Tái cấu trúc, tái kiến thiết đối với TPHCM sau đại dịch là nhiệm vụ trọng tâm

Thứ Ba, 12/10/2021 22:39

|

(CAO) Vấn đề tái cấu trúc, tái phát triển, tái kiến thiết đối với một đô thị như TPHCM sau đại dịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TPHCM. Cùng với đó là tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện chăm lo an sinh cho người dân, đặc biệt nhóm bị tổn thương sau dịch.

Đó là những ý kiến đưa ra tại buổi làm việc của Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM với UBND TP và các sở ngành hữu quan về giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các giải pháp để kiểm soát dịch, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP thời gian tới, diễn ra chiều 12/10.

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc

Gợi mở cho TPHCM chuẩn bị nhiều vấn đề quan trọng trong giai đoạn mới

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã đóng góp các ý kiến, giải pháp phòng chống dịch trong thời gian tới. Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đề xuất: “Đảng và Nhà nước cần chỉ đạo xây dựng và ban hành chiến lược “bình thường mới”, trong đó bao gồm chiến lược thành phần cho từng lĩnh vực, từng ngành, từng vùng kinh tế trọng điểm với những chính sách và giải pháp mang tính quy mô”. Theo đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, đại dịch Covid-19 buộc toàn thế giới, trong đó có Việt Nam chuyển sang phương thức sống và làm việc trong điều kiện mới khác với trước.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị, Bộ Y tế cần sớm ban hành hướng dẫn tiêu chí kiểm soát dịch cho các tỉnh, TP. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn rất nhiều, đặc biệt không có vốn duy trì sản xuất. Vì vậy, TP cần cùng Hội doanh nghiệp sớm lập danh sách các doanh nghiệp cần hỗ trợ để duy trì sản xuất.

Về phục hồi kinh tế, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ cho rằng, ngay từ bây giờ phải xác định việc mở của kinh tế - xã hội để tạo đà phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Ngân sách hiện nay đang rất khó khăn, trong khi không chỉ có việc phải đảm bảo an sinh cho người dân mà còn chi nhiều việc cho công tác phòng chống dịch. Vì vậy cần cân nhắc những việc làm, việc chưa làm, không thể làm một cách dàn trải.

Tại buổi giám sát, một số đại biểu cho rằng, TPHCM cần quan tâm công tác quy hoạch, nhất là khu vực có người ở với mật độ cao, không đảm bảo phòng chống dịch; quy hoạch lại ngành nghề, hạn chế ngành nghề sử dụng nhiều lao động phổ thông.

 Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi phát biểu

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết, TP đang xây dựng chiến lược phòng chống dịch trong tình hình mới với 11 chiến lược thành phần. Trụ cột đầu tiên quan trọng nhất là y tế. Theo đó, TP tập trung vào xây dựng hệ thống y tế giám sát cảnh báo dịch; củng cố hệ thống y tế, trong đó tập trung cho hệ thống y tế cơ sở để làm tốt việc chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung, với dịch Covid-19 là điều trị F0 ngay từ sớm.

Trụ cột thứ 2 là an sinh xã hội, TP tiếp tục triển khai các hoạt động an sinh cho người dân. Từ nay đến cuối năm kinh tế phục hồi dần, còn một bộ phận người dân chưa có việc làm và Tết sắp tới sẽ khó khăn. Vì vậy, TP tập trung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bà con, nhất là chăm lo cho người già neo đơn mất người thân do dịch Covid-19. TP cũng có kế hoạch triển khai chương trình nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp; tạo cơ hội cho người thu nhập tiếp cận nhà ở với giá phù hợp với các cơ chế hỗ trợ.

Tại buổi làm việc, thay mặt Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã quan tâm, ủng hộ, vận động, tiếp sức cho TP. Đồng chí gửi lời cảm ơn tổ chức, cá nhân đã trực tiếp, gián tiếp đóng góp tinh thần, vật chất cho TP có kết quả hôm nay.

Đồng chí chia sẻ, TPHCM đã trải qua những ngày tháng hết sức khốc liệt chưa từng có do đại dịch Covid-19 với biến chủng Delta hoành hành. Trong đại dịch, một lần nữa TP nhận thấy rõ tinh thần đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, kiên cường chịu đựng, đồng cam cộng khổ, thắt lưng buộc bụng của đồng bào, của cộng đồng doanh nghiệp để vượt qua những thời khắc hết sức cam go. Qua đó, cũng nhận thấy rất rõ sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự chia sẻ, động viên, tinh thần trách nhiệm và quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở, đặc biệt là hệ thống y tế, lực lượng vũ trang và các lực lượng tham gia tuyến đầu đối với công tác phòng chống dịch tại TP.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc

Theo Bí thư Thành ủy, ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội đã gợi mở cho TPHCM chuẩn bị nhiều vấn đề quan trọng trong giai đoạn mới. Đồng chí cho rằng, việc kiến thiết lại một thành phố, một đô thị làm thế nào để người dân đến làm ăn, sinh sống yên ổn, yên tâm và được đảm bảo các yêu cầu cho cuộc sống an toàn thì cực kỳ khó khăn. Đồng thời, mong muốn Chủ tịch nước, các đại biểu Quốc hội tiếp tục ủng hộ, giúp TP sớm xây dựng nhà ở xã hội cho người dân. Đồng chí cũng cho biết, TP sẵn sàng chia sẻ cùng các tỉnh. TP mời người dân ở lại, tiêm vaccine và chăm lo an sinh xã hội cho người lao động. Đối với người lao động có nhu cầu về quê thì TP phối hợp tổ chức cho người dân về quê một cách an toàn.

Tìm những động lực mới cho tăng trưởng

Phát biểu tại buổi giám sát, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân TPHCM về những tổn thất, mất mát, những đau thương mà TP phải gánh chịu trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Đồng chí đánh giá, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, quyết liệt, đến nay TP đã có nhiều biện pháp, huy động nhiều nguồn lực để tập trung cho công tác phòng chống dịch đạt kết quả. Đến thời điểm này, TPHCM đã vượt qua đỉnh dịch, đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất, thử thách nhất trong việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những nỗ lực không mệt mỏi của lãnh đạo TP, các lực lượng tuyến đầu, thiện nguyện, đồng bào trong nước, ngoài nước, các loại hình doanh nghiệp, cộng đồng tôn giáo đã chung sức, đồng lòng phòng chống dịch. Đồng chí đánh giá cao tinh thần, sự nỗ lực tập thể lãnh đạo TP, đã năng động, sáng tạo đưa ra nhiều biện pháp phòng chống dịch để đưa TP hoạt động trong điều kiện bình thường mới.

Đồng tình với việc điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch từ Zero Covid sang thích ứng an toàn Covid-19, Chủ tịch nước lưu ý, TP vừa tập trung phòng chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Kể cả người dân, doanh nghiệp cũng cần hiểu một cách rõ ràng, nhất quán về chiến lược mới. Cần có phương thức, cách làm phù hợp. Trước hết là vaccine và 5K. “Việc kiểm soát tốt dịch bệnh là điều kiện tiên quyết để phục hồi kinh tế - xã hội và đời sống. TPHCM cần tiếp tục xây dựng biện pháp quản lý, giảm thiểu rủi ro, an toàn, chặt chẽ hơn” – đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TPHCM tập trung khôi phục và phát triển kinh tế, tổ chức đối thoại nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp. Qua đó, thúc đẩy nhanh hỗ trợ thuế, đầu tư công, nhất là cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, cung cấp bán lẻ, thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và nhiều vấn đề khác.

Bên cạnh đó, chăm lo đời sống, tạo điều kiện để đưa người lao động trở lại TP làm việc. Tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện chăm lo an sinh cho người dân, đặc biệt nhóm an sinh tổn thương sau dịch.

Cùng với việc tập trung tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng, tháo gỡ điểm nghẽn, tái cấu trúc lại đô thị, TP cần thực hiện cải cách chính sách rộng hơn, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, qua đó tạo ra các hoạt động kinh tế mới có giá trị gia tăng cao và cơ hội việc làm.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: “TPHCM cần đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để phát triển công nghệ thông tin, truyền thông, đồng thời đảm bảo cho doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng các công nghệ”. Đi liền với đó là xây dựng hệ thống an sinh hiệu quả, linh hoạt, đúng đối tượng, thúc đẩy phát triển.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, TPHCM có thể phối hợp với các tỉnh phân bố lại cơ sở sản xuất theo hướng dịch chuyển cơ sở sản xuất đến gần với thị trường lao động. TPHCM nên chủ động đề xuất cơ chế, chính sách hợp tác, phân công với các địa phương trong vùng để chuyển dịch cơ sở sản xuất đến nơi có nguồn lao động dồi dào. Sự dịch chuyển này giúp sử dụng lao động địa phương, giảm áp lực quá tải nhiều mặt cho đô thị. Đặc biệt là thêm không gian cho TP thu hút các ngành kinh tế có giá trị cao hơn, nhất là các mô hình kinh tế sáng tạo theo hướng công nghệ cao, các ngành dịch vụ có giá trị. Đồng chí yêu cầu TPHCM cần tái cơ cấu, hướng đến kinh tế sáng tạo, lấy sáng tạo làm động lực phát triển. Nếu không theo hướng này, TP không những sẽ suy giảm vai trò đầu tàu kinh tế trong nước, mà còn khó đuổi kịp các đô thị trên thế giới.

Về việc hỗ trợ doanh nghiệp, Chủ tịch nước cho rằng, là địa phương bị tác động mạnh nhất của đại dịch Covid-19, lại trải qua thời gian giãn cách xã hội kéo dài nên mức hỗ trợ đối với doanh nghiệp trên địa bàn TP phải cao hơn mức hỗ trợ chung của cả nước. Đồng chí yêu cầu TPHCM nâng cao năng lực và hiệu quả quản trị của chính quyền các cấp thông qua mô hình chính quyền đô thị. Chính quyền phải sâu sát với dân hơn, lo cho người dân hơn. TPHCM cần tổng kết Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Từ đó, đề nghị một Nghị quyết mới, mở rộng việc phân cấp, phân quyền cho TPHCM, nhất là các lĩnh vực: quy hoạch, tài chính ngân sách, đất đai môi trường và tổ chức bộ máy hành chính. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, vấn đề tái cấu trúc, tái phát triển, tái kiến thiết đối với một đô thị như TPHCM sau đại dịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TP. Trong đó, cần phải phát triển hạ tầng, làm nhanh các tuyến đường vành đai.

TPHCM kiến nghị Chính phủ ban hành gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang