Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất vùng Đông Nam Bộ

Thứ Sáu, 12/05/2023 08:59

|

(CATP) Chiều 11/5, tại TPHCM diễn ra "Hội nghị ngành Ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam Bộ", do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và UBND TPHCM tổ chức. Qua đó, Hội nghị nêu ra những khó khăn cần tháo gỡ.

Đông Nam Bộ là vùng kinh tế lớn

Theo nhìn nhận tại Hội nghị, Đông Nam Bộ là vùng kinh tế đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách và giải quyết việc làm của cả nước. Đối với tình hình kinh tế - xã hội trong 4 tháng đầu năm 2023 cho thấy, kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, lạm phát quốc tế giảm chậm. Từ ngày 10/3, vụ việc một số ngân hàng đóng cửa hoặc gặp khó khăn tại Mỹ, châu Âu khiến triển vọng toàn cầu khó lường, rủi ro suy thoái kinh tế gia tăng. Trong nước, tăng trưởng kinh tế quý I/2023 thấp nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2011 do cầu thế giới sụt giảm, cầu trong nước tăng yếu. Lạm phát chậm lại, thế nhưng lạm phát cơ bản vẫn tăng 4,56% so với cùng kỳ năm trước nên vẫn cần lưu ý.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư... vẫn còn gặp khó khăn, đầu tư tư nhân trong nước và thu hút FDI (đầu tư nước ngoài) chưa có dấu hiệu phục hồi. Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam (tính chung trong quý I/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154,27 tỷ USD - giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu giảm 11,9% còn nhập khẩu giảm 14,7%).

Quang cảnh hội nghị

Tuy nhiên, về sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi, sản xuất nông nghiệp ổn định. Cán cân thương mại hàng hóa duy trì thặng dư, tính chung 4 tháng xuất siêu 5,81 tỷ USD. Khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước, khách quốc tế đến nước ta ước đạt gần 3,7 triệu lượt, gấp 19,2 lần so cùng kỳ. Các tổ chức quốc tế (ADB, IMF, WB...) tiếp tục đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, tại khu vực Đông Nam Bộ, là vùng kinh tế đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách và giải quyết việc làm của cả nước. Năm 2022, tổng sản phẩm của khu vực chiếm 30,8% cả nước, vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 40,4%, thu ngân sách chiếm 45% tổng thu ngân sách cả nước.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ trong những năm qua tăng nhanh. Đây là khu vực mà kinh tế tư nhân phát triển mạnh với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước, chiếm 41,2%. Như một số kết quả nổi bật trong 4 tháng đầu năm 2023 như tổng mức bán lẻ hàng và doanh thu dịch vụ tiêu dùng một số tỉnh tăng (TPHCM: 4 tháng tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022, Bình Dương: tăng 13,2%...), thu hút vốn FDI tăng (TPHCM tăng 22,4% so cùng kỳ)...

Khó khăn và giải pháp

Bên cạnh những mặt tích cực, thời gian qua vùng Đông Nam Bộ còn gặp một số khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế khu vực đang có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước, một số tỉnh, thành phố có mức tăng về tổng sản phẩm quý I/2023 ở mức thấp (TPHCM tăng 0,7%, Bình Dương tăng 1,15%, Tây Ninh tăng 2,2%, Đồng Nai tăng 3,3%), hoặc tăng trưởng âm (như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 4,75%). Sản xuất, xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do nhiều doanh nghiệp không có đơn đặt hàng mới, nhu cầu tiêu dùng giảm sút, giá nguyên vật liệu đầu vào duy trì ở mức cao (xuất khẩu TPHCM tháng 4-2023 giảm 19,8% so với cùng kỳ, Bình Dương giảm 1,4%, Bình Phước giảm 5,66%, Đồng Nai giảm 8,44%)...

Thị trường bất động sản (BĐS) khu vực tiếp tục khó khăn - cung, cầu, giá đều giảm. Số vốn đăng ký doanh nghiệp thành lập mới giảm và số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng so với cùng kỳ. Giải ngân đầu tư công còn chậm, ước tính 4 tháng 2023 giải ngân đạt khoảng 10.805 tỷ đồng, đạt 9,26% kế hoạch, thấp hơn mức trung bình cả nước là 15,65% (trong đó 3 tỉnh, thành phố giải ngân thấp gồm TPHCM đạt 3,48% kế hoạch, Đồng Nai 11,58%, Bình Dương 13,16%).

Hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và các giải pháp của ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Về cung ứng tiền tệ, tỉ giá và đảm bảo thanh khoản. Từ đầu năm 2023 đến nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, NHNN đã chủ động, điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ (CSTT) nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước.

Từ đầu tháng 4-2023 đến nay, tỉ giá giao dịch trên thị trường chủ yếu giao dịch 23.445 - 23.505 VND/USD. Đồng VND tiếp tục ổn định so với nhiều đồng tiền trên thế giới, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung "dự trữ ngoại hối Nhà nước". Theo đó, thị trường tiền tệ ổn định, tỉ giá giao dịch trên thị trường nhìn chung có xu hướng giảm, thị trường ngoại tệ diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp.

Tính đến ngày 31/3/2023, tổng dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông toàn quốc là 92.015 tỷ đồng. Trong đó, các TCTD cấp tín dụng đối với 20 dự án BOT, BT giao thông tại vùng Đông Nam Bộ với tổng hạn mức cấp tín dụng là gần 19.000 tỷ đồng, tổng dư nợ cấp tín dụng là trên 7.000 tỷ đồng. Một số dự án có dư nợ lớn tại vùng Đông Nam Bộ, như dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội và QL1A do Vietinbank tài trợ với dư nợ 2.383 tỷ đồng, dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa Quốc lộ 1, TP.Thủ Đức theo hình thức đối tác công tư do Vietcombank tài trợ với dư nợ 639 tỷ đồng, dự án QL14, từ Cầu 38 đến thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước do Vietinbank tài trợ với dư nợ 630 tỷ đồng.

Về tín dụng, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý. Trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh; trong đó căn cứ một số tiêu chí cơ bản như kết quả xếp hạng tổ chức tín dụng (TCTD), mức độ tập trung tín dụng, lãi suất, việc tham gia hỗ trợ xử lý TCTD yếu kém, tình hình thực tiễn thị trường..., NHNN thực hiện phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho đối với từng TCTD; đồng thời định kỳ rà soát và xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng này.

NHNN chỉ đạo TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đối với lĩnh vực BĐS, NHNN khuyến khích các TCTD tập trung nguồn vốn cho các phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đồng thời, kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh BĐS tiềm ẩn rủi ro nhằm thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững.

Đối với việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, cần một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, NHNN đã khẩn trương xây dựng kế hoạch và giao các đơn vị thuộc NHNN triển khai tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án BĐS đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, và đảm bảo kế hoạch trả nợ; nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao. Kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc BĐS cao cấp đang dư thừa nguồn cung/BĐS không có nhu cầu thực/kinh doanh có tính chất đầu cơ BĐS, làm giá, lũng đoạn thị trường BĐS.

Bên cạnh đó, kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của TCTD, cho vay chéo..., cân đối tỉ trọng dư nợ cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS một cách hợp lý, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, việc sử dụng vốn nhất là việc tập trung quá lớn tín dụng vào một số doanh nghiệp trong hệ sinh thái hoặc doanh nghiệp "nội bộ" có nguy cơ rủi ro lớn.

Với chương trình 120.000 tỷ đồng, NHNN khẩn trương có văn bản hướng dẫn các nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi để đảm bảo triển khai thống nhất cho các khách hàng thuộc đối tượng vay vốn. Chỉ đạo các TCTD tiếp tục tập trung vốn cho các dự án hạ tầng giao thông để tạo tiền đề, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực phía Nam.

Bình luận (0)

Lên đầu trang