TPHCM sẽ xây nhà ở cho công nhân

Thứ Bảy, 09/10/2021 18:12

|

(CATP) Đây là quyết định rất kịp thời, nhân văn thời kỳ "hậu đại dịch Covid-19", khi TPHCM chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành quy hoạch (QH) khu đất tái định cư (TĐC) 15ha tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh để xây nhà ở xã hội (NƠXH) cho công nhân (CN). Hiện đang cần chính sách toàn diện cho vấn đề này, đặc biệt về vốn và quỹ đất.

Quy hoạch nhà ở cho công nhân

Phó chủ tịch UBND TPHCM (UBNDTP) Lê Hòa Bình vừa chỉ đạo về phương án triển khai xây dựng NƠXH phục vụ CN trên địa bàn TPHCM. Theo đó, giao Sở Xây dựng (XD) khẩn trương hoàn chỉnh kế hoạch (KH) phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021 - 2025 trình UBNDTP phê duyệt trước ngày 15-10, làm cơ sở triển khai KH phát triển nhà ở năm 2021. Sở XD phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) và UBND huyện Bình Chánh cung cấp thông tin QH - KT khu đất TĐC 15ha tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh để nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương thức đầu tư xây dựng NƠXH phục vụ CN trên địa bàn thành phố (TP). Ngoài ra, Phó chủ tịch UBNDTP Lê Hòa Bình cũng giao Giám đốc Sở XD chủ trì, phối hợp với các sở: Kế hoạch - Đầu tư, Tài nguyên - Môi trường, QH-KT, Tài chính, Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan chủ động thúc đẩy chương trình xây dựng NƠXH phục vụ CN trên địa bàn TP.

Đây là phản ứng rất nhanh nhạy của lãnh đạo TPHCM khi TP bắt đầu cuộc sống "hậu đại dịch Covid-19". Đặc biệt khi chứng kiến làn sóng biến động dân cư lớn trong đợt dịch lần thứ 4, mà một trong nhiều nguyên nhân khiến người dân, trong đó có nhiều CN rời phố về quê là do thiếu nơi ăn chốn ở đảm bảo an sinh, ảnh hưởng lớn đến công tác phòng chống (PC) dịch Covid-19 như vừa qua.

Nhìn dòng người từ TPHCM và các trung tâm công nghiệp hồi hương, ai cũng thấy ngậm ngùi. Nhưng người dân có quyền quyết định số phận của họ, có thể việc về quê chưa phải là lựa chọn đúng đắn nhưng có vẻ an toàn, vì ở lại các đô thị lớn, họ không còn sức để đối phó với dịch bệnh, lại mất thu nhập, không có việc làm mà vẫn phải trả tiền thuê trọ, trong khi đây là những khu dân cư (KDC) chật chội, kém vệ sinh, rất dễ lây lan dịch bệnh và nhiều nơi đã biến thành ổ dịch trong thời gian qua.

Khu lưu trú công nhân ở Khu chế xuất Tân Thuận

Cần quan tâm đến vấn đề an sinh

Các chuyên gia kinh tế (KT) nhận định, hiện tượng biến động dân cư vừa qua do dịch đã cho thấy mặt trái của mô hình phát triển KT phụ thuộc FDI và thâm dụng lao động (LĐ) giá rẻ. Mô hình này dù cho ra những con số tăng trưởng KT hào nhoáng nhưng thâm dụng LĐ giá rẻ đã để lại nhiều hệ lụy cho xã hội. Qua đó cũng cho thấy QH mạng lưới các khu công nghiệp (KCN), khu đô thị ở nước ta thiếu đồng bộ. Ngay cả các vấn đề liên quan đến phúc lợi xã hội cũng không đảm bảo, khi CN thiếu nhà ở phải trọ trong những nơi tạm bợ, mất vệ sinh, thiếu an toàn phòng dịch. Nhìn chung các khoản phúc lợi xã hội, ngoài những quy định theo luật như bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, các hình thức khác hầu như không có mà cũng chưa quy định thành luật, dẫn đến việc CN chỉ được hưởng phúc lợi doanh nghiệp (DN) qua "lòng từ tâm" của các chủ DN.

Chuyên gia KT Phạm Chi Lan chia sẻ, nhiệm vụ trước mắt là làm yên lòng người lao động (NLĐ), sau đó tính sinh kế bền vững. Hiện đa phần LĐ ngoại tỉnh làm việc tại các TP lớn chỉ đủ sống, thu nhập bấp bênh, không có tích lũy; trong khi vấn đề an sinh đang đặt ra nhiều thách thức lớn đối với TPHCM khi cơ sở hạ tầng đô thị thiếu, quá tải, hệ thống nhà ở dành cho CN, NLĐ nhập cư ngày càng thiếu, mà đợt dịch lần thứ 4 đã cho thấy rõ điều đó. Vấn đề hiện nay là phải nghĩ sinh kế lâu dài cho NLĐ, chỗ ăn ở, trường học cho con em họ. Nhà nước từng có chủ trương kêu gọi DN làm nhà ở cho CN, nhưng rồi cuối cùng rất ít địa phương làm được.

Có thể thấy nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như thiếu quỹ đất và vốn khi phải đầu tư chi phí lớn, lại không được Nhà nước hỗ trợ thích đáng. Vấn đề khác là chúng ta không có luật ràng buộc, nên nhiều DN lách, tránh đầu tư các điều kiện phúc lợi mà CN rất cần, như nhà ở, trường học... Để các DN mặn mà với việc xây nhà ở cho CN, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích DN bằng cách tạo nguồn quỹ đất, miễn thuế đất và nhiều chính sách liên quan...

Khu tái định cư 15ha ở huyện Bình Chánh được quy hoạch thực hiện dự án nhà ở cho công nhân

Thủ tướng yêu cầu lo nhà ở cho công nhân

Ngay trong mùa dịch này, Thủ tướng Phạm Minh Chính sau nhiều lần khảo sát các cơ sở ở TPHCM để kiểm tra công tác PC dịch đã đưa ra nhận xét rất đúng thực tế là sau đại dịch này, nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền là cải tạo những KDC nghèo nàn, lo nhà ở cho CN thuê và đời sống cho CN. Đây là vấn đề chăm lo cho con người, cho nguồn nhân lực lâu dài để phát triển bền vững, cả vấn đề đầu tư của các doanh nghiệp FDI.

Về NƠXH, theo Tổng cục Thống kê, năm 2020 dân số Việt Nam vào khoảng 97,5 triệu người, trong đó 37,34% dân số sống ở thành thị. Với tốc độ gia tăng dân số 1,03%/năm, xã hội sẽ phải tạo thêm khoảng 1 triệu việc làm mỗi năm đồng thời đầu tư XD mới khoảng 25 triệu m². Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa rất nhanh như hiện nay, dù nhiều địa phương đã triển khai chương trình NƠXH nhưng rất ì ạch và không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hệ thống chính sách để thu hút các DN tham gia xây dựng NƠXH còn hạn chế, không hấp dẫn được các nhà đầu tư. Thậm chí nhiều khu NƠXH chất lượng thấp, nhanh chóng biến thành KDC "ổ chuột".

Về NƠXH dành cho CN, đây là vấn đề rất lớn với TPHCM đặt ra trong thời gian tới. Thực tế, TPHCM đã triển khai XD mới các công trình NƠXH cho CN như khu nhà lưu trú CN Tân Thới Hiệp và KCX Linh Trung I, Linh Trung II, nhà lưu trú công nhân KCN Tân Tạo, khu nhà lưu trú KCX Tân Thuận (Q7) và một số ở các KCN mới.

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động TPHCM, hiện TP có khoảng 1,6 triệu CN, NLĐ đang làm việc tại các công ty, DN. Tính riêng số lượng trong toàn bộ KCN, KCX có 280.000 người, còn tại các khu công nghệ cao là 45.000 người. Số LĐ như vậy là rất lớn, trong đó dù chưa thống kê đầy đủ nhưng số CN chưa có nhà chiếm số đông. Hy vọng với khu đất TĐC 15 ha tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh được TPHCM quy hoạch để đầu tư xây dựng NƠXH phục vụ CN trên địa bàn sẽ là cú hích để TP có chiến lược dài hơi về việc đầu tư nhà ở cho CN, khi nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra trong đợt dịch vừa qua,

Vấn đề còn lại là chính quyền TPHCM và các DN cần phải làm thế nào để tăng quỹ nhà ở cho nhóm đối tượng CN. Mô hình phát triển ra sao để đảm bảo hài hòa được lợi ích của chủ đầu tư, chủ DN đồng thời phù hợp với điều kiện thực tiễn của TPHCM... là những câu hỏi không dễ trả lời.

Khó nhất: Vốn và quỹ đất

Tại TPHCM, hiện nhiều cơ quan chức năng cùng các DN đã và đang thực hiện 34 dự án (DA) xây nhà lưu trú cho CN, với hơn 5.500 phòng, nhưng cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu.

Theo số liệu của Sở Xây dựng TPHCM, từ cuối năm 2019 đến nay trên địa bàn TPHCM đang triển khai 15 DA nhà lưu trú cho CN, tương đương diện tích 47ha. Quỹ đất để XD chủ yếu từ sự đầu tư của các DN. Trong 15 DA này có đến 6 đang trong giai đoạn bồi thường giải phóng mặt bằng, quá ít so với hàng triệu CN đang làm việc tại TPHCM có nhu cầu về chỗ ở.

Khó khăn lớn nhất trong việc XD các khu lưu trú, NƠXH cho CN là vốn và quỹ đất. Theo các chuyên gia, cần có những chính sách cụ thể về vốn để hỗ trợ các DN triển khai DA nhà lưu trú, NƠXH cho CN. Riêng về quỹ đất thì chỉ có Nhà nước mới lo nổi. Đó là lý do UBND TPHCM vừa chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường rà soát, thống kê quỹ đất NƠXH do Nhà nước quản lý được điều tiết tại các DA nhà ở thương mại, để tìm quỹ đất cho mục đích xây dựng NƠXH cho CN.

Về mặt pháp chế, cần luật hóa các vấn đề liên quan đến chế độ phúc lợi về nhà ở, khu lưu trú cho CN. Đây là khâu quan trọng để tạo điều kiện về pháp lý cho các DN tiến hành.

TPHCM nghiên cứu quỹ đất 15 ha ở Bình Chánh xây nhà ở xã hội cho công nhân
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang