TPHCM kiến nghị Chính phủ ban hành gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp

Thứ Ba, 12/10/2021 16:24

|

(CAO) TPHCM kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội điều chỉnh tỷ lệ điều tiết cho ngân sách TP; kiến nghị Chính phủ ban hành gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh...

Chiều 12/10, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã có buổi làm việc với UBND TP cùng các sở, ngành. Nội dung buổi làm việc là về thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết 30/2021/QH15 và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các giải pháp để kiểm soát dịch COVID-19, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM trong thời gian tới.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên; Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi; Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Văn Thị Bạch Tuyết, chủ trì buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Linh Nhi

Thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả việc giãn cách xã hội

Báo cáo về tình hình thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại TP, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, ngay từ đầu đợt dịch thứ 4, UBND TPHCM đã triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh với phương châm 5 tại chỗ, tập trung vào các giải pháp: truyền thông, vận động, giám sát phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng dập dịch triệt để, tổ chức điều trị hiệu quả.

Tuy nhiên, do sự xuất hiện của biến chủng Delta của vi rút SARS-CoV-2 với tính chất nguy hiểm, lây lan nhanh, cùng với đặc thù TP có mật độ dân cư dày đặc, chen chúc nên đã khiến dịch bùng phát mạnh trong cộng đồng. Cho đến khi TP tổ chức đợt cao điểm tăng cường thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ (từ ngày 23/8/2021 đến ngày 15/9/2021) thì tình hình dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát và khống chế.

Trong thời gian thực hiện kiểm soát triệt để, nghiêm ngặt, giãn cách xã hội, người dân đã ủng hộ, chấp hành và tham gia thực hiện từ đường phố đến khu dân cư. Các đơn vị, địa phương cũng thiết lập các chốt kiểm soát, tăng cường tuần tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định về giãn cách xã hội. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên được phân công trực tiếp theo dõi công tác phòng, chống dịch tại các địa phương. Các lực lượng tăng cường (quân đội, công an, y tế) và lực lượng của TP được triển khai nhanh chóng, kịp thời và đồng bộ.

Nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội, TP mở các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại 03 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn; huy động các sàn thương mại điện tử và các tô chức kinh doanh thương mại điện tử cùng tham gia với hệ thống phân phối hàng hóa hiện có của TP; chỉ đạo 22 quận, huyện và TP Thủ Đức thực hiện việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân bằng phương thức “đi chợ hộ” thông qua Tổ COVID-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện tại địa phương, đáp ứng trên 99,8% số hộ có nhu cầu.

Đối với công tác y tế, TP đã khẩn trương, nỗ lực thực hiện thần tốc xét nghiệm tầm soát trên diện rộng cho toàn bộ người dân song song với hoạt động xét nghiệm tầm soát định kỳ đối với các nhóm nguy cơ. Đồng thời, công tác tiêm vắc xin được tăng cường, đẩy mạnh với phương châm UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức tiêm trên địa bàn, đảm bảo tiến độ và an toàn, chủ động huy động các nguồn lực y tế, tổ chức tiêm chủng đa dạng với nhiều hình thức.

Bên cạnh việc điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại các bệnh viện, TP còn triển khai mô hình thí điểm chăm sóc và quản lý F0 tại nhà. Mô hình với 327 Tổ phản ứng nhanh, 536 Trạm Y tế lưu động chịu trách nhiệm hỗ trợ, chăm sóc, quản lý và kịp thời cấp cứu cho bệnh nhân.

Liên quan đến công tác an sinh xã hội, việc chăm lo an sinh xã hội cho người dân được các ngành, các cấp nỗ lực thực hiện với phương châm “không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc”. Đến nay, TP đã có 3 đợt hỗ trợ, chi trên 7.800 tỷ đồng. TP đang tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện công tác chăm lo an sinh xã hội cho người dân.

Để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, UBND TP đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu xây dựng và triển khai thí điểm nền tảng ứng dụng thống nhất hỗ trợ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn (Y tế HCM) trong đó tích hợp thông tin mũi tiêm của 6,4 triệu người được tiêm tại TPHCM. Đồng thời, Thành lập Cổng thông tin 1022 là nơi theo dõi, tổng hợp, báo cáo việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của người dân về công tác phòng chống dịch.

Nhằm đưa thông tin đến người dân kịp thời, TP đã tổ chức họp báo định kỳ hàng ngày; thực hiện Chương trình livestream “Dân hỏi - Thành phố trả lời” nhằm chia sẻ thông tin với người dân của chính quyền TP, giải đáp trực tiếp những thắc mắc của người dân; cung cấp báo chí cho người dân tại các khu phong tỏa; định hướng báo chí thực hiện các tuyến tin bài nhằm tuyên truyền đến người dân về những chính sách và biện pháp phòng, chống dịch của TP. Có thể thấy, dư luận nhân dân đồng tình và đánh giá cao các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và TP đối với người dân và doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì dịch COVID-19.

Tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức, công tác phòng, chống dịch của TPHCM là chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, TP đã cố gắng hết sức có thể, tập trung huy động mọi nguồn lực; tuân thủ nghiêm ngặt chỉ đạo của cấp trên; chủ động lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học để đưa ra biện pháp phù hợp.

“Công tác phòng, chống dịch tại TPHCM đã đi đúng hướng, tạo tiền đề cho việc kiểm soát dịch bệnh, sớm đưa TP trở lại trạng thái bình thường mới”, ông Dương Anh Đức chia sẻ.

Nhờ thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp, sau giai đoạn tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP đã có chuyển biến tích cực, tỉ lệ bao phủ vắc xin được nâng lên. Đến nay, hơn 97% dân số trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 và 67% dân số trên 18 tuổi được tiêm mũi 2. Số ca xuất viện đang dần tăng lên, số ca nhiễm mới và số ca tử vong có xu hướng giảm dần.

Hiện nay, TP đang thực hiện Chỉ thị số 18/CT-UBND của Chủ tịch UBND TP về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. Chỉ thị đã góp phần tạo sự phấn khởi cho người dân, các doanh nghiệp; các chốt kiểm soát nội thành đã được tháo gỡ, từng bước chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, số doanh nghiệp, hộ kinh doanh mở cửa trở lại có xu hướng tăng dần, tình hình kinh tế dần được cải thiện, từng bước phục hồi, phát triền kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.

Nhìn nhận về mặt hạn chế, TP cho rằng, với đặc thù mật độ dân số đông, biến chủng Delta nguy hiểm, trong thời gian đầu dịch bùng phát, việc giãn cách xã hội toàn TPHCM có lúc, có nơi còn chưa triệt để; vẫn còn một bộ phận người dân chưa ý thức, lơ là, chủ quan; một số trường hợp ca nhiễm do chưa phát hiện kịp thời, chậm chuyến viện điều trị, dẫn đến chuyển nặng, tử vong; công tác bố trí và điều phối nhân lực chưa hợp lý.

Bên cạnh đó, sự khác biệt về số lượng vùng đỏ, vùng cam và dân số giữa các quận, huyện và TP Thủ Đức ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các đợt xét nghiệm, đồng bộ kết quả, nhất là nguồn lực để tiến hành xét nghiệm trong doanh nghiệp, trong cộng đồng, trong nhân dân trong thời gian tới. Công tác quản lý gặp ảnh hưởng do chưa có quy định xét nghiệm đối với nhiều nhóm đối tượng khác (như đội ngũ giao nhận hàng hóa - shipper).

Hiện thực hóa thông điệp “Sống an toàn trong môi trường có dịch”

Đối với phương hướng, giải pháp các tháng cuối năm 2021, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức thông tin, về công tác phòng, chống dịch COVID-19, TP sẽ đa dạng hóa nguồn vắc xin, huy động mọi nguồn lực đáp ứng tỷ lệ tiêm chủng theo tiêu chí của Bộ Y tế, hướng đến bao phủ vắc xin toàn dân sớm nhất.

Thực hiện nghiêm chiến lược xét nghiệm của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hướng dẫn của Bộ Y tế để chủ động phát hiện, tách nguồn lây nhiễm mạnh tại các khu vực có nguy cơ cao.

Ban hành quy trình quản lý và xử lý khi phát hiện F0 trong cộng đồng, trong khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các khu vực khác phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới, vừa đảm bảo an toàn, vừa không làm gián đoạn các hoạt động.

Cùng với đó, đảm bảo 100% các quận, huyện, TP Thủ Đức có kế hoạch thiết lập Trạm Y tế lưu động và Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng. Huy động mọi nguồn lực tham gia công tác chăm sóc F0 tại nhà.

Đối với công tác điều trị, tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình điều trị 3 tầng, hạn chế tối đa số bệnh nhân trở nặng, kéo giảm tỷ lệ tử vong xuống mức thấp nhất có thể; bố trí đủ số giường hồi sức tích cực theo tiêu chí của Bộ Y tế. Nâng cao năng lực điều trị của hệ thống các bệnh viện (bao gồm cả các bệnh viện tư nhân); nghiên cứu thành lập “Khoa COVID” tại các bệnh viện chuyên khoa nhiễm và bệnh viện đa khoa.

Đồng thời, tiếp tục củng cố và phục hồi hệ thống y tế, hiện thực hoá thông điệp “Sống an toàn trong môi trường có dịch”.

Liên quan đến các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi kinh tế, trong thời gian tới, TP tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.

Đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp, bình ổn thị trường, nắm bắt tình hình doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ, giúp doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Thúc đẩy các dự án đầu tư công, tư nhân, cải cách hành chính, chuyển đổi số, tiếp tục thực hiện chủ đề năm 2021.

Đẩy nhanh tiến độ gói hỗ trợ đợt 3 cho đối tượng là người có hoàn cảnh thật sự khó khăn; triển khai các gói hỗ trợ khác từ Chính phủ và các nguồn lực phù hợp.

Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình dạy và học trực tuyến trong học kỳ 1 năm học 2021 - 2022. Chủ động xây dựng kế hoạch mở cửa trường học, sẵn sàng mở lại khi đảm bảo các điều kiện an toàn về dịch bệnh.

Rà soát, đánh giá toàn diện lực lượng lao động trên địa bàn, kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ phù hợp, đảm bảo nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất trong giai đoạn phục hồi, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động.

Kiến nghị sớm ban hành gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức thông tin về 3 kiến nghị của TPHCM đối với Trung ương.

Thứ nhất, nhằm nâng cao năng lực cho hệ thống y tế, đảm bảo sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn tiến phức tạp trong giai đoạn sắp tới, TP kiến nghị bổ sung các chính sách, quy định tạo điều kiện cho phát triển nguồn nhân lực tại y tế cơ sở. Cụ thể, kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó sớm bổ sung thêm nhiều loại hình nhân viên y tế cần thiết cho hoạt động y tế cơ sở, điều chỉnh mức lương cơ bản phù hợp, động viên và thu hút cho nhân viên y tế về công tác tại y tế cơ sở; mở rộng loại hình khám chữa bệnh tại nhà và cho phép xã hội hóa các hoạt động khám chữa bệnh tại các Trạm Y tế; cơ chế chính sách cho y tế tư nhân tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19.

Thứ 2, kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội điều chỉnh tỷ lệ điều tiết cho ngân sách TP giai đoạn 2022 - 2025.

Thứ 3, để kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng do tác động của đại dịch COVID-19, nhất là các địa phương tăng cường thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị Chính phủ ban hành gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang