Thường vụ Quốc hội yêu cầu chấn chỉnh việc đại biểu vắng mặt tại kỳ họp

Thứ Ba, 16/07/2019 19:34  | Hải Triều

|

(CAO) Tình trạng đại biểu vắng mặt quá đông là vấn đề mà nhiều Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đề cập đến khi đánh giá về kỳ họp thứ 7 của Quốc hội bế mạc giữa tháng 6 vừa qua.

Báo cáo trước Thường vụ Quốc hội hôm nay (16-7), Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, nội dung kỳ họp thứ 7 nhìn chung được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, bảo đảm chất lượng, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, giảm đáng kể việc đóng dấu mật một số tài liệu không thực sự cần thiết.

Không khí thảo luận tại kỳ họp sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ, hình thức tranh luận tiếp tục phát huy hiệu quả, đặc biệt là tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi họp

Đáng chú ý, theo Tổng Thư ký Quốc hội, đại biểu QH đã tích cực tham gia phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, phong phú, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm, không né tránh, theo đuổi đến cùng những vấn đề mà cử tri và dư luận quan tâm.

Công tác điều hành được nhận định là linh hoạt, sáng tạo, có sự bao quát toàn diện, bảo đảm đại diện các đoàn được phát biểu ý kiến, tranh luận, tạo không khí sôi nổi nhưng vẫn bảo đảm tính nghiêm túc, kỷ luật, hiệu quả.

Cơ bản đồng tình với đánh giá trên, nhưng một số Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lưu ý cần rút kinh nghiệm trong một số vấn đề. Cụ thể, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, việc đại biểu vắng mặt tại một số phiên họp quá đông cần được khắc phục.

“Đại biểu do dân bầu lên, ngân sách tốn tiền tổ chức kỳ họp, đại biểu vắng mặt phải có lý do rõ ràng, chứ không phải lấy quyền đại biểu rồi quên đi nghĩa vụ” – ông Giàu nhắc nhở.

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu

Vẫn theo Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại, có vấn đề rất lớn nhưng khi lấy ý kiến thì phiếu thu về quá ít. “Gần 500 đại biểu mà thu về có hơn 300 là thế nào, trong khi đây là những ý kiến tham khảo rất quan trọng, quyết định đến điều chỉnh trong quá trình diễn ra kỳ họp” – ông Giàu phàn nàn.

Tương tự, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga thông tin, có những đoàn một buổi vắng tới 13 đại biểu. “Có thể vắng 1-2 người chứ vắng nhiều như vậy là không nghiêm túc” – bà Nga nêu quan điểm.

Nữ Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp còn chỉ ra một tồn tại nữa cần được khắc phục là việc gửi tài liệu kỳ họp quá muộn, dẫn đến cơ quan chuyên môn thẩm tra muộn, gửi đến tay đại biểu muộn.

Khẳng định kỳ họp thứ 7 đại biểu vắng mặt rất nhiều, nhiều nhất trong tất cả các kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu rút kinh nghiệm.

“Chưa bao giờ đại biểu đi nước ngoài nhiều thế, cả Chính phủ, cả Quốc hội. Không ngày nào vắng dưới 30 người, có ngày vắng 100 người, có đoàn vắng 50% số đại biểu, 7 người vắng 4, vắng ngay cả trong ngày biểu quyết” – Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Cũng cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu băn khoăn khi báo cáo đánh giá kỳ họp còn “hồng” quá.

“Tình hình xã hội bao nhiêu chuyện đang rất nóng mà báo cáo thì êm ả, lạc quan quá” - Phó chủ tịch Uông Chu Lưu nhìn nhận và góp ý, báo cáo cần chỉ ra kỳ họp qua đã có những đóng góp vào mọi mặt của đất nước những gì nổi bật hơn những kỳ trước. Cách thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội vẫn cần tiếp tục đổi mới. Cả Chính phủ và Quốc hội phải tập trung vào một số vấn đề đang vướng mắc, để Quốc hội thảo luận sâu và có giải pháp.

Về kiểm soát quyển lực, ông Lưu nhìn nhận, Uỷ ban kiểm tra Trung ương nêu bao nhiêu chuyện như vậy, giám sát của Quốc hội cũng cần có tác động, phải đánh giá thế nào đó, để cử tri thấy Quốc hội chuyển mình, nói tiếng nói của dân.

Bình luận (0)

Lên đầu trang