(CATP) Trong khuôn khổ Chương trình hoạt động năm 2020 của Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE), ngày 9-12, Bộ Công an phối hợp Bộ Tư pháp và Chương trình phát triển Liên hợp quốc, tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng, tập trung nhóm đối tượng yếu thế tại Việt Nam”.
Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh vấn đề an ninh dữ liệu và bảo vệ dữ liệu cá nhân đang ngày càng được các quốc gia trên thế giới quan tâm, chú trọng; quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân được một số quốc gia trên thế giới ghi nhận như là quyền riêng tư cần được tôn trọng và bảo vệ.
Hội nghị có sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp trên lĩnh vực viễn thông, Intetnet nhằm tạo diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế về chính sách thực tiễn công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng, góp phần tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích của cá cơ quan, tổ chức, cá nhân nói chung và nhóm đối tượng đối tượng yếu thế nói riêng.
Với chủ đề “Vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thời đại số”, báo cáo do Đại tá Trương Sơn Lâm, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trình bày nêu rõ: Dữ liệu cá nhân trên không gian mạng trở thành một kho lưu trữ khổng lồ mà nếu chúng ta không có biện pháp bảo vệ tương xứng, đúng cách thì sẽ tạo ra lỗ hổng lớn để tội phạm lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như đánh cắp, mua bán, trao đổi thông tin dữ liệu cá nhân; sử dụng dữ liệu cá nhân để tống tiền, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, xâm hại tình dục..., gây hậu quả cả về vật chất và tinh thần, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và mỗi cá nhân.
Trên thế giới đã chứng kiến hàng loạt các vụ lộ, lọt xâm phạm thông tin cá nhân quy mô lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, khiến vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân trở nên đáng quan tâm hơn bao giờ hết.... Và mức độ phổ biến của dữ liệu cá nhân trên không gian mạng tỷ lệ thuận với hậu quả xảy ra khi dữ liệu cá nhân bị xâm phạm, đặc biệt là trong hàng loạt các lĩnh vực then chốt như thương mại điện tử, hàng không, y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, truyền thông..., đặt ra yêu cầu phải bảo vệ người tiêu dùng trước nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu cá nhân trong thời đại số.
Đặc biệt, dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã làm thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào phát triển kinh tế xã hội... Trong khi đó, công tác đảm bảo an ninh mạng, bảo mật thông tin cho các hoạt động trực tuyến này chưa được chú trọng, còn tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng và nhận thức của người sử dụng còn hạn chế khiến gia tăng cả về số lượng và quy mô của tình trạng xâm phạm dữ liệu cá nhân trên không gian mạng.
Đại tá Trương Sơn Lâm, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ, Bộ Công an phát biểu tại hội thảo
Tại Việt Nam, thời gian qua Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nền tảng, tạo cơ sở cho nước ta tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thúc đẩy phát triển kinh tế số thông qua quá trình trao đổi số hiệu quả, an toàn.
Chính phủ Việt Nam cũng đang tích cực triển khai “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025”, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử và ban hành Nghị quyết về phát triển Chính phủ điện tử và ban hành Nghị quyết về phát triển Chính phủ điện tử. Trong đó, giao cho Bộ Công an chủ trì, xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nhiệm vụ này hết sức quan trọng và cấp bách trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao hàng đầu thế giới với hơn 68 triệu người sử dụng Internet (chiếm khoảng 70% dân số); 145 triệu thiết bị di động kết nối Internet đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng tên miền quốc gia; ngành công nghiệp công nghệ thông tin có thứ hạng cao trong khu vực và trên thế giới....
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe các chuyên gia trong nước trình bày về pháp luật và thực tiễn công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân hiện nay tại Việt Nam. Theo đó, để công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng đạt được hiệu quả, các cơ quan quản lý Nhà nước cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và xây dựng các cơ chế quản lý toàn diện để bảo vệ dữ liệu cá nhân; tăng cường phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp để nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân sở hữu dữ liệu, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế khi tham gia sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng.
Kết quả của Hội thảo sẽ là cơ sở để Bộ Công an và Bộ Tư pháp nghiên cứu, tham khảo để xây dựng, hoàn thiện Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam.