Nếu có trục lợi từ vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm thì Cơ quan điều tra sẽ làm rõ

Thứ Tư, 16/03/2022 15:52

|

(CAO) "Vụ việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm đã được Chính phủ giao các cơ quan có trách nhiệm làm rõ. Nếu có lợi dụng, trục lợi thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ" - Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà nói.

Chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà trong phiên làm việc chiều 16/3, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) nêu lại vụ việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức, TPHCM).

Ông Thắng cho rằng việc nhà đầu tư bỏ giá “trên trời” rồi bỏ cọc đã gây nhiễu loạn thị trường, sốt đất ảo, tạo mặt bằng giá đất mới, gây khó khăn cho xây dựng, phát triển.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên)

“Bộ có giải pháp nào cho tình trạng này?” – ông Thắng chất vấn.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà phản ánh, việc đấu giá đất vừa qua không chỉ có hiện tượng “thổi giá” mà còn có tình trạng “dìm giá”, rồi tạo “quân xanh – quân đỏ” gây bức xúc.

Phân tích hệ luỵ của từ việc giá đất bị “thổi”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ ra, việc này làm biến động thị trường, tạo giá ảo hoặc lấy cớ để "rút ruột" tiền ngân hàng nếu tiền đó là đặt cọc.

“Giá đất bị đẩy lên cao, xa giá trị thật sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy” – ông Hà nêu và nhấn mạnh, trong nền kinh tế, đất đai là đầu vào mọi dự án đầu tư mà bị đẩy giá lên cao thì sẽ không hiệu quả.

“Chúng ta mong muốn giá tốt, mang hiệu quả xã hội trên đất đai, chứ không phải có đủ đất để bán, để tiêu dùng" - ông Hà nêu quan điểm.

Khẳng định việc "thổi giá" là hiện tượng rõ ràng, có thực, Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường phân tích, điều này không có lợi cho nền kinh tế, nhất là khi tiền, tài sản của toàn xã hội "đổ" vào đất. Theo ông, Nhà nước phải điều tiết giá, phải có chính sách để kiểm soát và đảm bảo tính khả thi của các dự án đầu tư.

"Đằng sau việc thổi giá đất còn có nhiều hệ lụy là giá đất đấu giá cao có thể là ảo, nhưng lại dùng để thế chấp vay tiền ngân hàng, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia và nhiều vấn đề khác" - ông Hà thông tin thêm.

Phân tích về nguyên nhân, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trước hết là do việc đấu giá đất đang được điều chỉnh bởi nhiều luật, như Luật Đấu giá tài sản, Luật Đất đai, các quy định về thuế, tài chính…

“Vì có nhiều luật điều chỉnh nên về quy trình, trình tự, phương thức đấu giá đất còn bất cập” – ông Hà nhận định.

Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn chiều 16/3

Lưu ý giá trị tài nguyên như đất đai không giống với các vật thể giá trị khác, ông Hà cho rằng phải có quy định về phương thức, trình tự đấu giá với tài sản đất đai chặt chẽ hơn.

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng đề nghị phải có chế tài mạnh mẽ hơn, nếu doanh nghiệp sau khi đấu giá xong rồi bỏ cọc thì phải bị xử lý, để lần sau họ không tham gia đấu giá được nữa…

Tham gia chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) hỏi Bộ trưởng Trần Hồng Hà liệu có nên hình sự hóa hành vi lũng đoạn thị trường bất động sản hay không?

Tái khẳng định quan điểm cần xử lý nghiêm, nhưng Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng chế tài về kinh tế cần mạnh mẽ hơn.

"Quan điểm của tôi không cần hình sự hóa, chỉ cần giải pháp chế tài về kinh tế là đủ"- Bộ trưởng nói.

Chưa tán thành, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nhìn nhận vụ việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm rất cụ thể. "Vậy đã được kiểm tra, giám sát, điều tra cụ thể như thế nào?"- ông Hạ hỏi.

Đại biểu Hạ phân tích: "Bộ trưởng nói có chuyện như thổi giá, đẩy giá lên để nâng giá trị trái phiếu, cổ phiếu, đánh võng giá trị tài sản, lợi dụng để vay ngân hàng, làm sạch bảng tài chính… Vậy đối với trường hợp này thì có hay không? Việc lũng đoạn, âm mưu lừa dối, lừa đảo để vay ngân hàng, chiếm dụng vay ngân hàng, âm mưu phá hoại nền kinh tế sao chúng ta không xử lý hình sự được? Phải xử lý thật nghiêm mới xử lý được tình trạng lũng đoạn như hiện nay chứ?”.

Hồi âm, Bộ trưởng Trần Hồng Hà lưu ý, việc này cần có thời gian. Ông cũng cho biết, hiện vụ việc ở Thủ Thiêm đã được Chính phủ giao các cơ quan có trách nhiệm làm rõ. Ở góc độ Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nghiên cứu. Còn nếu lợi dụng, trục lợi thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ.

Có ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bình luận: “Tôi không thấy có mâu thuẫn gì trong quan điểm của các đại biểu và Bộ trưởng Trần Hồng Hà”.

Theo Chủ tịch Quốc hội, “hình sự hoá” là khi vụ việc ở quan hệ hành chính hay quan hệ dân sự thì ta biến nó thành hình sự. Còn ở đây, nếu là quan hệ dân sự thì xử lý theo dân sự, là hành chính thì xử lý theo hành chính. Còn quá trình điều tra mà phát hiện sai phạm về hính sự thì xử lý theo hình sự.

Bỏ giá cao để tạo mặt bằng giá đất ảo nhằm thu lợi
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang