều thiếu sót, một số nơi, địa phương còn chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ODA, còn có tình trạng sử dụng nguồn vốn chưa nghiêm túc, hiệu quả.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu trong buổi hội thảo - Ảnh: Xuân Hoài
“Chúng tôi sẽ khắc phục, đồng thời tăng cường quản lý, thanh kiểm tra thường xuyên để sử dụng ODA đúng mục đích, hiệu quả cao nhất”, ông Ninh khẳng định.
“Tốt nghiệp ODA”- Việt Nam xoay sở cách nào?
Theo ông Vương Đình Huệ, chúng ta còn thiếu một định hướng tổng thể với tầm nhìn dài hạn làm cơ sở cho việc huy động và sử dụng ODA một cách có hiệu quả hơn, nhất là sau khi Việt Nam “tốt nghiệp ODA” vào năm 2018 và những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, các nguồn vốn ODA ưu đãi thường kèm theo những điều kiện như chỉ định thầu, ưu tiên nhà thầu nước ngoài, yêu cầu mua máy móc, thiết bị, vật liệu từ quốc gia tài trợ vốn ODA. Rồi do các dự án thiếu tính cạnh tranh nên chi phí đầu tư thực tế thường tăng hơn rất nhiều so với dự toán ban đầu. Điều nữa là do vốn dễ tiếp cận và trách nhiệm của người đi vay không cao nên các dự án sử dụng vốn ODA có nguy cơ quản lý kém hiệu quả, nảy sinh nhiều bất cập…
Ông Vương Đình Huệ- Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi hội thảo - Ảnh: Xuân Hoài
Về định hướng sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong thời gian tới, ông Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đối với vốn ODA không hoàn lại thì sử dụng thực hiện chương trình, dự án hỗ trợ chính sách, phát triển thể chế, tăng cường năng lực con người; hỗ trợ trực tiếp cải thiện đời sống kinh tế, xã hội, môi trường cho người dân, nhất là người nghèo ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc; nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo;chuẩn bị chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi và các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
“Còn với vốn vay ODA cần chuẩn bị và thực hiện các chương trình, dự án không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; những chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước có thể tạo ra nguồn thu để phục vụ lợi ích kinh tế - xã hội quốc gia”, ông Dũng lưu ý.
“Về vốn vay ưu đãi thì đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia, có nguồn thu và khả năng trả nợ chắc chắn như xây dựng các nhà máy điện, các tuyến đường cao tốc thu phí, tàu điện ngầm, đường sắt trên cao ở các thành phố lớn, hệ thống thông tin liên lạc viễn thông, các công trình sản xuất có hàm lượng công nghệ và kỹ thuật cao,...”, ông Dũng nói.