(CAO) Theo Tổng cục Thống kê, từ đầu năm 2020 đến ngày 20-2, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 6,5 tỷ USD, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Mặc dù vậy, cả nước có 500 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 5 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019. Cục Đầu tư nước ngoài lý giải vốn đăng ký mới tăng mạnh là do trong 2 tháng đầu năm có dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đầu tư là 4 tỷ USD.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, nếu không tính các dự án lớn trên tỷ USD như Dự án đầu tư mới 4 tỷ USD tại Bạc Liêu năm 2020 và trường hợp góp vốn, mua cổ phần của Beerco vào Beverage năm 2019 thì tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 2 tháng đầu năm 2020 chỉ bằng 53,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Số lượt dự án đăng ký mới cũng như điều chỉnh mở rộng quy mô dự án đều giảm (97,3% và 85,8% so với cùng kỳ). Ngoài yếu tố ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết thì dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp cũng là một nguyên nhân gây ảnh hưởng đến việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án hiện có của nhà đầu tư nước ngoài.
Trong 2 tháng đầu năm, đã có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 4,12 tỷ USD, chiếm 63,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Trung Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 720,4 triệu USD, chiếm 11,1% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 425,4 triệu USD, chiếm 6,6% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản...
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 48 tỉnh, thành trên cả nước. Bạc Liêu dẫn đầu với 1 dự án lớn có vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 61,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tây Ninh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký đạt 488,3 triệu USD, chiếm 7,5% tổng vốn đầu tư. TPHCM đứng thứ 3 với 480,6 triệu USD, chiếm 7,4% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương...
Phát khẩu trang cho du khách đến TPHCM du lịch. Ảnh: Vũ Phượng
*Cũng theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2-2020 ước đạt 414,1 nghìn tỷ đồng, giảm 7,9% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 325,2 nghìn tỷ đồng, giảm 6,7% và tăng 8,2%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 44,2 nghìn tỷ đồng, giảm 13% và giảm 3,9%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 3,3 nghìn tỷ đồng, giảm 21% và giảm 6%... Tháng hai là tháng sau Tết Nguyên đán và là tháng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng không sôi động như những tháng trước.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 2 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước giảm ở hầu hết các địa phương; trong đó, Khánh Hòa giảm 24,2%; Lâm Đồng giảm 10,2%; Hà Nội giảm 8,1%; Cần Thơ giảm 5,6%; TPHCM giảm 5%... Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên người dân hạn chế đi lại và ăn uống ngoài gia đình. Việc tạm ngừng cấp visa cho khách Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến dịch vụ lưu trú, ăn uống.