Việt Nam chuyển 6 yêu cầu dẫn độ đến cơ quan có thẩm quyền nước ngoài

Thứ Tư, 13/10/2021 11:47

|

(CAO) Một số quốc gia gửi văn bản tìm hiểu quy định pháp luật và trình tự, thủ tục thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp trực tuyến của Việt Nam.

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đã ký báo cáo gửi Quốc hội về hoạt động tương trợ tư pháp (TTTP) năm 2021.

Tại báo cáo này, ông Long cho biết, trong năm 2021, tổng số yêu cầu Uỷ thác tư pháp (UTTP) của Việt Nam gửi cho nước ngoài là 1.989 yêu cầu (tăng 10,86 % so với năm 2020). Tổng số yêu cầu UTTP có trả lời là 1.117/1.989 yêu cầu, đạt tỷ lệ 56%.

Về UTTP theo yêu cầu của Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, Việt Nam đã tiếp nhận 1.356 yêu cầu (tăng 7,4% so với năm 2020). Tổng số yêu cầu có kết quả trả lời là 548/1.356 (đạt 40,41%).

Bộ Công an tổ chức bàn giao 1 đối tượng bị yêu cầu dẫn độ cho cơ quan có thẩm quyền của Liên bang Nga. Ảnh minh hoạ

Điểm đáng lưu ý, theo ông Long, năm 2021 Bộ Tư pháp đã tiếp nhận văn bản của một số quốc gia tìm hiểu quy định pháp luật và trình tự, thủ tục thực hiện yêu cầu TTTP trực tuyến. Cụ thể, đại sứ quán các nước Hàn Quốc, Singapore, Phlippines đã có Công hàm đề nghị Việt Nam cho biết quy định pháp luật và thủ tục thực hiện thu thập chứng cứ qua cầu truyền hình.

Đối với việc thực hiện UTTP về hình sự, ông Long thông tin, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã thụ lý và giải quyết 348 hồ sơ, văn bản UTTP hình sự từ các cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam đề nghị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thực hiện (giảm 17 yêu cầu tương đương 4% so với năm 2020); đã nhận được phản hồi là 156/348 yêu cầu (44,8%). Số UTTP hình sự theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài là 102 hồ sơ, văn bản (tăng 30 yêu cầu tương đương 41,6% so với năm 2020). Hiện đã phối hợp thực hiện có kết quả là 49/102 (48%) yêu cầu.

Đề cập đến việc thực hiện yêu cầu về dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù (NĐCHHPT), Bộ trưởng Tư pháp cho hay, trong năm 2021 Bộ Công an đã lập và chuyển 6 yêu cầu dẫn độ đến các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài để yêu cầu dẫn độ về Việt Nam, trong đó có 3 yêu cầu gửi theo hiệp định song phương của Australia (1 yêu cầu), Campuchia (2 yêu cầu); 3 yêu cầu theo nguyên tắc có đi có lại Vương quốc Anh (1 yêu cầu), Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (1 yêu cầu), Canada (1 yêu cầu).

Bộ Công an cũng đã tiếp nhận và xử lý 4 yêu cầu dẫn độ của nước ngoài, trong đó có 2 yêu cầu của Liên bang Nga, 1 yêu cầu của Séc và 1 yêu cầu của Hàn Quốc.

Số liệu về chuyển giao NĐCHHPT cho thấy, trong năm 2021, Bộ Công an tiếp nhận 12 yêu cầu chuyển giao NĐCHHPT từ nước ngoài về Việt Nam, gồm 2 yêu cầu của Australia, 10 yêu cầu của Nhật Bản; đồng thời tiếp nhận 10 yêu cầu chuyển giao NĐCHHPT tại Việt Nam ra nước ngoài, trong đó có 7 phạm nhân quốc tịch Thái Lan, 1 hồ sơ phạm nhân quốc tịch Nhật Bản, 1 phạm nhân quốc tịch Hàn Quốc, 1 phạm nhân quốc tịch Australia

Đánh giá chung, Bộ trưởng Lê Thành Long nhìn nhận, trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động TTTP, các bộ, ngành đã nỗ lực khắc phục khó khăn, chủ động tham gia các diễn đàn, hội nghị quốc tế và tổ chức đàm phán trực tuyến, nhờ đó các hoạt động hợp tác quốc tế về TTTP không bị gián đoạn và vẫn đạt nhiều kết quả. Điều này thể hiện sự tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong quan hệ quốc tế.

Về thực hiện UTTP, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh trên toàn quốc, nhiều tỉnh, thành phố lớn phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài nhưng hoạt động TTTP vẫn được tổ chức thực hiện tốt, kết quả thực hiện UTTP thậm chí tăng so với năm 2020. Yêu cầu TTTP có kết quả tăng đã hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam cũng như nước ngoài để có thể giải quyết các vụ việc dân sự, hình sự được nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan.

Bình luận (0)

Lên đầu trang