Toàn bộ TPHCM được đề nghị công bố đã kiểm soát dịch bệnh

Thứ Hai, 11/10/2021 20:32  | A. Quân

|

(CAO) Đến hôm nay (11/10) đã có 21/21 quận/huyện và TP Thủ Đức được đề nghị công bố được kiểm soát dịch theo Quyết định 3919 của Bộ Y tế.

Chiều 11/10, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP 24 giờ qua. Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

 Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

5 mặt được và 3 hạn chế

Đánh giá 10 ngày thực hiện Chỉ thị 18 của UBND TPHCM, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết, có 05 mặt được:

(1) Đa số người dân nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới;

(2) Ngày càng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, chợ truyền thống được hoạt động trở lại, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động;

(3) Công tác an sinh tiếp tục triển khai đến người dân;

(4) Công tác phòng, chống dịch ngày càng đạt nhiều kết quả tốt. Cụ thể, nếu ngày 7/10 có 19/21 quận/huyện và TP Thủ Đức đề nghị được công bố kiểm soát dịch thì đến hôm nay (11/10) có 21/21 quận/huyện và TP Thủ Đức được đề nghị công bố được kiểm soát dịch theo Quyết định 3919 của Bộ Y tế (2 quận/huyện cuối cùng được đề nghị công bố kiểm soát được dịch bệnh là huyện Bình Chánh (ngày 8/10) và quận Bình Tân (ngày 11/10)).

(5) Tình hình an ninh trật tự được duy trì, đảm bảo.

Và 03 hạn chế gồm: (1) Vẫn còn một bộ phận người dân vi phạm quy định về yêu cầu 5K, nhất là việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách; (2) Số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại chưa nhiều; (3) Tình hình đi lại của người dân TPHCM đến các tỉnh thành vẫn còn khó khăn.

Theo đó, tại cuộc họp, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục hỗ trợ đồng hành cùng TP qua việc tập trung tuyên truyền sâu rộng để người dân thực hiện tốt tinh thần Chỉ thị 18 của UBND TP; thích ứng, an toàn với cuộc sống ở trạng thái bình thường mới nhưng tuyệt đối không chủ quan, lơ là vì F0 vẫn còn trong cộng đồng.

Đồng thời, cảnh giác hơn về vấn đề an ninh trật tự. Thông tin thêm về vấn đề này, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết 10 ngày qua (1/10 – 10/10), trên địa bàn TPHCM xảy ra 70 vụ phạm pháp hình sự, CATP đã khám phá 48 vụ và bắt 54 đối tượng; 46 vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông làm chết 17 người, bị thương 20 người (nguyên nhân chạy không đúng tốc độ quy định); 11 vụ cháy làm chết 01 người, bị thương 04 người.

Gần 4 triệu người đã nhận gói hỗ trợ đợt 3

Trao đổi tại họp báo, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Nguyễn Văn Lâm cho biết, tính đến nay có 3.763.719 người dân được nhận gói hỗ trợ đợt 3; con số này sẽ tiếp tục tăng lên từng giờ. Theo đó, khả năng đến 15/10/2021 có thể hoàn thành việc chi trả theo chỉ đạo của UBND TP.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH chia sẻ, hiện nay công tác rà soát, kiểm soát và chi trả vẫn vận hành thuận lợi. Tuy nhiên, về mặt công nghệ, số lượng truy cập đông trong cùng 1 thời điểm sẽ làm nghẽn mạng, nhất là ở các địa bàn xa trung tâm, do đó có nơi, có lúc chậm hơn so với tiến độ chi trả dự kiến.

Liên quan đến dự báo nhu cầu nguồn nhân lực của TPHCM, ông Nguyễn Văn Lâm thông tin: Sau khi TPHCM nới lỏng giãn cách, thực hiện Chỉ thị 18 của UBND TP, nhiều ngành sản xuất đã hoạt động trở lại và có nhu cầu cần lao động. Trong đó, các ngành có nhu cầu nhân lực lớn như: cơ khí tự động hoá (1.398 lao động), kiến trúc kĩ thuật và công trình (1.620 lao động), kế toán - kiểm toán (3.351 lao động), cơ sở dịch vụ du lịch - lưu trú - ăn uống (1.975 lao động), kinh doanh thương mại (7.279 lao động), marketing (1.282 lao động), dịch vụ tư vấn nghiên cứu khoa học phát triển (1.535 lao động), dịch vụ logistic - kho tải - dịch vụ cảng (4.834 lao động).

Về vấn đề đưa người lao động quay trở lại TPHCM,  Phó Giám đốc Sở GTVT Phan Công Bằng nhận định, hiện tại, nhu cầu quay lại TP của người dân các tỉnh, thành chưa cao. TP đã xây dựng phương án đưa người lao động trở lại bằng xe đưa đón công nhân. Ngoài ra, theo Quyết định 1777 của Bộ GTVT, dự kiến ngày 13/10, các tỉnh, thành sẽ đưa vào thí điểm vận tải liên tỉnh. TP cũng xây dựng các Bộ tiêu chí an toàn với lĩnh vực Vận tải sao cho phù hợp với tình hình mới.

Riêng với việc phối hợp đi lại giữa các tỉnh, thành với TPHCM hiện nay, Phó Giám đốc Sở GTVT cho hay, ngày 1/10 UBND TPHCM có văn bản lấy ý kiến 4 tỉnh lân cận với phương án tổ chức giao thông; đến ngày 7/10 các địa phương đã có văn bản phản hồi nhưng mỗi địa phương đề xuất phương thức khác nhau, tùy tình hình dịch bệnh tại địa phương đó. Vì vậy, Sở GTVT đang tổng hợp, xây dựng giải pháp giao thông phù hợp để đề xuất UBND TP xem xét.

Giữ lại 03 bệnh viện dã chiến để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu điều trị

Thông tin tại họp báo, Chánh văn phòng Sở Y tế Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, trong kế hoạch chuyển đổi công năng của các bệnh viện dã chiến (BVDC) trở lại bình thường, TP sẽ giữ lại 03 BVDC gồm BVDC số 13, 14, 16 để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu điều trị và tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 trong tình hình mới.

Các bệnh viện này sẽ sáp nhập với các Trung tâm Hồi sức của 3 bệnh viện Trung ương là Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Bạch Mai. Khi lực lượng y tế tuyến Trung ương rút về, Sở Y tế phân công Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh Nhân dân Gia Định tiếp nhận, đảm bảo hoạt động không bị gián đoạn.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng tham mưu cho UBND TP thành lập tại mỗi quận, huyện 1 bệnh viện dã chiến với để sẵn sàng đáp ứng khi có sự cố xảy ra. Các bệnh viện tại TP dù đã chuyển đổi công năng nhưng vẫn có 1 đơn vị, khoa điều trị COVID-19. Những bệnh viện này sẽ khám, sàng lọc, điều trị và chuyển bệnh nhận nhiễm COVID-19 đến bệnh viện 3 tầng khi cần thiết.

Shipper xét nghiệm “dày” hơn vì đối tượng này tiếp xúc rất nhiều người

Trao đổi về ý kiến cho rằng tần suất xét nghiệm shipper khá “dày” trong khi họ đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, như vậy liệu có lãng phí và tạo áp lực chi phí cho các đơn vị quản lý, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm cho rằng: TP đã ban hành hướng dẫn về công tác xét nghiệm, quy định cụ thể cho từng đối tượng. Trong đó, lực lượng shipper có tần suất xét nghiệm “dày” hơn vì đối tượng này tiếp xúc với rất nhiều người.

Ngoài ra, việc tiêm vắc xin là để giúp bản thân người được tiêm giảm các nguy cơ mắc và chuyển biến nặng nếu bị mắc COVID-19 chứ không có nghĩa là họ không có khả năng lây lan cho người khác. “Người tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn có khả năng mắc COVID-19 và lây cho người khác”- ông Nguyễn Hồng Tâm nhấn mạnh.

Liên quan đến việc nhiều trẻ em bị lỡ tiêm chủng mở rộng do dịch bệnh, Phó Giám đốc HCDC cho biết, trong giai đoạn dịch bệnh, giãn cách vừa qua, việc tiêm chủng mở không bị gián đoạn.

Ngoài ra, việc chậm trễ tiêm chủng trong vài tháng không ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của trẻ. Đối với một số mũi tiêm quan trọng (lao, viêm gan B) trong thời gian TPHCM giãn cách xã hội, ngành y tế vẫn tổ chức tiêm chủng cho trẻ sơ sinh.

Khi tình hình dịch bệnh đã kiểm soát, việc đi lại thuận lợi, phụ huynh nhanh chóng cho trẻ đến các cơ sở để được tiêm chủng. Quá trình đi tiêm chủng, người dân thực hiện nghiêm yêu cầu 5K.

Bình luận (0)

Lên đầu trang