Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06); ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đồng chủ trì Hội thảo.
Các đại biểu tại hội thảo
Giúp các ngân hàng, tổ chức tín dụng giảm rủi ro khi cho vay vốn
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thiếu tướng Phùng Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính (QLHC) về trật tự xã hội (TTXH), Bộ Công an cho biết: Trong thời gian qua, tình hình hoạt động tội phạm “tín dụng đen” đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. Qua theo dõi, chỉ trong 3 năm trở lại đây toàn quốc đã phát hiện 2.740 vụ, 4.941 đối tượng việc liên quan đến “tín dụng đen”, đã khởi tố điều tra 1.575 vụ với 3.399 bị can…
Tín dụng đen gây ra nhiều hệ luỵ xã hội như: giết người, cố ý gây thương tích, huỷ hoại tài sản… ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Hiện nay, nhiều người dân chưa được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thống, các doanh nghiệp cũng phải vay vốn “tín dụng đen” với lãi suất “cắt cổ”. Mặc dù Chính phủ cũng đã triển khai các gói hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận.
Thiếu tướng Phùng Đức Thắng cũng cho biết, với mục đích đề ra giải pháp để công dân yếu thế được tiếp cận nhanh nguồn vốn chính thống, lãi suất phù hợp, dần giảm thiểu tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”; Bộ Công an đã giao Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân xây dựng giải pháp đánh giá khả tín khách hàng vay.
Thiếu tướng Phùng Đức Thắng đề nghị các đại biểu tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai, ứng dụng đánh giá khả tín khách hàng vay, sử dụng dữ liệu tín dụng trong các hoạt động tài chính, ngân hàng tại Việt Nam, từ đó có cơ sở để đề xuất các cấp có thẩm quyền lựa chọn những phương án tối ưu, hiệu quả và tiết kiệm nhất…
Trình bày báo cáo tổng thể giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết, đơn vị đã phối hợp với Trường Công nghệ thông tin và truyền thông - Đại học Bách khoa Hà Nội ứng dụng dữ liệu dân cư để xây dựng giải pháp đánh giá khả tín khách hàng vay sử dụng công nghệ máy học, trí tuệ nhân tạo theo tiêu chuẩn tham khảo tín dụng FICO tại Mỹ được sử dụng trong rất nhiều nghiệp vụ và hoạt động hàng ngày như: ra quyết định cho vay, xác định lãi suất của các khoản vay, xin việc làm, mua và thuê nhà, mua và thuê ôtô, mua sản phẩm bảo hiểm, mua các sản phẩm viễn thông, sử dụng các dịch vụ công, và một số lĩnh vực khác.
Đại tá Vũ Văn Tấn trình bày báo cáo tại hội thảo
Đến nay, cơ bản hoàn thiện mô hình thuật toán đánh giá khả tín khách hàng vay với các trường thông tin dân cư, dữ liệu về căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử, dữ liệu di biến động cư trú và các trường thông tin khác được làm giàu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với độ chính xác cao… qua đó giúp các ngân hàng các tổ chức tín dụng giảm tỉ lệ rủi ro khi cho vay vốn. Các ngân hàng hiện đều mong muốn được triển khai dữ liệu công dân do Bộ Công an quản lý trong lĩnh vực cho vay.
Bước tiến quan trọng để thực hiện hiệu quả hơn Đề án 06, chuyển đổi số
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung tham luận, đánh giá khả tín khách hàng vay thông qua các chuyên đề như: Dữ liệu tín dụng và thực trạng sử dụng dữ liệu tín dụng trong hoạt động tài chính - ngân hàng tại Việt Nam; Ứng dụng mô hình đánh giá khả tín khách hàng vay trong hoạt động cấp tín dụng bán lẻ tại ngân hàng - thực trạng và đề xuất; Ứng dụng dữ liệu dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay tại Ngân hàng BIDV; Thực trạng tín dụng tại Việt Nam và đánh giá ứng dụng phân tích dữ liệu giảm thiểu tín dụng đen…
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá cao nội dung của hội thảo rất có ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh nhu cầu của người dân tiếp cận các kênh tín dụng ngày càng đa dạng. Hoan nghênh Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 06, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá đây là bước tiến quan trọng để thực hiện hiệu quả hơn Đề án 06, chuyển đổi số, qua đó phục vụ tốt hơn người dân trong tiếp cận những chính sách tài chính, tín dụng trong thời gian tới.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại hội thảo
Đề cập đến những nội dung liên quan đến cơ sở pháp lý, hạ tầng công nghệ, đảm bảo an ninh, an toàn, con người công nghệ, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định đây là những nhóm vấn đề, nội dung rất then chốt, phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả trong quá trình triển khai Đề án 06, chuyển đổi số.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, hiện các nước trên thế giới trong quá trình triển khai chuyển đổi số đều phải trải qua những nội dung này và chúng ta không nằm ngoài quy luật đó. Nhấn mạnh quyết tâm chính trị của lãnh đạo các cấp trong triển khai Đề án 06, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá: Quá trình thực hiện đề án đảm bảo nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống”, không cầu toàn nhưng phải nhanh chóng, chủ động, hiệu quả, an toàn, đặc biệt là trong việc xác định những nội dung mang lại lợi ích cao nhất để nghiên cứu sớm triển khai nhằm phục vụ nhân dân, đất nước.
Đại biểu tham quan các mô hình chuyển đổi số bên hành lang hội thảo
Biểu dương và ghi nhận những ý kiến của các đại biểu tại hội thảo, với vai trò Tổ phó Thường trực của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định sẽ cùng với các thành viên của tổ công tác song hành, hỗ trợ tối đa các đơn vị chức năng trong đó có ngành ngân hàng triển khai hiệu quả chuyển đổi số, phục vụ người dân, xã hội.
Tại buổi hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH và các cục chức năng của Bộ Công an đảm bảo kết nối dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, đảm bảo an ninh, an toàn, mang lại tiện ích nhất cho người dân, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.