Tiếp tục Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, chiều 5/12, các đại biểu đã nghe Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai truyền đạt chuyên đề về Nghị quyết 28 “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”.
Theo bà Trương Thị Mai, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị đã có nhiều đổi mới, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai truyền đạt chuyên đề "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng được tăng cường, từng bước khắc phục tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng.
Đề cập đến Nghị quyết 28, bà Mai cho biết, Trung ương Đảng nhấn mạnh quan điểm Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng phải kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ; làm rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu.
“Tập trung dân chủ là nguyên tắc nhắc nhiều lần nhưng vẫn vi phạm, nhất là người đứng đầu” – bà Mai chỉ ra và cho rằng, nếu như thực hiện nghiêm nguyên tắc này, khi quyết định vấn đề gì thì lấy ý kiến tập thể, chất lượng sẽ cao hơn. Khi đồng lòng trong tập thể thì hiệu quả công việc cũng cao hơn. Lấy ý chí người đứng đầu áp đặt thì không hiệu quả.
Mục tiêu của Nghị quyết, theo bà Mai, được Trung ương xác định là phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và “thực chất” trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị. Thông qua đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trao đổi với Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai bên lề Hội nghị
Về nhiệm vụ, giải pháp, bà Mai thông tin, Nghị quyết đề ra 6 nhiệm vụ giải pháp lớn, trong đó có việc đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao chủ trương, đường lối của Đảng.
Đồng thời, Trung ương yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tránh trùng lắp, chồng chéo.
“Vừa qua có câu chuyện bộ này nói qua, bộ kia nói lại, báo chí đưa lên, không rõ chức năng nhiệm vụ. Cuối cùng Thủ tướng quyết định tập trung vào một bộ mới dừng không nói qua nói lại nữa. Chỗ này cần tiếp tục rà soát”, bà Mai phản ánh.
Nhấn mạnh đến yêu cầu phân cấp, phân quyền, lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương lưu ý cần phải hợp lý, rõ ràng giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm; khắc phục tình trạng cấp dưới hỏi cấp trên trả lời chung chung không rõ trách nhiệm.
Với vấn đề biên chế, bà Mai nhìn nhận, hiện đang dựa trên nền cũ. Vừa rồi, Bộ Chính trị quyết định cho đi thêm một nhịp nữa là tới 2025. “Tới năm 2026 Bộ Chính trị sẽ quyết định biên chế gắn với vị trí việc làm. Khi đó, chính sách tiền lương phải trở thành động lực” - bà Mai khẳng định.
Liên quan đến công tác cán bộ, bà Mai nhấn mạnh yêu cầu của Trung ương về việc xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị; thể chế chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Cho biết Ban Tổ chức Trung ương đang được giao nhiệm vụ xây dựng cơ chế để thu hút sử dụng nhân tài, bà Mai khẳng định: “Nhân tài là một trong những yếu tố rất quan trọng. Sắp tới có chính sách riêng của Đảng trọng dụng nhân tài tốt hơn để những cán bộ trẻ có năng lực có thể đi nhanh hơn, đóng góp cho Đảng, cho Nhà nước”.
Cùng với đó, cần khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm; kiên trì thực hiện "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ.
Về giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, bà Mai nhấn mạnh quan điểm cần tuyệt đối phục tùng sự phân công của Đảng.
“Giờ nhiều cán bộ lựa chọn chỗ này, thích sang chỗ kia, phân công không muốn làm... Do vậy phải tiếp tục nâng cao việc chấp hành sự phân công của Đảng. Lúc Đảng cần phân công đi ra trận cũng phải đi. Nếu không giữ được cái này thì làm sao giữ được sự nghiêm minh của Đảng” – lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương nêu quan điểm.
Một trong những kết quả được ghi nhận sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X, phương thức lãnh đạo của Đảng với hoạt động của hệ thống chính trị là công tác kiểm tra, giám sát được đẩy mạnh, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng.
Bà Mai thông tin, nhiệm kỳ XI (2011-2016) đã thi hành kỷ luật 56.572 đảng viên, trong đó khiển trách 36.754, cảnh cáo 15.008, cách chức 2.477, khai trừ 2.333 đảng viên.
Sang nhiệm kỳ XII (2016-2021) số đảng viên bị kỷ luật cao hơn, cụ thể đã thi hành kỷ luật 93.207 đảng viên, trong đó khiển trách 65.647, cảnh cáo 17.217, cách chức 2.496, khai trừ 7.847 đảng viên.
Riêng từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay, cấp uỷ các cấp đã thi hành kỷ luật 365 tổ chức đảng, 56 đảng viên; Uỷ ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 48 tổ chức đảng, 5.527 đảng viên.
Cũng theo bà Mai, qua hơn 2 tháng thực hiện Thông báo 20 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật, có 3 cán bộ thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác hoặc bố trí công tác khác; 2 thứ trưởng thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, nghỉ hưu trước tuổi; 2 Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác hoặc bố trí công tác khác.