(CAO) Nằm ở lưng chừng của núi Cấm (ấp Thiên Tuế, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang), hồ chứa Thanh Long được dân nơi này gọi là quả “bom nước”. Sau gần 2 năm hoàn thiện, đến nay công trình này vẫn chưa được đưa vào sử dụng.
Khi những cơn mưa lớn xuất hiện, hàng chục hộ dân ở khu vực hạ lưu thấp thỏm vì không biết “bom nước” nổ tung lúc nào…
Người dân lo âu, thấp thỏm
Đập Thanh Long là một phần của hồ chứa, được xây ngăn ngang dòng chảy của suối nhằm phục vụ nước sinh hoạt, phòng cháy rừng vào mùa khô và phát triển du lịch nơi đây. Tuy nhiên, theo nhiều hộ dân sinh sống ở đây thì việc thiết kế, xây dựng đập không được đảm bảo, gây lo lắng cũng như mất tiền tỷ sửa chữa.
Đập hồ Thanh Long có tổng kinh phí đầu tư, sửa chữa là 45 tỷ đồng
Anh Lý Sơn Đăng, nhà cách chân đập Thanh Long chừng vài chục mét cho biết: “Cả gia đình sống ở núi này mấy chục năm nay, công việc chính của tôi là lái xe thuê. Mấy ngày nay, thấy nước trong hồ tràn đập cũng như có nhiều vị trí bị rò rỉ nên tôi luôn trực chiến ở nhà để xem diễn biến thế nào. Nhà ở đây, con đường xuống núi duy nhất là đi ngang chân đập, do lượng nước trong hồ rất lớn nên gia đình lo sợ cho mấy đứa nhỏ đi học mỗi ngày”.
Mấy ngày nay, dân sống gần con đập hay những hộ dưới chân núi đều rỉ tai nhau chuyện hồ nước Thanh Long đang rò rỉ. Do vậy, ai cũng phập phồng không khác gì sự cố nứt đập cách nay hơn một năm.
Vết nứt hàng mét trên mặt cầu được lấp đất lại thế này
Công trình đập hồ Thanh Long có tổng diện tích xây dựng là trên 11,8ha, trong đó diện tích mặt hồ là 5,8ha do Sở NN-PTNT tỉnh An Giang làm chủ đầu tư, Cty Cổ phần xây dựng đê kè và PTNT Hải Dương thi công...
Được khởi công vào đầu năm 2011 và đến năm 2014 thì hoàn thành, với chiều dài 170m, chiều cao lớn nhất là gần 18m, sức chứa trên 255.000m3 nước, chi phí đầu tư xây dựng là khoảng 45 tỷ đồng. Công trình này có thể cung cấp lượng nước phục vụ cho 1.000 hộ dân.
Tiếp chúng tôi trong nỗi lo lắng, chị chủ quán nước ở ấp Thiên Tuế lo lắng: “Đây là công trình phục vụ phát triển du lịch, dân này cũng có cái lợi nhưng ngặt nỗi hoàn thiện chưa được bao lâu thì lại bị nứt, bị rò rỉ nước; trong khi đó đây là hồ xây để trụ vĩnh viễn, gắn với cuộc sống của bà con ở đây chứ không phải trong giây lát".
Người phụ nữ này còn cho biết, cách nay hơn 1 tuần, chị ra đập xem thì thấy nhiều chỗ nước bắn ra “tia tỉa” mà về không thể ngủ ngon được bởi có trường hợp học sinh chết đuối và để vớt xác thì hồ được xả nước bằng những chiếc vòi nhỏ mà suối thoát không kịp. "Điều chúng tôi lo sợ là những vị trí nước bắn ra mà không được khắc phục ngày sẽ một lớn hơn”, chị chủ quán nước e ngại.
Là hộ sinh sống ở khu vực hạ lưu và hàng ngày nghe tiếng bàn tán của người dân qua lại, ông H., nói: “Mấy ngày nay, chúng tôi nghe bà con rỉ tai với nhau là đập chứa nước đang rò rỉ mà vợ chồng ăn ngủ không yên. Tôi không dám nghĩ đến cảnh đập vỡ thì hàng ngàn khối nước tuôn xuống chẳng còn thứ gì còn. Ai cũng bảo nhau ngủ vừa vừa thôi để khi mà nghe cái “hì” là ôm con chạy thoát thân”.
Những nghi vấn
Mấy ngày gần đây, nhiều hộ dân xứ núi xôn xao về việc một nhóm người đã đến đập ngăn nước của hồ Thanh Long dùng nhiều đoạn cây đóng vào những nơi có nước bắn ra và dùng xi măng trám lại để qua mặt cơ quan chức năng và an lòng dân. Vậy đâu là sự thật?.
Anh Đ., nhà ấp Rau Tần nói: “Dù tôi không chứng kiến tận mắt nhưng cách nay vài hôm đi làm về thì có đứa em báo với tôi là có một nhóm người đến lấy cây đóng vào các chỗ nước bắn ra và trám xi măng lại. Tôi thật sự lo lắng sự an toàn của con đập tiền tỷ này”.
Nhiều dấu hiệu bất thường ở chân đập Thanh Long
Theo lời ông H., do nhà cách xa đập nên vợ chồng chỉ thấy nước tràn qua suối nhiều chứ không biết nước có xuyên qua đập hay không, nhưng một số hộ cho rằng, vài ngày trước có thấy người đến đập dùng tre đóng vào các lỗ có nước bắn ra và trám xi măng lại. Không lẽ công trình “khổng lồ” thế này mà lại làm ăn thế hay sao?, ông H., thắc mắc.
Ngày 22-9, chúng tôi mục sở thị công trình. Trên mặt đập của hồ, đoạn gần giữa cầu có một đường nứt ngang (không xác định được độ sâu) rộng khoảng hơn 20cm và được ai đó dùng đất trám lại và lấp luôn phần đá của mặt cầu. Về phía chân đập, nhiều chỗ nước đang rò rỉ chảy, nhiều vết xi măng trám còn mới giữa các khối đá cũng như nước trong hồ đã tràn mặt đập…
Dân lo sợ hàng ngàn khối nước tràn về hạ lưu nếu đập vỡ
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hùng Cường, Chánh Văn phòng UBND huyện Tịnh Biên nói: “Hồ Thanh Long trước đây là tự nhiên, sau đó được xây thành đập để trữ nước phục vụ du lịch. Hiện tại, vẫn chưa nghe địa phương báo cáo về việc rò rỉ nước ở hồ”.
Theo thống kê, số hộ dân toàn xã An Hảo là 3.383 hộ; trong đó có khoảng 600 hộ sống ở núi Cấm và 68 hộ sống gần đập hồ Thanh Long. Đến bao giờ người dân hết lo âu thì cần lời giải đáp của cơ quan chức năng.
Ông Lữ Cẩm Khường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) An Giang và đại diện Ban Quản lý dự án thuộc Sở này cho biết: “Trong quá trình hoàn thiện, đập có hiện tượng nứt chân với kích thước rộng khoảng 0,5m dài khoảng 15m. Sau đó, Ban quản lý có mời đơn vị kỹ thuật đến xử lý sự cố với kinh phí bỏ ra là 6,5/45 tỷ đồng. Đến nay, công trình này vẫn chưa được nghiệm thu, quyết toán và đưa vào sử dụng. Với phản ảnh của người dân chúng tôi sẽ ghi nhận và thành lập đoàn lên kiểm tra trong thời gian tới”.