TPHCM: Phấn đấu trở thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực

Thứ Hai, 23/09/2024 09:08  | Trung Hiếu

|

(CATP) Thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND TPHCM cho biết sẽ tập trung chuyển đổi, áp dụng logistics xanh trong chuỗi cung ứng giúp vận chuyển hàng hóa hiệu quả mà vẫn giảm thiểu khí thải, ô nhiễm, thân thiện môi trường, xem đây là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển, hội nhập, giúp các doanh nghiệp gia tăng khả năng cạnh tranh và tăng trưởng bền vững…

Theo UBND TPHCM, kế hoạch kiểm tra thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nói trên nhằm góp phần khẳng định vị trí, vai trò của TP là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ, sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và Châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Qua đó, góp phần kéo giảm chi phí logistics, tăng cường kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông, thúc đẩy dịch vụ logistics trở thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, góp phần tăng năng lực cạnh tranh cho hàng hóa và sự phát triển của nền kinh tế TP.

Liên quan đến vấn đề này, ngoài việc đặt ra yêu cầu ưu tiên triển khai các dự án ứng dụng công nghệ 4.0, công nghệ kỹ thuật cao, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, sử dụng năng lượng tái tạo và áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường, TPHCM đã đặt mục tiêu chung cho từng giai đoạn. Trong đó, đến năm 2030, TP sẽ phát triển logistics trở thành một ngành có vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế TP trên cơ sở tận dụng tối đa các cơ hội đón đầu các chuỗi cung ứng toàn cầu; thúc đẩy hình thành các chuỗi cung ứng xanh, hiện đại và từng bước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển mạng lưới kết nối. Đồng thời, phấn đấu đưa TP trở thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, trong đó tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng logistics và cảng biển đồng bộ, hiện đại, tăng cường kết nối các trung tâm kinh tế, công nghiệp, thương mại dịch vụ, phân phối của vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tầm nhìn đến năm 2045, TP sẽ triển khai 8 dự án xây dựng TT logistics

Tầm nhìn đến năm 2045, TP sẽ phát triển logistics trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững, hiệu quả, chất lượng và có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới, phát huy lợi thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu trên cơ sở chủ động xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng theo hướng bền vững, tích hợp, tối ưu hóa và quản lý hiệu quả để nâng cao khả năng linh hoạt, nhanh chóng thích ứng với sự biến đổi của thị trường; cũng như phấn đấu TP xây dựng trở thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực Châu Á và thế giới.

Chủ tịch UBND TPHCM - Phan Văn Mãi - cũng cho biết, theo kế hoạch, TP đã đặt mục tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực. Chẳng hạn về giao thông, TP phấn đấu hoàn thành danh mục dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải trọng điểm, ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2030 được lựa chọn dựa trên 6 tiêu chí của Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020 - 2030 đã phê duyệt triển khai thực hiện; phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về "0" vào năm 2050.

Về logistics, đến năm 2030 đạt tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP trên 8,5%; tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp TP từ 15% - 20%/năm; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt trên 60%; góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia khoảng 12% - 15%, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ hạng 45 trở lên. Đến năm 2045, phấn đấu đạt tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP trên 12%; tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp TPHCM từ 10% - 12%/năm; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics trên 70%; góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia khoảng 10% - 12%, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ hạng 30 trở lên.

Về cảng biển, đến năm 2030, hình thành nhóm cảng biển TP (gồm khu bến Cát Lái - Phú Hữu; khu bến Hiệp Phước, sông Soài Rạp; khu bến trên sông Sài Gòn; khu bến Nhà Bè; khu bến Long Bình; khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; các bến cảng tiềm năng tại huyện Cần Giờ; các bến phao, khu neo chuyển tải hàng hóa và các khu neo đậu tránh, trú bão). Hàng hóa từ 228,0 triệu tấn đến 253,0 triệu tấn; tỷ lệ vận tải đường thủy nội địa chiếm từ 41,4% đến 42,1%, vận tải đường bộ chiếm từ 57,9% đến 58,6%. Đến năm 2045, tiếp tục phát triển các bến cảng mới đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 3,5%/năm đến 3,8%/năm. Khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có quy mô dự kiến phát triển khoảng 13 bến cảng đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa trung chuyển container quốc tế và tăng trưởng hàng hóa.

Để triển khai, thực hiện theo như kế hoạch đã đề ra, UBND TP đặc biệt chú trọng đến các nhóm giải pháp chủ yếu, bao gồm: hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý nhà nước; phát triển hạ tầng; phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông vận tải (hạ tầng giao thông đường bộ, hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; hạ tầng giao thông hàng hải, hạ tầng giao thông đường sắt, hạ tầng giao thông đường hàng không); phát triển đồng bộ hệ thống Trung tâm logistics; nâng công suất bốc dỡ và kho chứa cảng biển; huy động và tăng cường vốn đầu tư phát triển; phát triển nguồn nhân lực; giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin.

Bình luận (0)

Lên đầu trang