Hệ thống Công an 4 cấp sẽ giúp các Bộ, ngành hoàn thành dữ liệu của từng đơn vị

Thứ Sáu, 18/03/2022 16:23  | Mai Loan

|

(CAO) Đó là khẳng định của Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban soạn thảo Nghị định tại cuộc họp lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử được Bộ Công an tổ chức ngày 18-8, tại Hà Nội.

Cùng dự có đại diện 21 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các đồng chí trong Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định...

Việc xây dựng Nghị định về định danh và xác thực điện tử có ý nghĩa rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện hoạt động định danh và xác thực điện tử; qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công và các giao dịch khác.

Đồng thời, đó còn là cơ sở để phục vụ công tác quản lý dân cư của cơ quan chức năng, góp phần thực hiện chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, công dân, đáp ứng yêu cầu về việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân…

Tại hội nghị, sau khi công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về việc thành lập Ban Soạn thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử; quyết định về việc thành tập Tổ biên tập; được sự ủy quyền của Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Thư ký Ban soạn thảo đã trình bày báo cáo tóm tắt về quá trình xây dựng Nghị định và những nội dung cần xin ý kiến.

Theo đó, từ ngày 1-7-2021, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về DC) chính thức được đưa vào sử dụng, đây là cơ sở quan trọng để làm nền tảng cho việc định danh và xác thực điện tử, do vậy, cần thiết phải hoàn thiện ngay cơ sở pháp lý về định danh và xác thực điện tử với mô hình tập trung, thống nhất, chỉ cung cấp một danh tính điện tử duy nhất đối với cá nhân và thực hiện hoạt động kết nối, chia sẻ thông tin giữa CSDLQG về DC, cơ sở dữ liệu khác.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Ngày 8-11-2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 34/2001/QĐTTg quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng CSDLQG về DC, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân (CSDLCCCD) và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh (CSDLQG về XNC).

Tuy nhiên, những quy định tại Quyết định này chưa cụ thể, rõ ràng nên yêu cầu đặt ra là cần phải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để quy định cụ thể các nội dung liên quan về định danh và xác thực điện tử.

Chính vì vậy, việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử là đặc biệt, do đó trong quá trình triển khai Đề án 06 của Chính phủ, thời gian tới sẽ có nhiều dịch vụ công trực tuyến thiết yếu dành cho người dân và doanh nghiệp, là hết sức cần thiết…

Tại cuộc họp, dưới sự chủ trì của Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, các đại biểu đã tiến hành tham luận; cho ý kiến vào dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử gồm 6 chương, 42 điều, các đại biểu đã tập trung đánh giá về sự cần thiết ban hành Nghị định, bố cục, nội dung cơ bản của Nghị định; đối tượng cấp tài khoản định danh điện tử; mô hình của hệ thống định danh và xác thực điện tử; các thủ tục hành chính được quy định tại dự thảo Nghị định; phí và lệ phí khi thực hiện định danh và xác thực điện tử…

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyên Duy Ngọc khẳng định buổi họp này là một trong những lộ trình của Đề án 06 và Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử là một trong hai Nghị định cốt lõi để triển khai Đề án 06.

Các ý kiến phát biểu hôm nay xác định thuật ngữ làm sao dễ hiểu và chính xác, đảm bảo an toàn đối với định danh và xác thực, người dân và doanh nghiệp được đảm bảo các quyền lợi chính đáng đồng thời phải dễ thực hiện bởi xã hội mà không chuyển động theo yêu cầu của từng người dân, của từng tổ chức, từng cơ quan Nhà nước trong chuyển đổi xã hội số thì chính quyền xã hội số không thể thành công được, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại buổi làm việc

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc mong muốn các đơn vị là thành viên Ban soạn thảo sẽ tiếp tục tổ chức thảo luận tại đơn vị theo ngành, lĩnh vực của mình để đảm bảo sự đầy đủ, thống nhất với Bộ Công an. Trong quá trình này, vừa làm, vừa nghiên cứu, vừa hoàn thiện, song cùng đặt mục tiêu dự thảo sẽ sớm được ban hành với nội dung cụ thể, rõ ràng dễ hiểu và hoàn chỉnh nhất; đồng thời, đề nghị các đơn vị tiếp tục tham gia, gửi văn bản góp ý kiến đến Ban soạn thảo để cùng với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp đạt mục tiêu hoàn chỉnh dự thảo Nghị định trong tháng 4-2022.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc chỉ rõ: Nhiệm vụ đặt ra Đề án 06 với từng bộ, ngành đã rất rõ ràng. Tuy nhiên còn một số vướng mắc cần khắc phục như về thể chế, quy trình, công nghệ để thực hiện thông suốt từ trung ương xuống cơ sở để người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng.

Thứ trưởng khẳng định với hệ thống Công an 4 cấp, đặc biệt, là lực lượng Công an chính quy ở các xã sẽ giúp các bộ, ngành xuống tận cơ sở sẽ hoàn thành dữ liệu chuyên ngành của từng đơn vị trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang được Bộ Công an “nuôi sống” trên toàn quốc.

Để Nghị định về định danh và xác thực điện tử ra đời, đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công và các giao dịch khác, Bộ Công an cũng đề nghị Cục kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) tiếp tục phối hợp chặt chẽ, trao đổi với nhau làm việc với các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng dự thảo.

Bình luận (0)

Lên đầu trang