Phạt nặng các hành vi xả rác bừa bãi
Để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 19 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”, đại biểu Trần Quang Thắng (quận 8) cho rằng, nếu chỉ giáo dục ý thức trong bảo vệ môi trường là chưa đủ mà cần phải có biện pháp xử lý mạnh, phạt nặng các hành vi xả rác bừa bãi để việc thực hiện đi vào nề nếp.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Vân (quận Gò Vấp) cho rằng, hiện nay tỷ lệ mảng xanh của TP còn thấp. Cần phải tăng cường các mảng xanh công cộng bằng cách tận dụng khu đất trống; cải tạo công viên nhỏ trong khu dân cư; phát triển thêm mảng xanh những đoạn đường có vỉa hè lớn, trồng cây xanh ở bờ tường các đơn vị...
Cùng với việc phát triển mảng xanh, đồng thời phải tăng cường trang bị dụng cụ phục vụ việc vui chơi cho thiếu nhi tại các mảng xanh này cũng rất quan trọng nhằm tạo ý thức cho mọi người về bảo vệ môi trường.
Cũng về vấn đề môi trường, đại biểu Nguyễn Mạnh Trí (quận Tân Phú) cho biết hiện cử tri TP lo lắng về tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng. Sở Tài nguyên - Môi trường cần kịp thời có thông tin chính thống để người dân không hoang mang.
Trước ý kiến của các đại biểu, Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường TP Cao Tung Sơn cho biết, việc quan trắc môi trường tại TP hiện được triển khai tại hơn 30 vị trí để đánh giá xác định đo nền và mức độ ô nhiễm do các tác động khác nhau. Có 19 vị trí có thể đo mức độ ô nhiễm bị tác động do giao thông. Kết quả quan trắc được Sở công bố vừa qua không phải bức tranh chung của TP mà là kết quả ô nhiễm tại các vị trí quan trắc.
Hiện Sở Tài nguyên - Môi trường đã công bố thông tin trên 48 bảng thông tin điện tử trên toàn TP. Đến năm 2020 khi vận hành chính thức 2 trạm quan trắc tự động liên tục tại quận 9 và Bình Tân việc liên tục công bố thông tin cho người dân sẽ thực hiện được.
Liên quan đến việc xử phạt hành vi xả rác bừa bãi, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên - Môi trường Trần Văn Thạch cho biết, năm 2019 toàn TP đã xử phạt hơn 4.600 trường hợp vi phạm về môi trường với số tiền phạt khoảng hơn 46,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên việc xử phạt còn khó khăn do hạn chế về lực lượng xử phạt, chưa có cơ chế “phạt nguội" và chưa cho công khai các trường hợp xử lý. Sở đã đề xuất các giải pháp cho phép các cơ quan địa phương được sử dụng các hình ảnh trích từ camera an ninh để phát hiện; ban hành quy định xử phạt hành chính đối với hành vi đổ, bỏ rác, chất thải xây dựng không đúng quy định.
Sở cũng xây dựng quy chế phối hợp cung cấp thông tin từ người dân cung cấp hành vi vi phạm;…
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong phát biểu
Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, ô nhiễm môi trường không chỉ rác thải mà còn tiếng ồn, ô nhiễm không khí. Tại TP, mỗi ngày có khoảng 9.000 tấn rác thải sinh hoạt và hiện chủ yếu xử lý bằng hình thức chôn lấp.
Nghị quyết HĐND TP cũng xác định đến năm 2020 có 20% lượng rác thải phải được đốt để phát điện. Năm 2025, tỷ lệ chôn lấp chỉ còn 20%. Hiện TP đang nghiên cứu công nghệ xử lý của Đức để thực hiện việc xử lý rác thải và hoàn toàn có thể thực hiện được.
Cũng theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, TP hiện có lượng phương tiện giao thông lớn với khoảng 800.000 xe ô tô, 8 triệu xe gắn máy, từ đó tác động rất lớn đến môi trường. TP xác định giải pháp là phải tăng cường phát triển hệ thống giao thông công cộng để tạo điều kiện cho người dân lựa chọn trong lưu thông, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.
Có biện pháp hạn chế các công trình trái phép trên đất nông nghiệp
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là tình trạng xây dựng sai phép, trái phép trên địa bàn TP vẫn diễn biến phức tạp. Đại biểu Nguyễn Trọng Trí (quận 8) băn khoăn về tình hình xây dựng sai phép, không phép gia tăng là do công tác quản lý không nghiêm nên đã xảy ra tình trạng người dân tự phân lô bán nền. Hiện việc xử lý các công trình xây dựng không phép, trái phép rất khó, vì vậy các cơ quan tham mưu cần có giải pháp tổng thể về vấn đề này.
Về các giải pháp ngăn chặn tình trạng xây dựng sai phép, trái phép, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Nguyễn Bá Thành cho biết, sắp tới Sở giao cho lực lượng Thanh tra xây dựng thuộc các quận, huyện quản lý để xuyên suốt tại địa phương từ cấp phép đến quản lý xây dựng. Sở cũng đã tham mưu cho UBND TP về việc xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp để hạn chế các công trình trái phép.
Về vấn đề trật tự xây dựng, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho rằng người dân không thể tự xây dựng được. Vì vậy, khi xét trách nhiệm, bên cạnh quy trách nhiệm chủ đầu tư tức là người dân thì cũng cần quy trách nhiệm của đơn vị thi công là thầu xây dựng. Một công trình khi thi công phải có giấy phép xây dựng. Vì thế, đơn vị thi công sẽ biết công trình nào sai phép, trái phép để không tham gia thực hiện.
Cùng với đó, cần có biện pháp xử lý, kiểm soát, đối tượng lợi dụng cho tách thửa, thu mua thực hiện dự án không có hạ tầng về điện, nước, giao thông… rồi bán cho người có thu nhập thấp. Cuối cùng nạn nhân vẫn là người dân khi bị xử phạt, bị cưỡng chế.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết TP đã có chỉ đạo những nơi xảy ra sai phạm về trật tự xây dựng sẽ tập trung chấn chỉnh trong thời gian tới. Thời gian qua, TP đã kiểm tra tại một số quận, huyện và phát hiện nhiều sai phạm. Sắp tới, UBND TP sẽ quyết liệt thực hiện Chỉ thị số 23 của Thành ủy về quản lý trật tự xây dựng.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nêu ví dụ cụ thể về 111 biệt thự ở quận 7 sai phạm về xây dựng. Sau khi thanh tra toàn bộ vụ việc, cho thấy nhiều nội dung làm không đúng. Lý do là sự phối hợp các ngành không chặt chẽ, mỗi nơi làm một khác nên để xảy ra nhiều sai sót. Sắp tới, TP sẽ có giải pháp chấn chỉnh vấn đề này. Việc xử lý là làm sao không làm tổn hại xã hội; nhưng cũng phải kiên quyết chấn chỉnh tình trạng sai phép, trái phép trong xây dựng.