(CAO) Bộ Công Thương đang nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, thiết kế lại mô hình quản lý quỹ dự trữ quốc gia, đồng thời nâng cao mức dự trữ quốc gia để tình huống bất trắc có nguồn dùng được 1-2 tháng.
Quan tâm tới việc dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp đầu mối trong đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) nêu câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Công thương: “Các doanh nghiệp thương nhân xăng dầu đã thực hiện đúng việc dự trữ xăng dầu 20 ngày theo quy định hay chưa?”.
Đại biểu Trình Lam Sinh chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về việc dự trữ xăng dầu
Chung mối quan tâm về nguồn dự trữ, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) thắc mắc, việc Việt Nam không có quỹ dự trữ xăng dầu quốc gia có là nguyên nhân chính gây bất ổn xăng dầu hiện nay?”.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, sản lượng tiêu thụ xăng dầu cả nước 1,8 - 2 triệu m3, một tháng. Quy định dự trữ quốc gia hiện có đủ lượng dự trữ dùng 5-7 ngày.
Ông Diên khẳng định, cơ chế hiện nay xăng dầu phải dự trữ quốc gia, nhưng quốc gia chưa có hệ thống kho riêng, vì thế giao việc dự trữ này cho các doanh nghiệp đầu mối.
“Đây là cơ chế bất hợp lý” - ông Diên nói và cho biết Bộ Công Thương đang nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, thiết kế lại mô hình quản lý quỹ dự trữ quốc gia, đồng thời nâng cao mức dự trữ quốc gia để tình huống bất trắc có nguồn dùng được 1-2 tháng.
Làm rõ hơn chất vấn của đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói: “Ý đại biểu là khi kiểm tra, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có dự trữ lưu thông đúng quy định pháp luật không, nhất là họ vừa làm dự trữ lưu thông, vừa làm dự trữ quốc gia”.
Ông Huệ cũng hỏi thêm, các thương nhân đầu mối có lẫn lộn giữa dự trữ quốc gia và dự trữ doanh nghiệp không?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
“Không thể nói 1-2 hai ngày thiếu hàng mà đứt nguồn được. Các doanh nghiệp đang đảm bảo dự trữ lưu thông 20 ngày thì thế nào?” – Chủ tịch Quốc hội chất vấn. Ông cũng đề nghị Bộ trưởng Công Thương giải thích việc đấu giá hơn 100 triệu lít xăng RON92.
“Không chỉ vấn đề về giá, quan trọng nhất là nguồn cung, không được để mất cân đối nguồn cung xăng dầu. Không có xăng mà bán thì sản xuất sẽ ảnh hưởng nặng nề” – Chủ tịch Quốc hội cảnh báo.
Trả lời Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thừa nhận, việc doanh nghiệp đầu mối có thực hiện dự trữ đúng hay không là “ẩn số”.
Theo ông Diên, nếu sớm có cơ chế tách bạch dự trữ quốc gia và dự trữ xăng dầu thì việc việc vận hành sẽ tốt hơn. Trong bối cảnh thế giới thế này, ông Diên cho rằng, cần phải dự trữ nhiều hơn bằng sản phẩm, thì lúc khó mới có cái dùng.
Đề cập đến việc đấu giá hơn 100 triệu lít xăng, ông Diên nói, thực chất là chuyển đổi việc dự trữ từ xăng RON92 sang xăng RON95, loại xăng thông dụng được sử dụng nhiều.
“Việc bán đấu giá lượng xăng RON92 không liên quan tới hỗ trợ nguồn cung cho thị trường và không cần sử dụng nguồn này. Đây là việc bình thường, giống dự trữ lương thực, tới kỳ phải đảo hàng” – ông Diên nêu.
Vẫn theo lãnh đạo Bộ Công thương, sau khi đấu giá thành công thì sẽ tiếp tục mua vào xăng RON95 để đáp ứng yêu cầu. Bộ Công Thương đề xuất quy trình đấu giá, còn khi thực hiện sẽ đấu giá công khai và các bộ, ngành chức năng cùng vào cuộc thực hiện.