Công an có mặt khắp mọi mặt trận trong những ngày cam go, khốc liệt

Thứ Năm, 14/10/2021 10:08

|

(CAO) Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, CBCS Công an luôn có mặt khắp mọi mặt trận, vừa tham gia phòng chống dịch vừa đảm bảo ANTT, vừa hỗ trợ người dân từ lương thực, thực phẩm đến về quê, đi cấp cứu, Công an hiến máu cứu người…, thể hiện ý chí kiên cường và những phẩm chất tốt đẹp của người chiến sỹ CAND.

Chiều 13/10, Bộ Chỉ huy tiền phương Bộ Công an tổng kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành phía Nam. Dự Hội nghị có các đồng chí trong Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an; đại diện lãnh đạo Bộ Y tế...

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính, Bí thư Thành ủy TPHCM tham dự tại điểm cầu Bộ Chỉ huy tiền phương. Tại các điểm cầu 25 tỉnh, thành phía Nam có các đồng chí trong Ban Giám đốc, đại diện các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh, thành. 

Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng chống dịch Covid-19 các tỉnh, thành phía Nam

Từ đầu năm 2021 đến nay, đặc biệt là trong thời gian bùng phát đợt dịch thứ 4, lực lượng Công an nhân dân đã thể hiện rõ vai trò nòng cốt, quan trọng trên tuyến đầu phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Bộ Công an cũng là một trong số các cơ quan đầu tiên thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương phòng chống dịch tại phía Nam do đồng chí Thiếu tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng làm Chỉ huy trưởng, trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch của Công an các đơn vị, địa phương phía Nam.

Báo cáo kết quả tại Hội nghị nêu rõ, ngay sau khi được thành lập, Bộ Chỉ huy tiền phương Bộ Công an đã thống nhất chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế từng địa bàn.

Bộ Chỉ huy tiền phương Bộ Công an đã tham mưu đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ những vấn đề chiến lược, các giải pháp xử lý hiệu quả, ứng phó kịp thời trước diễn biến nhanh, phức tạp của dịch bệnh như chủ trương lấy xã phường làm “pháo đài” chống dịch; chủ trương tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội triển khai tại TPHCM và thực hiện đồng bộ tại các tỉnh, thành phố trong khu vực; tham mưu để các tỉnh, thành phố thực hiện ngay các khu cách ly và bệnh viện dã chiến; đẩy mạnh xử lý các thông tin độc hại trên không gian mạng về tình hình dịch bệnh Covid-19 gây hoang mang dư luận.

Bộ Chỉ huy tiền phương Bộ Công an cũng đã dự báo chính xác nhiều tình huống, điển hình như dự báo đề xuất Thủ tướng Chính phủ quản lý việc đi lại của công dân các tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị số 16 sau thời điểm ngày 3/8/2021; 18/8/2021, nhất là vào ngày 30/9/2021 khi dịch bước đầu được kiểm soát.

Trên cơ sở đó, chỉ đạo Công an các trạm, chốt đơn vị, địa phương chủ động triển khai phương án, kế hoạch tổ chức hỗ trợ người dân tự phát về quê được an toàn; chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy tiền phương 25 tỉnh, thành phố; tham mưu Ủy ban nhân dân các địa phương thành lập lực lượng liên ngành phản ứng nhanh trong truy vết, trong đó Công an là chủ công, triển khai công nghệ, kỹ thuật phối hợp với nhà mạng để kịp thời khoanh vùng, dập dịch hiệu quả; tham mưu với các Thành ủy, Tỉnh ủy thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra công tác phòng, chống dịch ở các khu công nghiệp; hình thành các tổ, đội phản ứng nhanh với dịch Covid-19…

Hoạt động của Bộ Chỉ huy tiền phương chưa có tiền lệ, không được tập huấn trước, các thành viên thuộc nhiều lực lượng khác nhau. Tuy nhiên, bằng tất cả quyết tâm, nỗ lực, quyết liệt phòng chống dịch, Bộ Chỉ huy tiền phương đã phát huy tốt vai trò, chức năng và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Dự báo tình hình từ nay đến cuối năm 2021 và trong năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam nói chung và các tỉnh, thành phía Nam nói riêng còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn.

Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Chính phủ đã quyết định công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ thực hiện theo chiến lược “thích ứng an toàn, hiệu quả, có kiểm soát”. Đây là bước ngoặt trong cuộc chiến phòng, chống dịch, sẽ đặt ra nhiều yêu cầu rất mới đối với công tác Công an trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ANTT và phòng, chống dịch bệnh.

Thời gian tới, lực lượng Công an luôn quán triệt 03 phương châm: “Phòng, chống dịch Covid-19 là trọng tâm”, “Bảo đảm ANTT, giữ vững ổn định xã hội là trọng yếu, xuyên suốt”, “Thực hiện an dân, an sinh xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là thường xuyên, then chốt” và tổ chức các mặt công tác công an trong điều kiện thích ứng an toàn kiểm soát dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Công an 25 tỉnh, thành phố phía Nam khẩn trương quán triệt, cụ thể hóa thực hiện hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, đồng thời tổ chức thực hiện nghiêm túc Thông báo, kết luận của đồng chí Bộ trưởng tại hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 vào ngày 11/12/2021.

Hội nghị tại điểm cầu Công an TPHCM

Tại hội nghị, Công an các tỉnh, thành đã báo cáo công tác phòng chống dịch tại địa phương mình. Nổi bật là Công an TPHCM, đơn vị chiến lược, trọng tâm trong phòng chống dịch bệnh vừa qua.

Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc CATP cho biết toàn Đảng, toàn quân và toàn dân TPHCM nêu cao tinh thần chống dịch như chống giặc. Công an TPHCM đã chủ động thực hiện tốt công tác nắm tình hình, nắm hộ, nắm người và giải quyết tình hình ANTT ngay tại cơ sở, triển khai các phương án đảm bảo ANTT tại các địa bàn trọng điểm và hạn chế đến mức thấp nhất các đối tượng phản động, chống đối, các đối tượng lợi dụng thiếu sót, hạn chế của chúng ta trong quá trình phòng chống Covid-19 để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời CATP đã quản lý và kiểm soát chặt chẽ an ninh mạng, tổ chức đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa các âm mưu, ý đồ phá hoại, tung tin giả, tin xấu độc, sai sự thật có liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19.

Công an TP đã điều tra, khám phá 187 vụ vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 63,4%, bắt 214 đối tượng; khởi tố 117 vụ với 132 bị can về tội mua bán trái phép chất ma túy… Tại địa bàn thành phố đã xảy ra 19 vụ cháy làm chết 02 người và bị thương 04 người, thiệt hại tài sản ước tính 19 triệu đồng, giảm 22 vụ so với cùng kỳ năm trước.

CATP cũng đã điều tra, khởi tố nhiều vụ việc phạm tội liên quan các hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, chính sách tiêm chủng vaccine phòng ngừa Covid-19, quản lý cấp phát thuốc điều trị Covid-19 trên địa bàn thành phố.

CATP phố đã tham mưu cho chính quyền địa phương và giải tán ngay từ ban đầu các vụ tụ tập đông người để khiếu nại các gói hỗ trợ an sinh cũng như việc người dân tập trung đông người tự phát về quê, không để hình thành điểm nóng, đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch bệnh.

Nổi bật trong công tác phòng ngừa lây lan dịch bệnh là CATP đã tham mưu cho thành phố khoanh vùng, bảo vệ “vùng xanh” an toàn, trong đó phát huy tinh thần tự quản, tự giác của người dân ở “vùng xanh”; thực hiện tiêm vaccine trên diện rộng theo hình thức cuốn chiếu tại khu vực “vùng xanh”. CATP thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, phát huy mọi nguồn lực, giúp đỡ các cấp, các ngành, nhân dân, đảm bảo kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh.

Ngoài ra, đã vận động, ủng hộ nhiều máy móc, thiết bị, vật tư y tế gởi đến cho các đơn vị và người dân trong và ngoài thành phố, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau trong giai đoạn khó khăn, san sẻ trách nhiệm với cộng đồng.

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến mới, CATP đã tham mưu cho lãnh đạo TPHCM nhiều công tác phòng ngừa tội phạm, giải quyết tận gốc những nguyên nhân làm phát sinh tội phạm khi xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, để phục vụ cho việc phát triển phục hồi kinh tế, xã hội, chăm lo cuộc sống của người dân...

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của lực lượng CAND, nhất là Công an TPHCM, sẵn sàng xung kích, căng mình trên tuyến đầu, thể hiện bản lĩnh chính trị, kiên định vững vàng, gương mẫu và trách nhiệm tuyệt đối.

Đồng chí Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: Ngay khi dịch bệnh bùng phát, Bộ Công an và Bộ Chỉ huy tiền phương đã có sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, thể hiện tinh thần dũng cảm, lăn xả và linh hoạt, sáng tạo trong mọi tình huống của lực lượng Công an. CBCS Công an luôn có mặt khắp mọi mặt trận, vừa tham gia phòng chống dịch vừa đảm bảo ANTT, vừa hỗ trợ người dân từ lương thực, thực phẩm đến về quê, đi cấp cứu, Công an hiến máu cứu người…, thể hiện ý chí kiên cường và những phẩm chất tốt đẹp của người chiến sỹ CAND.

Đồng chí Bí thư cho biết: Chúng ta đã trải qua những ngày tháng hết sức cam go, khốc liệt. Ngoài chống dịch, lực lượng Công an phải thử thách, đương đầu, đối diện với tất cả những vấn đề phát sinh do giãn cách xã hội. Đặc biệt là trong thời điểm vaccine và thuốc chưa có, xét nghiệm cho kết quả chậm, lực lượng Công an đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm và hơn thế nữa là lăn xả, dũng cảm, sáng tạo trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao, có mặt trong hầu khắp các lĩnh vực công tác.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng khẳng định, việc tổng kết không phải để kết thúc nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh của lực lượng Công an trên địa bàn các tỉnh, thành phố phía Nam, mà nhằm đúc rút bài học kinh nghiệm để tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương, trong đó có 25 tỉnh, thành phố phía Nam đảm bảo thực hiện mục tiêu kiểm soát tốt dịch bệnh và đưa các tỉnh, thành phố cùng cả nước vào trạng thái bình thường mới, trên cơ sở thực hiện chiến lược phòng, chống dịch bệnh mới của Đảng và Chính phủ.

Đồng chí Thứ trưởng nhấn mạnh, Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục xác định là lực lượng chủ công trong công tác khoanh vùng, cách ly, dập dịch thời gian tới; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác để có các giải pháp đón đầu, ứng phó với tình hình diễn biến sau dịch. Tiếp tục ứng dụng công nghệ vào công tác phòng, chống dịch, nhất là việc quản lý đi lại của người dân, cấp thẻ xanh cho các hoạt động trong thời điểm bình thường mới. Lực lượng Công an cơ sở tiếp tục vào cuộc để làm sạch dữ liệu về tiêm chủng nhằm tích hợp vào hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư.

Về điều hành giao thông, đồng chí Thứ trưởng quán triệt việc bảo đảm an toàn, thông suốt kết hợp chặt chẽ và hỗ trợ tích cực cho công tác phòng, chống dịch bệnh... Công an các tỉnh, thành phố phía Nam và lực lượng Công an cả nước phải tập trung để phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, buôn lậu, đặc biệt là buôn lậu các loại thuốc phòng chống dịch; làm hàng giả, đặc biệt là hàng hóa liên quan đến phòng, chống dịch, lợi dụng an sinh xã hội để chiếm đoạt tài sản.

Đồng chí Thứ trưởng đề nghị các cơ quan truyền thông trong CAND tiếp tục định hướng tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh; lan tỏa rộng hơn những hình ảnh lăn xả, hy sinh của lực lượng Công an, Quân đội trong những ngày chống dịch. Lực lượng An ninh mạng tiếp tục phối hợp với các lực lượng khác kiên quyết xử lý, không để thông tin xấu, độc lan truyền trên không gian mạng...

Dịp này, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 04 cá nhân thuộc Công an TPHCM có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố trong thời gian qua.

Bình luận (0)

Lên đầu trang