Tham dự tại điểm cầu TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm phù hợp tình hình, diễn biến thực tiễn. Đây là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành; tác động đến người dân, doanh nghiệp và các chủ thể khác. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển của đất nước, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là yêu cầu cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Nhấn mạnh đến chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII có định hướng nhiệm vụ xây dựng chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm địa bàn; kiện toàn tổ chức, tinh giảm hợp lý đầu mối, bỏ cấp trung gian, thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị (ảnh: VGP)
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 37-NQ/TW, Kết luận số 48-KL/TW, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 và Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 và Chính phủ ban hành Nghị quyết 117/NQ-CP về Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025.
Thủ tướng lưu ý, công tác chỉ đạo, điều hành quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các cấp phải quyết liệt, thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính một cách linh hoạt, hợp lý; bảo đảm bộ máy hành chính vẫn hoạt động trơn tru. Đặc biệt, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính sẽ dôi dư nhân lực, cơ sở vật chất… do đó phải xử lý linh hoạt, phù hợp, tránh lãng phí nguồn lực của đất nước.
Theo đồng chí Phạm Minh Chính, việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã công việc thì nhiều, thời gian thì ít, yêu cầu thì cao,… Vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị cần sự vào cuộc quyết liệt, tích cực, tập trung và hiệu quả. Các ngành, địa phương chia sẻ những kinh nghiệm quý, bài học hay, cũng như nêu các khó khăn có thể lường trước, đưa ra các giải pháp phù hợp để khắc phục trong quá trình thực hiện.
“Tinh thần là tinh giản bộ máy nhưng phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm hệ thống hoạt động tốt, mang lại hiệu quả chung cho đất nước, nhân dân. Phải thống nhất về nhận thức, tư tưởng. Đây là việc khó nhưng không thể không làm. Trong lãnh đạo, điều hành phải hết sức quyết liệt. Phải linh hoạt, phù hợp, tránh xáo trộn, ảnh hưởng, làm sao tinh gọn nhưng phải phù hợp với tình hình và nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Hướng đến xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm, tình hình thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính tại các địa phương. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM quán triệt sâu sắc Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 và Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030. Đồng thời cũng nhận thức đây là việc quan trọng, phức tạp, phải được tiến hành kỹ lưỡng, khoa học.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu TPHCM
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, giai đoạn 2019-2021, TPHCM đã sắp xếp 3 quận (Quận 2, Quận 9 và Thủ Đức) để thành lập TP Thủ Đức; sắp xếp 19 phường thành 9 phường. Qua sắp xếp, TP đã giảm 170 cán bộ, công chức cấp huyện, 100 cán bộ, công chức và 124 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Hiện nay, các đơn vị hành chính được sắp xếp cơ bản hoạt động ổn định.
Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị
Bên cạnh thuận lợi, TP cũng gặp những khó khăn. Đó là vấn đề quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, sắp xếp đội ngũ cán bộ cũng như cơ sở vật chất. Đặc biệt việc sắp xếp này ảnh hưởng đến hoạt động người dân, doanh nghiệp. Đây cũng là bài học thực tiễn đối với TP cho việc sắp xếp trong thời gian tới.
Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, 312 đơn vị hành chính cấp xã. Đặc điểm nổi bật với các đơn vị hành chính này diện tích nhỏ, nhưng dân số rất đông và hoạt động hành chính theo quy mô dân số/quy mô kinh tế rất lớn. Trong đó, TP có 21/22 đơn vị cấp huyện và 223/312 đơn vị cấp xã đạt trên 100% tiêu chuẩn về dân số. Thậm chí, xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) đạt trên 2.000% về dân số (tức gấp 20 lần về tiêu chuẩn). Hay như Quận 1, dân số đăng ký là 239.000 người, nhưng hàng ngày phải phục vụ cho khoảng 1 triệu người. Đây là đặc điểm nổi bật của TPHCM, diện tích nhỏ, dân số đông và hoạt động hành chính rất lớn.
“Đặc điểm này đặt ra cho TPHCM nhiều khó khăn trong sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp xã. Đòi hỏi phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, vừa thực hiện đúng các chủ trương của Trung ương, vừa phù hợp thực tế TP nhằm hướng đến xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhưng không gây xáo trộn lớn, tạo động lực phát triển TP” – đồng chí Phan Văn Mãi chia sẻ.
Theo Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi, TP có 6 đơn vị cấp huyện và 149 đơn vị cấp xã thuộc diện sắp xếp. TP đang tập trung chỉ đạo lập phương án, xây dựng và hoàn thành Đề án theo đúng tiến độ theo quy định. TP xác định, việc sắp xếp các đơn vị hành chính phải gắn sát với việc lập quy hoạch TP, rà soát quy hoạch chung TP và đặc biệt gắn sát việc triển khai Đề án xây dựng nền công vụ TP hiệu lực - hiệu quả.
TP sẽ tập trung đánh giá kỹ lưỡng các tác động đối với người dân, doanh nghiệp và hoạt động kinh tế - xã hội TP. Chuẩn bị các phương án xử lý các vướng mắc, phát sinh. TP sẽ tập trung tuyên truyền và có hình thức phù hợp lấy ý kiến người dân về việc sắp xếp các đơn vị hành chính.