Có tình trạng đầu cơ xăng dầu, “găm hàng” chờ lên giá

Thứ Tư, 16/03/2022 13:45

|

(CAO) Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết có tình trạng này khi giải trình thêm về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng nhái… trong phiên chất vấn Bộ trưởng Công thương sáng 16/3.

Nhìn nhận về diễn biến giá cả hàng hoá thời gian qua, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, từ đầu năm 2021, giá hàng hóa, dịch vụ toàn cầu tăng mạnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu, nguồn nguyên liệu. Điều này gây ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu của chúng ta.

Từ tháng 2-2022 đến nay, do xung đột Nga – Ukrainae, giá cả, nguồn hàng càng khan hiếm hơn, đe dọa đến nền kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng sản xuất trong nước.

Toản cảnh phiên chất vấn từ đầu cầu Nhà Quốc hội sáng 16/3

"Riêng năm 2021, chúng tôi thống kê có 22 loại hàng hóa tăng, nhiều mặt hàng tăng 50% như cà phê, nhôm...” – Bộ trưởng Tô Lâm thông tin, đồng thời lưu ý đây là mức tăng trong năm lớn nhất kể từ năm 1995 trên phạm vi toàn cầu.

“Kinh tế thế giới đang hội tụ những đặc điểm của siêu chu kỳ thứ 5, gắn với 4 đặc điểm khác so với chu kỳ tăng giá trước đây" - Bộ trưởng Tô Lâm nhận định.

Phân tích kỹ hơn, Bộ trưởng nêu 4 đặc điểm điển hình, cụ thể là thế giới đang có nhu cầu lớn phục vụ cho phục hồi sản xuất, đặc biệt là nguồn nguyên liệu. Dịch COVID-19 khiến nguồn cung cấp hàng hóa hàng thiết yếu trên toàn cầu bị thu hẹp đáng kể.

Điểm nữa, Bộ trưởng Bộ Công an chỉ ra, là các nước tăng cường sử dụng công cụ tài khóa, tiền tệ để ngăn chặn suy thoái kinh tế, kích thích tiêu dùng, dẫn đến lạm phát có chiều hướng tăng cao. Căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn bị đẩy lên cao, nhiều nước tăng cường các biện pháp trừng phạt, đáp trả nhau trên thị trường thương mại, đầu tư, ảnh hưởng lớn đến lưu thông, luân chuyển hàng hóa, và nước ta cũng không nằm ngoài tác động đó.

Khẳng định những biến động lớn, nhanh, khó dự báo của thị trường hàng hóa toàn cầu cũng ảnh hưởng đến nước ta, song theo Bộ trưởng Tô Lâm, Việt Nam có điểm thuận lợi là đang đẩy mạnh chiến lược xuất khẩu trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng cao, nguồn cung đang khan hiếm.

Bộ trưởng Tô Lâm giải trình thêm về một số vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an

“Chúng ta đáp ứng được một số ngành hàng có thế mạnh như dệt may, giày dép, thủy sản..., sẽ chiếm được những thị trường hiện thế giới có khó khăn” – Bộ trưởng nói.

Đề cập đến công tác phòng ngừa, đấu tranh với những hành vi, vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, Bộ trưởng Tô Lâm phản ánh, gần đây các hoạt động này có xu hướng diễn biến rất phức tạp.

Đáng chú ý, hoạt động đầu cơ, buôn lậu, kinh doanh trái phép, buôn bán hàng giả liên quan trang thiết bị vật tư, y tế, mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch bệnh xảy ra nhiều ở các địa phương.

Vẫn theo Bộ trưởng, bên cạnh diễn biến phức tạp của tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng qua biên giới (do giá vàng trong nước và thế giới cùng tăng mạnh và chênh lệch ở mức cao), còn xuất hiện tình trạng các đối tượng tập trung hoạt động đầu cơ xăng, dầu, "găm hàng" chờ lên giá, xuất lậu, nhập lậu, pha chế làm giả xăng dầu… đưa ra thị trường tiêu thụ…

"Diễn biến hoạt động buôn lậu, sản xuất hàng giả với xăng dầu vẫn còn rất phức tạp. Bộ Công an vừa qua đã nỗ lực đấu tranh làm rõ vụ sản xuất xăng giả ở Đồng Tháp, Sóc Trăng, Đồng Nai..." - Bộ trưởng thông tin.

Từ buôn lậu dẫn đến trốn thuế, làm cho giá xăng lậu chênh lệch với giá hàng chính thức rất nhiều, gây thiệt hại cho nhập khẩu chính thức. Theo Bộ trưởng, điều này lại càng kích thích các đối tượng buôn lậu, sản xuất xăng giả…

Để phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi, vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, Bộ trưởng cho biết, Bộ Công an đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp.

Cụ thể, Bộ Công an chủ động tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện các vi phạm, tội phạm phát sinh trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, vàng, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19 và những vấn đề phức tạp nổi lên để chuẩn bị các điều kiện về lực lượng, phương tiện nghiệp vụ, chủ động sẵn sàng tấn công, trấn áp tội phạm.

Huy động tối đa lực lượng để tăng cường cho cơ sở, triển khai đồng bộ, có chiều sâu các biện pháp nghiệp vụ, xác định rõ các lĩnh vực, địa bàn, đối tượng trọng điểm, đối tượng cầm đầu các đường dây buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả để tập trung đấu tranh, triệt phá.

Ngành công an cũng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng như Quản lý thị trường, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển trong công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp nhận và xử lý tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố; điều tra, xử lý tội phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc.

Vẫn theo Bộ trưởng Tô Lâm, lực lượng công an đã chủ động phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong quy định pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý nhà nước đối với các ngành hàng vàng, xăng dầu, vật tư y tế… để kịp thời dự báo, nhận diện các vấn đề phức tạp nổi lên, từ đó kịp thời tham mưu cho Chính phủ có biện pháp chỉ đạo, giải quyết dứt điểm.

Thông tin về vụ buôn lậu, sản xuất xăng giả ở Đồng Nai, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết đến nay đã kết thúc điều tra giai đoạn 1, bắt, xử lý 100 bị can, trong đó có 99 bị can về tội "Buôn lậu", 1 bị can về tội "Nhận hối lộ".

Cơ quan điều tra đã phối hợp với bên Quân đội xử lý các đối tượng có liên quan thuộc lực lượng này.

Tang vật tạm giữ là 2,5 triệu lít xăng, 16 tàu thủy và nhiều phương tiện khác. Trên 212 tỷ đồng, gần 300.000 đô la Mỹ cũng bị tạm giữ cùng việc phong tỏa 30 tài khoản với số tiền gần 100 tỷ đồng. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn tạm giữ 51 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhiều tài sản có giá trị khác.

Hiện Bộ Công an đang tiếp tục chỉ đạo điều tra mở rộng giai đoạn 2 của vụ án.

Bình luận (0)

Lên đầu trang