Sáng 3-12, Công an TPHCM phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức Hội thảo về công tác quản lý nhà chung cư (NCC) trên địa bàn.
Theo Sở Xây dựng TPHCM, tính đến ngày 31/12/2021, TPHCM hiện có 1.551 nhà chung cư (2.522 lô chung cư); trong đó có 474 chung cư cũ (573 lô chung cư cũ).
Những năm gần đây, nhà chung cư có sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng NCC, quy mô cụm NCC, chiều cao xây dựng NCC, số tầng hầm NCC... dẫn đến những khó khăn, thách thức mới hơn và cao hơn trong công tác quản lý, sử dụng NCC.
Trong đó, ý thức, trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản trị, đơn vị quản lý (CĐT, BQT, ĐVQL) vận hành và chủ sở hữu, người sử dụng NCC chưa đầy đủ, toàn diện khi xử lý các vấn đề của NCC.
Quang cảnh buổi hội thảo
Các tranh chấp, khiếu nại chưa được các chủ thể hòa giải, thương lượng giải quyết theo hướng tích cực dẫn tới tình trạng xảy ra tranh chấp, khiếu nại kéo dài, gửi đơn khiếu nại đến nhiều nơi, nhiều cấp làm mất ANTT tại tòa nhà chung cư. Một số CĐT, BQT, ĐVQL vận hành chưa thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình trong quá trình quản lý vận hành NCC.
Một số chung cư chưa tổ chức Hội nghị NCC nên NCC chưa có ban quản trị hoặc ban quản trị được bầu trên danh nghĩa nên công tác tự kiểm tra, công tác tuyên truyền và thực tập phương án PCCC tại chung cư không được thực hiện thường xuyên.
Một số chủ đầu tư NCC chưa bàn giao phần diện tích sử dụng chung của NCC, chưa bàn giao quỹ kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung NCC cho ban quản trị, chậm thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ hoặc phần diện tích sở hữu riêng khác.
Quy định pháp luật về xử lý các hành vi vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng NCC đã có ban hành nhưng các chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, chưa có tính răn đe, một số hành vi vi phạm chưa được quy định (chủ sở hữu không đóng kinh phí bảo trì, không đóng phí quản lý vận hành...).
Thiếu tướng
Trần Đức Tài - Phó Giám đốc CATP phát biểu tại hội thảo.
Còn nhiều NCC xây dựng trước Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực, nên không đảm bảo các yêu cầu về PCCC theo quy định của tiêu chuẩn quy chuẩn hiện hành.
Các quy định pháp luật về quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, về quản lý, sử dụng NCC chưa quy định cụ thể một số nội dung và chưa có quy định về biện pháp chế tài xử lý đối với nhiều hành vi vi phạm của CĐT, BQT, ĐVQL vận hành, chủ sở hữu, người sử dụng căn hộ là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp trong công tác quản lý, sử dụng NCC…
Trước các khó khăn, vướng mắc kể trên, Công an TPHCM phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố để xử lý đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì theo quy định; kiên quyết chỉ đạo cưỡng chế và xử lý nghiêm chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị theo quy định.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về ANTT, quản lý cư trú tại các chung cư trên địa bàn.
Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm các điều kiện an toàn PCCC…
CATP cũng thường xuyên phối hợp với UBND các quận, huyện kiểm tra, hướng dẫn các chung cư chưa đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC thực hiện đầy đủ các quy định về PCCC nhằm đảm bảo an toàn cho cư dân sinh sống tại các chung cư...
Các đại biểu chụp hình lưu niệm.
Đối với Sở Xây dựng, đơn vị này cần tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về nhà ở trên địa bàn thành phố; trong đó, tập trung vào công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại và quản lý sử dụng kinh phí bảo trì NCC…
Đặc biệt, đối với chủ đầu tư, cần quản lý, sử dụng, bàn giao kinh phí bảo trì theo đúng quy định và có phản hồi thông tin ngay sau khi nhận được phản ánh của cư dân, ban quản trị về kinh phí bảo trì.
Thực hiện nghiêm túc, khẩn trương trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho cư dân…