Thống đốc NHNN sẽ quy định tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro về rửa tiền

Thứ Sáu, 02/12/2022 16:56

|

(CAO) Đây là nội dung được thể hiện trong Luật Phòng, chống rửa tiền vừa được Văn phòng Chủ tịch nước công bố tại phiên họp báo chiều 2/12.

Tại buổi họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố ban hành 6 Luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV.

Thông tin về Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Kim Anh cho biết, Luật gồm 4 Chương, 66 Điều, giảm 1 Chương và tăng 16 Điều so với Luật Phòng, chống rửa tiền (PCRT) năm 2012.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh thông tin về Luật PCRT 2022

Theo đó, Luật đã bổ sung quy định về việc đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền. Định kỳ 5 năm, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, trình Chính phủ phê duyệt.

Các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm thực hiện cập nhật rủi ro về rửa tiền dựa trên việc triển khai kế hoạch thực hiện sau đánh giá hoặc khi có các rủi ro phát sinh thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành gửi Ngân hàng Nhà nước tổng hợp trình Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời, Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền.

Về trách nhiệm đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo, Luật quy định, đối tượng báo cáo phải đánh giá rủi ro về rửa tiền; xây dựng quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền, trong đó có nội dung về việc phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro thấp, trung bình, cao và các biện pháp áp dụng tương ứng với các mức độ rủi ro về rửa tiền.

Luật giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo.

Luật PCRT năm 2022 cũng làm rõ hơn yêu cầu về nội bộ của các đối tượng báo cáo; giảm bớt yêu cầu về quy định nội bộ cho đối tượng báo cáo là cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ.

Luật sửa đổi một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ; bổ sung dấu hiệu đáng ngờ đối với hoạt động trung gian thanh toán; sửa đổi quy định về thời hạn báo cáo, khắc phục những vướng mắc trong quá trình thực hiện…

Tại buổi họp báo, trả lời báo chí về việc quản lý tiền ảo, tài sản ảo trong Luật PCRT, ông Tạ Quang Đôn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNN cho biết, hoạt động PCRT luôn cập nhật với thời gian và nhận diện được các hoạt động về rửa tiền trong thực tiễn.

“Luật thông qua đã có quy định ứng xử với các lĩnh vực mới, trong đó khoản 3 điều 4 giao Chính phủ quy định những hoạt động mới có rủi ro về rửa tiền, các đối tượng báo cáo, sau khi có đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc vụ” – ông Đôn nêu rõ.

Quang cảnh buổi họp báo

Tương tự, điều 7 của Luật cũng có nội dung NHNN trong phần đánh giá rủi ro quốc gia sẽ cùng với các bộ, ngành đánh giá rủi ro về các hoạt động mới, phát sinh rủi ro về rửa tiền.

“Đây là 2 nền cơ bản nhất để nhận diện các vấn đề sắp tới có thể phát sinh. Các biện pháp này trên cơ sở đồng ý của UBTVQH thì Chính phủ sẽ có quy định các hoạt động rủi ro về rửa tiền quản lý theo đúng quy định luật” - ông Đôn nhấn mạnh.

Đề cập đến tài sản ảo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN thông tin, trong kế hoạch 941 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch PCRT giai đoạn 2022 - 2025 đã giao các bộ, ngành ban hành các quy định về tài sản ảo làm cơ sở cho công tác PCRT.

Với các hoạt động chứng khoán, bất động sản có rủi ro rửa tiền cao thì trong luật đã có các quy định cụ thể từ nhận biết khách hàng cho đến báo cáo, xây dựng các quy định... Các điều khoản về báo cáo dấu hiệu giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán đã có các quy định cụ thể nêu rõ từng dấu hiệu trong lĩnh vực và đối tượng báo cáo phải thực hiện phân tích thông tin, báo cáo giao dịch đáng ngờ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đối với thanh toán BĐS thông qua ngân hàng, theo ông Đôn, quy định 941 của Chính phủ cũng nêu rõ xử lý vấn đề này trong luật kinh doanh bất động sản. Hiện Bộ Xây dựng đang tiến hành.

Ngoài Luật PCRT, Văn phòng Chủ tịch nước cũng công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các Luật: Thanh tra năm 2022; Phòng, chống bạo lực gia đình; Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Dầu khí và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Sẽ không còn tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra

Thông tin về Luật Thanh tra, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, một trong những nội dung được sửa đổi lần này là khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra.

“Tôi khẳng định khi luật này có hiệu lực thi hành, được thực hiện thì chắc chắn sẽ hạn chế tối đa việc chậm ban hành kết luận thanh tra và tiến tới sẽ không còn chậm nữa” – ông Liêm nhấn mạnh và chỉ rõ điều này thể hiện tại Điều 73 của Luật.

Theo đó, đối với cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành thì thời gian xây dựng, báo cáo kết quả thanh tra không quá 30 ngày, trường hợp phức tạp có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày. Tương tự, sau khi có kết quả thanh tra xong thì xây dựng dự thảo kết luận thanh tra cũng ngắn như thế.

“Với tư cách Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, tôi khẳng định, luật khi có hiệu lực thì việc chậm ban hành kết luận thanh tra sẽ không còn” – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ tái khẳng định.

Cùng với đó, ông Liêm thông tin, Thanh tra Chính phủ cũng có riêng một nghị quyết quy định về nâng cao chất lượng và thời gian ban hành kết luận thanh tra, với giải pháp cụ thể là, những cuộc thanh tra khi chưa có báo cáo Thủ tướng thì không bố trí trưởng đoàn cuộc đó làm trưởng đoàn cuộc tiếp nữa.

Liên quan đến việc thanh tra kit test tại TP. Hà Nội, TPHCM và Bộ Y tế, theo ông Liêm, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận, báo cáo Thủ tướng. “Sau khi Thủ tướng có ý kiến, chúng tôi sẽ công bố công khai theo quy định của pháp luật” – ông Liêm nói.

Luật Thanh tra có 8 chương với 118 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Bình luận (0)

Lên đầu trang