Chiều 9-7, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26-3-2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới và triển khai Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16-8-2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.
Dự Hội nghị có các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội; Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm...
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ: Trong thời gian qua tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến hết sức phức tạp, là một trong những vấn đề an ninh phi truyền thống mang tính xuyên quốc gia, có nguy cơ trở thành hiểm họa, đe dọa đến sự phát triển bền vững của đất nước, làm tổn hại sức khỏe của một bộ phận nhân dân và làm phát sinh nhiều loại tội phạm, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại hội nghị
Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều văn bản chỉ đạo đôn đốc các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh.
Ngày 30-11-1996, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Sau khi tổng kết Chỉ thị 06, ngày 26-3-2008, Bộ Chính trị (khóa X) tiếp tục ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát m túy trong tình hình mới.
Ngày 2-4-2014, trên cơ sở kết quả sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 21, Ban Bí thư (khóa XI) đã ban hành Kết luận số 95-KL-TW chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác này. Và mới đây, ngày 16-8-2019, Bộ Chính trị (khóa XII) tiếp tục ban hành chỉ thị số 36-CT/TW về tăng cương, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Có thể thấy, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy ở nước ta.
Các đồng chí lãnh đạo và đại biểu dự hội nghị
Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, nhất là từ sau khi ban hành Chỉ thị số 21 đến nay, các cấp, các ngành, các địa phương đã triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn các kế hoạch, giải pháp đấu tranh phòng, chống mà túy và đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều mặt.
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá, tổng kết làm rõ những kết quả đã đạt được trong thực hiện Chỉ thị 21 của Bộ Chính trị, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, những cách làm hiệu quả trong công tác phòng, chống ma túy để nhân rộng, góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị.
Nêu lên những vấn đề còn tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống ma túy và kiến nghị các giải pháp khắc phục, trong đó phân tích sâu hơn về những khó khăn trong công tác cai nghiện và quản lý người nghiện; tập trung phân tích, đánh giá, dự báo những vấn đề mới trong hoạt động của tội phạm và tệ nạn ma túy trong thời gian qua, nhất là những vấn đề liên quan đến tội phạm ma túy xuyên quốc gia lợi dụng Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy đi nước thư ba, những xu hướng, loại ma túy mới, phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm ma túy để chủ động có các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả.
Tập trung nghiên cứu, quán triệt, triển khai Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị, nhất là những quan điểm mới, đồng thời thảo luận các biện pháp để thực hiện có hiệu qua những mục tiêu, yêu cầu mà Bộ Chính trị đã đề ra trong Chỉ thị.
Tại hội nghị, Thượng tướng Lê Qúy Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày báo cáo tóm tắt Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 21. Theo đó, trong 10 năm qua, lực lượng chức năng đã bắt giữ 200.428 vụ và 302.045 đối tượng phạm tội về ma túy (tăng 48,39% về số vụ, 42,9% số đối tượng so với giai đoạn 1998 - 2007); thu giữ trên 7,6 tấn heroin, trên 3 tấn ma túy tổng hợp và nhiều loại mà túy khác. Nếu tính thêm số liệu năm 2019 với các vụ bắt giữ ma túy lớn vừa qua, thì số lượng ma túy tổng hợp thu được là gần 10 tấn.
Viện kiểm sát nhân dân phối hợp với Toà án nhân dân các cấp đưa ra truy tố, xét xử 152.197 vụ với 197.026 bị cáo (tăng 71,28% về số vụ và 63,24% về số đối tượng so với giai đoạn 1998-2008), trong đó 1,59% bị tuyên phạt tù chung thân hoặc tử hình thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.
Thượng tướng Lê Qúy Vương, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày báo cáo
Đặc biệt, các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng CAND đã phát hiện, triệt phá hàng trăm đường dây, tổ chức mua bán, vận chuyển ma túy lớn, xuyên quốc gia; chuyển hóa địa bàn, triệt xóa hàng nghìn điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy; cơ bản ngăn chặn, xóa bỏ được tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy tại Việt Nam.
Công tác cai nghiện, quản lý người nghiện ma túy sau cai được quan tâm và mở rộng; Chính phủ đã triển khai đề án đổi mới công tác cai nghiện tại Việt Nam đến năm 2020; chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone đã được thực hiện trên toàn quốc, ghi nhận có kết quả trong phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS và cải thiện sức khỏe cho người nghiện.
Một số mô hình cai nghiện được triển khai thí điểm nhằm tìm ra các phương pháp cai nghiện và quản lý sau cai phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội ở các địa phương. Số người nghiện được tiếp cận và áp dụng với các hình thức cai nghiện đã tăng 150% so với 10 năm trước, trong giai đoạn 2008 - 2018, cả nước đã tổ chức cai nghiện, phục hồi cho 209.315 lượt người nghiện ma tuý (trong đó cai nghiện tập trung chiếm 76,2%; cai nghiện tại tại cộng đồng và gia đình chiếm 23,8%), số được dạy nghề là 54.854 lượt người, tạo việc làm cho 13.995 người sau cai.
Về Hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy tiếp tục được tăng cường và mở rộng cả hợp tác song phương và đa phương, nhất là hợp tác với các nước láng giềng, hợp tác trong khuôn khổ ASEAN; cơ chế hợp tác tiểu vùng sông Mê Công và các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu khác về phòng chống ma túy.
Trong đó, chúng ta đã chủ động có nhiều đóng góp, sáng kiến tại các diễn đàn đa phương, song phương, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy. Qua đó khẳng định lập trường nhất quán và sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong công tác phòng, chống ma túy trên thế giới và khu vực…
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Quý Vương cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đó làv việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy có nơi, có lúc thiếu quyết liệt; Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có lúc, có việc chưa thật chặt chẽ, chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các nguồn lực xã hội cho công tác phòng, chống ma túy. Công tác tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Công tác cai nghiện và quản lý sau cai chưa đáp ứng yêu cầu…
Việc ngăn chặn ma túy thẩm lậu qua khu vực biên giới chưa đáp ứng yêu cầu, lượng ma túy thẩm lậu vào trong nước còn lớn, nếu không có các giải pháp quyết liệt Việt Nam sẽ trở thành địa bàn trung chuyển ma túy đi nước thứ 3. Trong nước, tội phạm ma tuý hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gắn liền với sử dụng vũ khí nóng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ, xu hướng mua bán, sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng; nhiều loại ma túy mới xuất hiện gây khó khăn cho công tác quản lý, đấu tranh…
Tại hội nghị, các đại biểu nghe Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam quán triệt Chỉ thị số 36, khẳng định, Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị kế thừa, bổ sung, phát triển quan điểm chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy từ các giai đoạn trước đây cho phù hợp với giai đoạn hiện nay.
Chỉ thị đã xác định mục tiêu tổng quát của công tác phòng, chống ma túy trong thời gian tới là phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân nhằm từng bước kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy, xóa bỏ triệt để các tổ chức, đường dây, tụ điểm, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng dụng trái phép chất ma túy trong nước; ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy thẩm lậu ở trong nước, không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, không để tái trồng cây có chất ma túy, kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất ma túy, chất gây nghiện, chất hướng thần, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, quản lý sau cai làm giảm số người nghiện ma túy mới, quản lý chặt chẽ người nghiện ngoài xã hội, không để phát sinh tình phức tạp, góp phần xây dựng môi trường xã hội an toàn lành mạnh.
Trên cơ sở mục tiêu đó, Bộ Chính trị đã nêu các quan điểm cần quán triệt và các giải pháp. Trong đó, trách nhiệm cấp ủy người đứng đầu; tăng cường công tác phòng ngừa; phát huy vai trò nóng cốt của lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh; người nghiện công tác cai nghiện; nguồn lực trong công tác…
Kết luận hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng biểu dương và đánh giá cao những kết quả các cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể đạt được trong công tác phòng, chống ma túy.
Đồng chí Trần Quốc Vượng cho rằng, tình hình ma túy còn diễn biến phức tạp; hiệu lực hiệu quả công tác phòng chống ma túy còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có lúc, có việc chưa thật chặt chẽ, chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nguồn lực xã hội cho công tác phòng, chống ma túy; công tác cai nghiện và quản lý sau cai chưa đáp ứng yêu cầu.
Trên tinh thần đó, đồng chí Trần Quốc Vượng đề nghị các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương phải nhận thức và quán triệt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác phòng chống ma túy.
Đồng thời xác định “Phòng, chống và kiểm soát ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, quyết liệt, quyết tâm rất cao và cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội.
Đồng chí Trần Quốc Vượng đề nghị lực lượng Công an cần tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp chỉ đạo, điều phối công tác phòng, chống ma túy, phát huy trách nhiệm của các ngành, đoàn thể trong công tác này. Thông qua các biện pháp nghiệp vụ, trực tiếp tổ chức đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy.
Đồng chí Trần Quốc Vượng cho rằng, nhiệm vụ đấu tranh với tội phạm ma túy là xuyên suốt, từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong và phải do lực lượng Công an chủ trì; lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan làm nhiệm vụ ngăn chặn ma túy thẩm lậu ở khu vực biên giới, nhưng nằm trong tổng thể chung về phòng, chống ma túy, tuyệt đối không được chia cắt trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy, nhất là tại khu vực biên giới. Đồng thời quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực...