Cảnh giác cao, không để xảy ra khủng hoảng y tế

Thứ Bảy, 09/10/2021 20:23

|

(CAO) Chủ tịch nước lưu ý, cần kiểm soát dịch tốt hơn để thích ứng an toàn với Covid-19; cảnh giác cao nhằm không để xảy ra khủng hoảng y tế đối với cả nước nói chung và TPHCM nói riêng. Muốn vậy, khi mở cửa thì phải kiểm soát dịch một cách chặt chẽ, an toàn.

Tại Hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri ngành y tế do Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM phối hợp Sở Y tế tổ chức ngày 9/10, nhiều đại biểu đã kiến nghị cần tập trung nâng cao lực y tế tuyến cơ sở hiện nay. Bên cạnh đó là sớm triển khai việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em; có chính sách phát triển đội ngũ bác sĩ chuyên khoa nhiễm, lực lượng cấp cứu ngoại viện…
Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Đan Như)



Tập trung phát triển cho y tế cơ sở

Tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu đã đề xuất cơ chế, chính sách để phát huy hiệu quả y tế cơ sở trong phòng chống dịch. Trong đó, đối với trạm y tế, giao chỉ tiêu số lượng người làm việc cho trạm theo quy mô dân số tại phường, xã, thị trấn và tính đặc thù của địa bàn, đảm bảo đủ nhân lực thực hiện chăm sóc, khám chữa bệnh ban đầu, quản lý sức khỏe người dân và phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời có chính sách thu hút nhân lực về làm việc tại cơ sở bền vững; đó là tăng hệ số lương khởi điểm, cho cơ chế tạo điều kiện phát triển chuyên môn theo nhu cầu, khi nhân viên y tế có đủ thời gian tối thiểu công tác tại y tế cơ sở 5 năm được quyền chọn lựa nhiệm sở khác theo nguyện vọng...

Cùng quan điểm này, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TPHCM Lê Trường Giang cho rằng, khi dịch Covid-19 xảy ra càng thấy rõ tầm quan trọng y tế dự phòng nhưng cũng bộc lộ những yếu kém hệ thống này. Vì vậy, phải nhanh chóng khắc phục để nâng cao năng lực, nhất là đối với trạm y tế. Hiện nay, cán bộ y tế tuyến cơ sở thiếu cả về số và chất lượng. Do đó, cần tăng biên chế cho trạm y tế theo quy mô dân số với mức 2.000 – 4.000/biên chế; đảm bảo trạm y tế phải có bác sĩ y học dự phòng, cử nhân y học công cộng, dược tá, điều dưỡng, cán bộ phụ trách thông tin… Trạm phải có đủ thuốc thiết yếu cho bệnh nhân, nhất là thuốc trị bệnh mãn tính, theo nguyên tắc cùng một loại bệnh, cùng mức độ bệnh trạm phải có đủ thuốc tốt như người bệnh đến bệnh viện…

Theo Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y dược TPHCM Diệp Bảo Tuấn, với bệnh Covid-19, khoảng 80% là bệnh nhân nhẹ và không triệu chứng, 15% chuyển nặng và 5% vào phải hồi sức tich cực. Nếu hệ thống y tế cơ sở tốt có thể giải quyết đến 80 - 90% số bệnh nhân và nếu tốt hơn nữa có thể giảm được 5% số bệnh nhân nặng. Ông kiến nghị, bên cạnh việc đãi ngộ về chính sách để giữ chân các bác sĩ ở lại y tế tuyến cơ sở, có thể thực hiện luân phiên bác sĩ về cơ sở hoặc có cơ chế lực lượng này vẫn có cơ hội liên kết với tuyến trên, giúp bác sĩ tuyến dưới tiếp cận tuyến trên học tập và trở về phục vụ tuyến dưới.

Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch Nguyễn Thanh Hiệp cho rằng, về nhân lực, cần bác sĩ giỏi được đào tạo theo chuẩn quốc gia về làm việc tại y tế cơ sở. Về vật lực cần có đầu tư thích đáng cho y tế cơ sở theo nhu cầu của người dân, theo địa bàn, tránh việc đầu tư dàn trải; cùng với việc tăng quỹ tiền cho phát triển cho y tế cơ sở, phải phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình.

Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Đan Như)

Sớm triển khai tiêm vaccine cho trẻ em

Một trong những nội dung nhiều cử tri kiến nghị là sớm tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em. Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 Nguyễn Thanh Hùng đề nghị, cần sớm đưa việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 vào chương trình tiêm chủng quốc gia. TPHCM có hơn 20.000 trẻ em mắc Covid-19, mặc dù đa số có triệu chứng nhẹ, trừ trường hợp có bệnh nền, béo phì…, nhưng trẻ em là đối tượng nhạy cảm, các ảnh hưởng lâu dài của Covid-19 tới sự phát triển của thể chất, tinh thần và trí não. Vì thế, cần quan tâm tiêm ngừa cho trẻ em, nhất là các trẻ có nguy cơ cao, bệnh nền, béo phì… Trong khi đó, dự kiến, tháng 1/2022, TPHCM mở cửa trường học trở lại, như vậy, còn 3 tháng để cố gắng phủ vaccine tới trẻ em.

Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương Hoàng Thị Diễm Tuyết cũng mong muốn Chính phủ, Bộ Y tế nhanh chóng đưa tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em vào chương trình tiêm chủng. Thời gian qua, Bệnh viện Hùng Vương là một trong những đơn vị đầu tiên đã tổ chức tiêm ngừa cho thai phụ và hiệu quả thấy rõ rệt khi số thai phụ mắc Covid-19 đã giảm.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, nguồn vaccine từ nay đến cuối năm không thiếu, dự kiến về tối thiểu sẽ có 120 triệu liều. Trong năm 2021, nước ta có thể tiêm phủ một mũi vaccine cho trên 70% dân số trên 18 tuổi. Đối với việc vaccine dành cho trẻ em, Bộ đang xây dựng hướng dẫn và dự kiến bắt đầu triển khai tiêm cho trẻ 12 - 17 tuổi ngay trong tháng 10 này, sau đó sẽ mở rộng ra các nhóm tuổi thấp hơn.

Một số đại biểu kiến nghị các chính sách để phát triển lực lượng y tế cộng đồng, chuyên khoa nhiễm, quan tâm các chính sách cho lực lượng cấp cứu ngoại viện, các chính sách về viện phí… Theo Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức, về giá viện phí, một nguyên tắc quan trọng là không được phép lạm thu người bệnh. Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp xây dựng về giá để tính đúng, tính đủ, trong đó có 7 yếu tố cấu thành giá viện phí. Tuy nhiên, đến nay mới xây dựng được 4/7 yếu tố, vì vậy cần bổ sung cho đủ. Cùng với đó, khi xây dựng cơ cấu các yếu tố cấu thành về giá, nên xây dựng về định mức mà không áp dụng giá cố định.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu TPHCM. (Ảnh: Đan Như)

Không được chủ quan trong công tác phòng chống dịch

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổng hợp các ý kiến của các đại biểu, cử tri nêu ra để kiến nghị kịp thời tới Quốc hội và các cơ quan chức năng kịp thời giải quyết. Đồng chí khẳng định, Đảng, Nhà nước không chỉ quan tâm đến kinh tế TPHCM mà còn quan tâm đến văn hóa - xã hội, đời sống vật chất của người dân.

Chủ tịch nước cho biết, qua buổi tiếp xúc cử tri, nhiều vấn đề lớn được đặt ra như việc tổ chức hệ thống y tế của một đô thị lớn như TPHCM như thế nào, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế; vấn đề đầu tư cho TPHCM (y tế cộng đồng, y tế dự phòng…); cơ chế, chính sách đối với các trạm y tế, trung tâm y tế… Đề cập việc thay đổi chiến lược trong phòng chống dịch từ theo đuổi mục tiêu “Zero Covid-19” sang “thích ứng an toàn với Covid-19”, vừa kiểm soát dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế, Chủ tịch nước lưu ý, cần kiểm soát dịch tốt hơn để thích ứng an toàn với Covid-19; cảnh giác cao nhằm không để xảy ra khủng hoảng y tế đối với cả nước nói chung và TPHCM nói riêng. Muốn vậy, khi mở cửa thì phải kiểm soát dịch một cách chặt chẽ, an toàn.

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri ngành y tế TPHCM theo hình thức trực tuyến. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước yêu cầu TPHCM phải tiếp tục ổn định và nâng tỷ lệ phủ vaccine, nâng cao năng lực điều trị cho người dân. Đồng thời, tiếp tục kiểm soát rủi ro ở một quy mô rộng hơn trong bối cảnh mở cửa trở lại. Vì vậy, phải phát huy vai trò của y tế dự phòng, y tế cơ sở trong việc hướng dẫn người dân không sợ hãi và bình tĩnh thích ứng, sống an toàn với Covid-19. Đồng chí đánh giá cao mô hình điều trị của TPHCM theo hướng chặn từ xa và chăm sóc F0 tại nhà, tại cộng đồng là điểm sáng và đi trước cả nước. Đồng thời, đề nghị cần tiếp tục điều chỉnh, cập nhật, hoàn thiện và chia sẻ với các địa phương khác để làm tốt hơn nữa.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Đan Như)

Về cơ chế để huy động nguồn lực xã hội, y tế tư nhân tham gia phòng chống dịch, cần khắc phục nhanh những vấn đề của y tế cộng đồng, về nhân lực, trang thiết bị, cách thức tổ chức của y tế, kể cả các nguồn lực huy động là các vấn đề rất lớn cần huy động trong thời gian tới. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TPHCM tổng kết, đánh giá, đề xuất cùng các mô hình về y tế chuyên sâu, bác sĩ gia đình, trạm y tế lưu động, các hình thức huy động y tế trong tình hình dịch, những trường hợp khẩn cấp, các chính sách có liên quan, rút kinh nghiệm từ đại dịch này để chuẩn bị phòng, chống dịch trong thời gian tới. Cần nghiên cứu chế độ đặc thù, để phát huy được trí tuệ, tâm huyết đội ngũ, trong đó có quan tâm đến chính sách, điều kiện sinh sống và làm việc của cán bộ nhân viên y tế. Có chế đãi ngộ đặc biệt, thỏa đáng, phù hợp với lực lượng trực tiếp phòng, chống dịch, trong đó quan tâm khen thưởng, biểu dương, tôn vinh những cán bộ y tế xả thân.

Thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tich nước Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ trân quý sự cống hiến, đóp góp to lớn của ngành y tế cả nước, trong đó cán bộ ngành y tế TP trong thực hiện chăm sóc khỏe nhân dân, đặc biệt trong đợt phòng chống dịch này. Đồng chí tin tưởng, với tinh thần Việt Nam, nhất định sẽ kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh!

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Phan Văn Mãi đã trân trọng cảm ơn và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ý kiến của Đại biểu Quốc hội, đặc biệt ý kiến cử tri ngành y tế. Đoàn Đại biểu Quốc hội TP sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến để báo cáo với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan Trung ương. TP cũng sẽ tiếp thu để tổ chức thực hiện trong thời gian tới nhằm thực hiện tốt công tác phòng chống dịch gắn với phục hồi kinh tế. Đồng chí khẳng định, TP sẽ không lơ là, chủ quan trước những kết quả bước đầu trong công tác phòng chống dịch, sẽ hoàn thiện cơ chế giám sát, cảnh báo dịch trong kế hoạch phòng chống dịch, phục hồi kinh tế của TP thời gian tới.

Sắp tới, TP đặt ngay trụ cột đầu tiên, xác định là trụ cột chính quan trọng, đó là củng cố hệ thống y tế: y tế cộng đồng, y tế điều trị và phục hồi sau điều trị. Phát huy hiệu quả mô hình 3 tầng điều trị, trong đó quan tâm đến y tế cơ sở. Với đô thị đặc biệt như TPHCM việc tổ chức bộ máy biên chế cơ chế chính sách cho y tế cơ sở, quan tâm đến y tế dự phòng, y tế cộng đồng rõ ràng chưa đầu tư đúng mức, dẫn đến bất cập.

Trụ cột thứ 2 về an sinh xã hội, TP xác định đi sau y tế là việc chăm người lao động. Ngoài các gói an sinh theo chủ trương chung, TP cũng gói an sinh riêng. TP cũng đang tập trung chương trình nhà ở cho người lao động, người có thu nhập thấp, nhà ở xã hội để cải thiện tình hình nhà ở tại TP. Bên cạnh đó là chăm lo đối tượng bị tác động nặng nề do dịch như người già neo đơn do người thân mất do Covid, trẻ em mồ côi, các đối tượng bị sang chấn tâm lý do mất mát trong dịch…

Về chính sách, trong khi chờ đợi cơ chế chung từ Trung ương, TP xin phép Chủ tịch nước, lãnh đạo Trung ương cho phép thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực xã hội để giải quyết các vấn đề thực tiễn TP đặt ra, góp phần giải phóng nguồn lực về nhân lực, đầu tư phát triển cơ sở vật chất, đặc biệt nghiên cứu khoa học. TP là nơi hội tụ nhiều nguồn lực, nên việc tháo gỡ các điểm nghẽn sẽ huy động được nguồn lực để giải quyết những vấn đề thực tiễn của TP.

Bình luận (0)

Lên đầu trang