(CATP) Thời gian qua, tình hình tội phạm có liên quan đến “tín dụng đen” vẫn có những diễn biến hết sức phức tạp, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước, gây mất trật tự, an toàn xã hội. Lực lượng Công an đã đẩy mạnh nhiều đợt truy quét, đấu tranh bắt giữ nhiều băng nhóm, đối tượng hoạt động “tín dụng đen”.
Thông tin từ Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, trong năm qua, toàn quốc đã phát hiện 1.772 vụ việc liên quan đến “tín dụng đen”, đã khởi tố 573 vụ, 1.336 bị can, trong đó có cả các đối tượng là người nước ngoài. Tuy nhiên, loại tội phạm này vẫn có những diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, gây không ít khó khăn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật trong quá trình đấu tranh với loại tội phạm này.
Mới đây, ngày 2-12, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam hai cha con Lê Thái Thiện (Thiện "Soi") để điều tra hành vi rửa tiền và cho vay lãi nặng. Theo Công an thị xã Phú Mỹ, đơn vị đã nhiều lần nhận đơn tố giác tội phạm của công dân về việc hai cha con Thiện cho vay với lãi suất 9-12% mỗi tháng. Khi nạn nhân không có tiền trả nợ thì Thiện ép họ phải bán các tài sản cho mình.
Một trong số các đơn thư gửi cho cơ quan công an có trường hợp ông Lưu Ngọc Tư (ngụ tại thị xã Phú Mỹ). Ông Tư tố cáo cha con ông Thiện cho vay 8 tỷ đồng nhưng với lãi suất 105% mỗi tháng. Khoản vay thực hiện cuối năm 2017, đến tháng 9-2018 đã lên đến 20 tỷ đồng. Sau khi cấn trừ nhiều tài sản, đến đầu năm nay, ông này vẫn còn nợ 18 tỷ. Công an cũng cho hay, số tiền lãi có được, hai cha con ông Thiện đã đầu tư vào kinh doanh bất động sản.
Cha con Thiện "Soi" bị khởi tố về hành vi rửa tiền và cho vay nặng lãi
Liên quan đến “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, luật sư Đỗ Minh Hiển – Văn phòng luật sư JVN cho hay: “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” được quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 rõ ràng:
“Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm; Phạm tội mà thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Theo đó, tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự xâm phạm trật tự quản lý kinh tế cụ thể là trật tự trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ. Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Động cơ phạm tội là vụ lợi. Chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi, có năng lực trách nhiệm hình sự.
Vì vậy, theo quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay...”. “Như vậy, nếu “người nào” cho vay với mức lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất 20%/năm (tức là trên100%/năm) và thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị xem xét xử lý hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017”- luật sư Hiển nói thêm.
Theo luật sư Hiển, để thống nhất áp dụng quy định của điều luật này, trong khi chờ Nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao, ngày 13-9-2019, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành công văn số 212/TANDTC-PC thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử, theo nội dung công văn này, “khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự” quy định tại khoản 1, Điều 201 Bộ luật Hình sự là số tiền lãi thu được sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự (Điều 468 Bộ luật Dân sự).
“Trong vụ án mà người phạm tội có hành vi cho nhiều người vay, thì khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự là tổng số tiền lãi mà người phạm tội thu được của tất cả những người vay nếu hành vi cho vay nặng lãi được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian. Vì vậy, đối với khoản tiền lãi tương ứng với lãi suất trên 20%/năm là khoản tiền mà người phạm tội thu lợi bất chính của người vay được trả lại cho người vay tiền trừ trường hợp người vay tiền sử dụng vào mục đích bất hợp pháp ( như đánh bạc, mua bán trái phép chất ma túy…), thì khoản tiền thu lợi bất chính sẽ bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước”, luật sư Hiển nói.
Đối với khoản tiền người phạm tội cho vay (tiền gốc), được xác định là phương tiện phạm tội, bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước. Đối với khoản tiền lãi tương ứng với 20%/năm cũng bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước. Trong vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, người vay tiền được xác định là có một phần lỗi khi tham gia giao dịch trái pháp luật, cho nên số tiền lãi người vay tiền phải trả không được coi là tài sản bị chiếm đoạt, do đó, người vay tiền tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự (không phải là người bị hại).
Trở lại với vụ án nêu trên, với các thông tin báo chí phản ánh thì cha con Thiện "Soi" đã có hành vi cho ông Lưu Ngọc Tư vay 8 tỷ đồng với mức lãi suất lên tới 105%/tháng tương ứng với mức lãi suất 1260%/năm. Đây là một mức lãi suất rất cao so với mức lãi suất cho vay bị xử lý hình sự (từ trên 100%/năm). Theo đó, đối với số nợ gốc (8 tỷ) cha con ông Thiện đã cho ông Tư vay, theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự và hướng dẫn tại công văn số 212/ TANDTC-PC của Tòa án nhân dân tối cao sẽ bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước. Số tiền lãi 20% của số tiền nợ gốc 8 tỷ đồng cũng bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước. Đối với số tiền lãi trên 20%/năm, là khoản tiền mà cha con ông Thiện thu lợi bất chính của ông Lưu Ngọc Tư, sẽ được các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết trả lại cho ông Tư theo hướng dẫn tại công văn số 212/TANDTC-PC khi xét xử vụ án.
Để đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen” đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của cả hệ thống chính trị nhất là sự quyết tâm và sát sao của ngành Công an, công an các địa phương với vai trò nòng cốt, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ và nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước của các sở, ban, ngành địa phương trong phòng, chống hoạt động “tín dụng đen”. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm cán bộ bảo kê, thiếu trách nhiệm, tạo điều kiện cho đối tượng vi phạm pháp luật. Mặt khác, các Ngân hàng cũng cần có các gói tín dụng phù hợp với nhu cầu của người vay, nhất là người nghèo để họ có cơ hội tiếp cận với nguồn vay hợp pháp, tránh bị các băng nhóm tín dụng đen lợi dụng thực hiện các hành vi phạm tội…