Rác thải y tế của người nhiễm Covid-19 điều trị ở nhà cũng là 1 nguồn lây bệnh

Thứ Tư, 16/03/2022 21:50

|

(CAO) Theo Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường, rác thải y tế của người nhiễm Covid-19 khi điều trị tại nhà cũng là một nguồn lây bệnh. Trong phân loại, thu gom, hướng dẫn thì Bộ Y tế đã có quy định kể cả bệnh nhân ở nhà cũng như bệnh nhân ở các bệnh viện...

Chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà chiều nay (16/3), đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để giải quyết một cách hiệu quả việc thu gom và xử lý rác, nhất là rác thải có chứa chất lây nhiễm Covid-19.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường

Nhận định “đây là một vấn đề hết sức hệ trọng”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, loại rác thải này là chất thải nguy hại, được quản lý theo quy định về chất thải nguy hại.

Theo phân định, ông Hà nói, vấn đề quản lý chất thải y tế do Bộ Y tế sẽ xem xét và có những hướng dẫn mang tính chuyên môn kỹ thuật. Còn Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những văn bản phối hợp cùng Bộ Y tế để có những hướng dẫn cụ thể về việc xác định đối tượng, xác định phương pháp thu gom.

“Chúng tôi đã cung cấp danh mục các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có đủ năng lực để xử lý chất thải y tế này trong cả nước cho Bộ Y tế” – ông Hà thông tin.

Cùng với đó, theo Bộ trưởng Hà, với vai trò là cơ quan quản lý lĩnh vực này, Bộ Tài nguyên – Môi trường đã phối hợp với các địa phương, đặc biệt là TPHCM và Bộ Quốc phòng trong vấn đề lựa chọn, đánh giá các công nghệ để xử lý, kể cả trường hợp mai táng và xử lý các bệnh nhân mất do Covid-19.

Đề cập đến rác thải y tế của người bệnh khi điều trị tại nhà, Bộ trưởng Hà cảnh báo “đây cũng là một nguồn lây bệnh”. Do đó, trong phân loại, thu gom, hướng dẫn thì Bộ Y tế đã có quy định kể cả bệnh nhân ở nhà cũng như bệnh nhân ở các bệnh viện.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn 

“Những bệnh nhân bị Covid thì rác thải của gia đình đấy đều được coi là rác thải y tế và phải có những quy trình, quy định để thu gom và xử lý đúng theo quy định pháp luật” – Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, trong báo cáo trước đó gửi đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, “tư lệnh” ngành Tài nguyên – Môi trường cũng khẳng định đã có văn bản hướng dẫn xử lý, vận chuyển chất thải phát sinh trong phòng, chống dịch Covid-19 và chỉ đạo công tác tăng cường năng lực xử lý chất thải an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19.

“Việc tổ chức thực hiện cụ thể các nhiệm vụ như thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải thuộc chính quyền các địa phương” – ông Hà nêu trong báo cáo.

Theo số liệu ông Hà đưa ra, trên toàn quốc hiện có hơn 80 cơ sở xử lý chất thải có chức năng xử lý chất thải y tế. Các tỉnh, thành phố đã và đang chủ động rà soát, cập nhật kế hoạch, phương án thu gom và xử lý chất thải phát sinh do Covid-19 trên địa bàn, đặc biệt do các ca bệnh cách ly tại nhà tăng nhanh trong thời gian qua, có tính đến phương án dự phòng trong trường hợp quá tải. Tuy nhiên, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa nhận thông tin về việc quá tải của các cơ sở xử lý tại các địa phương.

Trước thực tế số lượng người nhiễm bệnh thực hiện cách ly tại nhà gia tăng nhanh chóng tại nhiều địa phương, có sự khác biệt về điều kiện cư trú nên dẫn đến khó khăn trong việc thu gom và xử lý chất thải phát sinh, Bộ trưởng Hà cho biết đang phối hợp với Bộ Y tế xây dựng và ban hành hướng dẫn quản lý chất thải của nhóm đối tượng này.

“Chất thải được thu gom, khử khuẩn theo quy định của Bộ Y tế và chuyển về các điểm tập kết tại các địa phương và chuyển giao cho các cơ sở xử lý đảm bảo các yêu cầu về sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh” – ông Hà cho biết.

Nêu khó khăn, lãnh đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường chỉ ra, dù đã có hướng dẫn cụ về xử lý loại chất thải này nhưng thực tế việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải, chất thải của người nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà chưa được quan tâm đúng mức. Điều này, theo ông Hà, tạo nguy cơ lây nhiễm rất cao đối với công nhân vệ sinh môi trường cũng như khả năng bùng phát dịch trên diện rộng.

Trong khi đó, ông Hà lo lắng, việc xử lý rác thải tại địa phương gặp nhiều khó khăn do lực lượng làm công tác này rất mỏng, chưa được đầu tư xe chuyên dụng chuyên chở rác thải lây nhiễm, thiếu trang thiết bị bảo hộ, kinh phí dành cho việc thu gom, xử lý rác thải tại địa phương còn hạn hẹp...

Để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về chất thải liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, thời gian tới, theo ông Hà, Bộ Tài nguyên - Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để hỗ trợ, hướng dẫn trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải để phòng tránh dịch bệnh và an toàn môi trường.

Nếu có trục lợi từ vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm thì Cơ quan điều tra sẽ làm rõ
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang