Theo ghi nhận của các cơ quan chức năng, kể từ thời điểm xuất hiện dịch Covid-19 đến nay, đã có hàng triệu tin, bài, clip liên quan đến dịch bệnh được đăng tải trên các trang mạng xã hội, trong đó, có nhiều tin đồn thất thiệt, tin giả với nội dung sai sự thật, gây hoang mang dư luận.
Đặc biệt là những thông tin bịa đặt về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM, xuyên tạc các chủ trương, biện pháp của TP trong việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19 cũng như các chính sách, giải pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, cung ứng lương thực thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Điển hình như vụ việc Công an huyện Bình Chánh đã xử phạt đối tượng Lý Minh Vỹ (SN 1982) đưa tin trên nhóm Facebook “Tôi là dân Vĩnh Lộc” không đúng sự thật, liên quan vấn đề tiền hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đối tượng Vỹ khai nhận, do trong thời gian giãn cách xã hội ở nhà rảnh rỗi nên đăng tải nội dung “Bắt thang lên hỏi ông trời, chứ tiền hỗ trợ có đòi được không” với mục đích cho vui. Đáng nói là trước đó, đối tượng Vỹ đã được nhận 1.500.000 đồng tiền hỗ trợ (đợt 1) từ chính quyền địa phương.
Hay như mới đây là thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội về việc “không cho người dân di chuyển trong 7 ngày”. Ngay tối 12/8/2021, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM đã khẳng định, thông tin này là giả mạo. Hiện các cơ quan chức năng đang tập trung phối hợp, khẩn trương xác định và xử lý đối tượng tung tin giả mạo trên theo đúng quy định của pháp luật.
Có thể thấy, thời gian qua, lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều cá nhân đã đăng tải những thông tin sai sự thật, giật gân, câu like trên trang mạng xã hội. Hàng ngày, hàng giờ, đủ thứ tin đồn thất thiệt, tin giả trên mạng lan truyền với tốc độ nhanh chóng. Thứ virus này len lỏi, gây hoang mang, làm lung lay niềm tin, làm méo mó suy nghĩ và nhận thức, dẫn đến những hành động không đúng của một số người dùng mạng xã hội.
Nếu coi tin giả là nấm độc trên môi trường mạng thì đằng sau các nút like, share và comment (thích, chia sẻ và bình luận những dòng trạng thái trên mạng xã hội) chính là thái độ, nhận thức và văn hóa ứng xử của mỗi người dùng.
Cũng cần phải nhắc lại, ngày 17/6/2021 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Quyết định số 874/QĐ-BTTTT về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; trong đó, có nội dung các nhóm đối tượng sử dụng phải tuân thủ 4 quy tắc ứng xử chung: tôn trọng, tuân thủ pháp luật; lành mạnh; an toàn, bảo mật thông tin và trách nhiệm.
Trước đó, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ cũng đã quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội.
Cụ thể, Điều 101 của Nghị định quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân…
Theo một số chuyên gia pháp luật, hành vi tung tin thất thiệt không chỉ làm nhiễu loạn thông tin, tạo tâm lý hoang mang, mà còn gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, cần thiết phải kịp thời xử lý nghiêm, kiên quyết đối với việc đưa thông tin sai sự thật để răn đe, ngăn ngừa chung trong cộng đồng mạng.
Công an TPHCM đề nghị mọi người dân cần bình tĩnh, thận trọng trước những luồng thông tin trên mạng xã hội; không chia sẻ những thông tin không chính thống, không lan truyền các thông tin chưa được kiểm chứng gây hoang mang dư luận.
Người dân nên tìm hiểu và cập nhật thông tin chính thống tại cơ quan báo, đài chính thống, các cổng thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước. Đối với các hành vi thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn, CATP sẽ nhanh chóng điều tra, truy xét và xử lý nghiêm theo qui định của pháp luật.