Sáng 30/9, UBND TPHCM tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung TP Thủ Đức thuộc TPHCM đến năm 2040.
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hoà Bình chủ trì buổi lễ. Tham dự có Phó Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Ngô Thanh Sơn, lãnh đạo UBND TP Thủ Đức, quận, huyện, các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, đơn vị trên địa bàn TP.
Toàn cảnh buổi lễ công bố. Ảnh: Huyền Mai
Đưa TPHCM trở thành trung tâm tài chính và dịch vụ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
Tại buổi lễ, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã công bố toàn văn Quyết định số 1528/QĐ-TTg ngày 14/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Theo đó, mục tiêu của quyết định là điều chỉnh quy hoạch chung thành phố phù hợp định hướng phát triển của toàn vùng TPHCM, hướng tới phát triển thành phố trở thành trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia; trung tâm văn hóa, tri thức sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, công nghiệp công nghệ cao tầm khu vực; trung tâm du lịch, tài chính - thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế.
Đồng thời, đáp ứng các yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; tạo điều kiện khả thi để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trong phát triển đô thị hiện nay, như dân số, nhà ở, hạ tầng, giao thông, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Yêu cầu trọng tâm đối với điều chỉnh quy hoạch chung là rà soát tổng thể về nội dung quy hoạch chung đã được phê duyệt năm 2010; dự báo các nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, trong bối cảnh phát triển của khu vực, các cơ hội phát triển mới, đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát triển, hài hòa với yêu cầu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng và quốc gia, kinh tế biển, phát triển đô thị sáng tạo tương tác cao, đô thị thông minh, đô thị phát triển bền vững.
Điều chỉnh định hướng phát triển không gian, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật của thành phố phù hợp với tầm nhìn và thích ứng linh hoạt với các biến động kinh tế - xã hội, biến đổi khí hậu; tạo thêm dư địa phát triển từ giá trị đất đai, bảo đảm khả năng dự trữ cho tương lai và bảo vệ môi trường sinh thái.
Nghiên cứu, cập nhật những chủ trương, định hướng quan trọng của quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng có liên quan đến phạm vi thành phố; phối hợp các chủ trương của thành phố, các chương trình, đề án, dự án trong một khung phát triển có tầm nhìn dài hạn và có tính thực thi cao.
Xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch cụ thể, có phân kỳ hợp lý, gắn với nguồn lực thực hiện; thể hiện được phạm vi về không gian - đất đai; lựa chọn những vấn đề bất cập ưu tiên giải quyết (về liên kết vùng, phân bố dân cư, nhà ở, chất lượng sống, giao thông đô thị, quản lý ngập, sử dụng tài nguyên…), cải thiện thực trạng và đẩy mạnh phát triển đô thị, kinh tế - xã hội thành phố.
Phối hợp thống nhất về dữ liệu, dự báo, định hướng phát triển và những nội dung liên quan với quá trình lập Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch ngành, quy hoạch chuyên ngành khác đang được lập đồng thời.
Về yêu cầu cụ thể, nội dung nghiên cứu quy hoạch là xác định tính chất, tầm nhìn, mục tiêu và động lực phát triển đô thị, trong đó, xây dựng tầm nhìn mới theo ý tưởng TPHCM là thành phố đổi mới, sáng tạo, phát triển năng động, tiên phong trong vùng đô thị lớn; trở thành trung tâm kinh tế tri thức, kinh tế biển và giao thương quốc tế của Việt Nam, trung tâm tài chính và dịch vụ của khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương; có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn, có tính đa dạng văn hóa, bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước, có hạ tầng đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Quyết định đề xuất lựa chọn các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật; dự báo về tác động của điều kiện tự nhiên, phát triển kinh tế - xã hội, quy mô dân số, quy mô đất xây dựng đô thị và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho toàn thành phố, khu vực đô thị trung tâm, từng đô thị và khu chức năng theo từng giai đoạn phát triển của thành phố, đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát triển và có tính khả thi.
Toàn cảnh TPHCM nhìn từ trên cao
TP.Thủ Đức: Trung tâm kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ
Tiếp đến, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Lê Hoàng Tùng công bố toàn văn Quyết định 1538/QĐ-TTg ngày 14/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung TP Thủ Đức thuộc TPHCM đến năm 2040.
Theo quyết định, mục tiêu lập quy hoạch nhằm đề xuất định hướng phát triển phù hợp với cấu trúc, định hướng phát triển không gian của TPHCM và vùng TPHCM; đáp ứng mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ, tài chính quan trọng của TPHCM và quốc gia.
Quy hoạch đáp ứng các yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; tạo điều kiện khả thi để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trong phát triển đô thị hiện nay như dân số, nhà ở, hạ tầng, giao thông, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở chuyển đổi và phát triển hạ tầng số. Hướng tới phát triển đô thị có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn; có văn hóa đặc trưng trên cơ sở bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước; phát triển hạ tầng đô thị thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý phát triển, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và các khu vực trong TP Thủ Đức theo quy hoạch, đảm bảo chất lượng đô thị theo tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc TPHCM.
TP Thủ Đức được xác định là đô thị loại I trực thuộc TPHCM, phát triển theo mô hình đô thị sáng tạo, tương tác cao; trung tâm phía đông của TPHCM về kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ, văn hóa, giáo dục đào tạo.
Là trung tâm đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ và hợp tác phát triển; tập trung vào các lĩnh vực giáo dục đào tạo bậc cao, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao, tài chính và thương mại - dịch vụ; có vai trò là hạt nhân trong đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng số của thành phố và vùng TPHCM; là đầu mối kết nối khu trung tâm hiện hữu TPHCM với cảng hàng không quốc tế Long Thành và các đô thị, khu chức năng trọng điểm phía đông của vùng TPHCM.
Từ mục tiêu trên, yêu cầu trọng tâm đối với công tác lập quy hoạch TP Thủ Đức là rà soát quy hoạch chung TPHCM và các quy hoạch chuyên ngành đã được triển khai thực hiện trên địa bàn TP Thủ Đức. Trên cơ sở phân tích, đánh giá việc triển khai thực hiện quy hoạch chung TPHCM năm 2010 trên địa bàn, tập trung vào việc thực hiện các định hướng phát triển tại khu đô thị hướng đông TPHCM với vai trò là trung tâm mới mở rộng của thành phố (Khu đô thị mới Thủ Thiêm) và là Khu đô thị khoa học công nghệ, hạt nhân là Khu Công nghệ cao và Khu Đại học quốc gia.
Đồng thời, dự báo các nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, trong bối cảnh phát triển của TPHCM và các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát triển, bám sát các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, định hướng phát triển không gian TPHCM, chủ trương phát triển đô thị sáng tạo tương tác cao, đô thị thông minh, đô thị phát triển bền vững.
Nghiên cứu, cập nhật những chủ trương, định hướng quan trọng có liên quan đến quy hoạch, phát triển đô thị và phát triển kinh tế xã hội; phối hợp các chương trình, đề án, dự án… của thành phố trong một khung phát triển có tầm nhìn dài hạn và có tính thực thi cao; nghiên cứu trên nền đô thị đã hình thành và phát triển qua nhiều thời kỳ, đề xuất mô hình phát triển TP Thủ Đức theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD) gắn với quy hoạch sử dụng đất có hiệu quả, tạo thêm dư địa phát triển từ giá trị đất và bảo đảm khả năng dự trữ cho tương lai và bảo vệ môi trường sinh thái,…
Cụ thể hóa được tầm nhìn phát triển
Phát biểu tại lễ công bố, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hoà Bình cho biết, công tác quy hoạch luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của TPHCM. Hiện tại, Thành phố đang đứng trước những thách thức do sự phát triển nhanh, hạ tầng đô thị chưa đồng bộ chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế, đòi hỏi Đồ án quy hoạch chung Thành phố cần được nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp, mang tính khả thi, phù hợp với định hướng phát triển lâu dài của thành phố, tạo ra sức bật mới cho thành phố phát triển nhanh, mạnh mẽ và bền vững. Song song đó, với việc thành lập TP Thủ Đức trên cơ sở Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố đặt ra yêu cầu cần thiết phải lập đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức, làm cơ sở cho việc quản lý và kêu gọi đầu tư phát triển cho địa phương này.
Trên cơ sở đó, TPHCM thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM cũng như Nhiệm vụ quy hoạch chung TP Thủ Đức.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP chỉ ra một số điểm mấu chốt để Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu, vận dụng trong quá trình hoàn chỉnh các Đồ án quy hoạch trong thời gian tới.
Theo đó, đồ án quy hoạch cần nghiên cứu và phản ánh được, cụ thể hóa được tầm nhìn phát triển đặt ra trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI.
Phối hợp đồng bộ với Quy hoạch kinh tế xã hội (quy hoạch tỉnh do Sở Kế hoạch Đầu tư chủ trì), quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch chuyên ngành.
Tăng cường các giải pháp liên kết vùng, tuân thủ định hướng phát triển vùng đã được Chính phủ phê duyệt với quan điểm phát triển mở, tạo điều kiện nâng cao vai trò đầu tàu của TPHCM, hợp tác, chia sẻ cùng đồng hành phát triển với các tỉnh bạn. Sở Quy hoạch - Kiến trúc cần chủ động gặp gỡ, bàn bạc, chia sẻ ý tưởng, thông tin, tài liệu với các cơ quan chuyên môn của các tỉnh lân cận.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc cần nghiên cứu khảo sát các mô hình đô thị lớn trên thế giới, các bài học kinh nghiệm và những dự án đột phá của họ để tham khảo và đề xuất trong đồ án lần này.
Phát động cuộc thi Bình chọn ý tưởng điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Ảnh: Huyền Mai
Trong quá trình làm đồ án, đội ngũ thiết kế cần kế thừa các ý tưởng, định hướng, giải pháp quy hoạch đúng đắn, phù hợp của các đồ án trước. Cần nghiên cứu, đánh giá hiện trạng hết sức nghiêm túc, cả hiện trạng xây dựng công trình, hạ tầng kỹ thuật và xã hội và hiện trạng pháp lý về quy hoạch, dự án đầu tư nhằm tránh gây xáo trộn đời sống của nhân dân, hoạt động của doanh nghiệp.
Quan tâm bảo đảm công khai minh bạch trong quá trình lập quy hoạch, bảo đảm sự giám sát, phản biện của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể và của nhân dân, lắng nghe, tiếp thu có chọn lọc ý kiến người dân, chuyên gia và doanh nghiệp.
TPHCM có nhiều đặc trưng riêng biệt nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, nhiều khu vực sinh thái cảnh quan môi trường có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững. Do đó, phải hết sức quan tâm có giải pháp bảo tồn và phát huy những giá trị di sản đó một cách có hiệu quả trong quá trình phát triển năng động của thành phố.
“Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng rất nặng nề đến thành phố chúng ta. Từ dịch bệnh, cần rút ra những bài học từ thực tiễn về chỉnh trang các khu đô thị hiện hữu với hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố, về quy hoạch và xây dựng các khu nhà ở cho người có thu nhập thấp, cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp và khu chế xuất; về huy động nguồn lực xã hội để phát triển mạng lưới các công trình y tế rộng khắp và có chất lượng cao; về quy hoạch mạng lưới giao thông và hệ thống các cơ sở logistic gắn kết chặt chẽ với mạng lưới cung ứng hàng hóa thiết yếu của các địa phương lân cận”, Phó Chủ tịch UBND TP chia sẻ.
Tại buổi lễ, TPHCM cũng phát động cuộc thi Bình chọn ý tưởng điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.