Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn 2045

Thứ Hai, 02/01/2023 12:15

|

(CAO) Đến năm 2030, TPHCM trở thành TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số...

GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD vào năm 2030

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị đánh giá, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XI, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TPHCM đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực.

“TP tiếp tục là động lực, đầu tàu, dẫn dắt trong vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới” - Bộ Chính trị nhận định.

TPHCM tiếp tục là trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ...

Theo Bộ Chính trị, thành quả phát triển TPHCM thời gian qua đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước; khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của TP trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, nhìn nhận tiềm năng, lợi thế của TP chưa được khai thác hiệu quả, Nghị quyết 31 xác định rõ quan điểm xây dựng và phát triển TPHCM văn minh, hiện đại là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, nhất là Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP với phương châm: "Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước, cả nước vì Thành phố Hồ Chí Minh".

Nghị quyết ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy TPHCM phát triển nhanh, bền vững.

“TP phải tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, có sức lan toả, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và Châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu” – Nghị quyết nêu rõ.

Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phát triển văn hoá, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại…

Với quan điểm trên, Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030 TPHCM trở thành TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao. Là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP.

Tầm nhìn đến năm 2045, TPHCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của Châu Á. Là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hoá phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TPHCM và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.

Phát triển TP.Thủ Đức thành cực tăng trưởng mới

Để thực hiện mục tiêu đặt ra, Nghị quyết yêu cầu tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực.

TP Thủ Đức được xác định là một cực tăng trưởng mới

Theo đó, bên cạnh nhiệm vụ cơ cấu lại tổng thể kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao, Nghị quyết nêu rõ phát triển TP. Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng mới, là đô thị sáng tạo, tương tác cao, hạt nhân thúc đẩy kinh tế - xã hội của TPHCM.

Tập trung xây dựng TP trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại; có cơ chế, chính sách, hạ tầng kỹ thuật phù hợp để sớm xây dựng thành công Trung tâm Tài chính quốc tế TPHCM; hỗ trợ phát triển đồng bộ các thị trường; thúc đẩy kinh tế tri thức, công nghệ số trong các ngành dịch vụ như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thương mại điện tử, du lịch, văn hoá, thể thao, giáo dục, y tế chất lượng cao...

Trong thu hút đầu tư nước ngoài, Nghị quyết yêu cầu chọn lọc theo hướng ưu tiên các dự án công nghệ cao, quản trị hiện đại và có tác động lan toả, kết nối chặt chẽ với kinh tế trong nước; phát triển công nghiệp hỗ trợ kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI.

Phát huy vai trò động lực, dẫn dắt của đầu tư công, kết hợp khơi thông nguồn vốn từ khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài, các nhà tài trợ và tổ chức tài chính quốc tế. Thực hiện có hiệu quả hợp tác công - tư trong huy động nguồn vốn xã hội và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp, dịch vụ. Quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên, nhất là đất đai nhằm tạo nguồn lực đầu tư phát triển.

Vẫn trong Nghị quyết được ban hành, Bộ Chính trị nhấn mạnh đến yêu cầu nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch; phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

“Nâng cao chất lượng quy hoạch với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo không gian và động lực phát triển mới, ổn định, lâu dài cho TP” – Nghị quyết nêu.

Cùng với việc thực hiện đồng bộ các quy hoạch (quy hoạch phát triển không gian ngầm, không gian xanh, không gian sông nước, không gian văn hoá…), cần phát triển đô thị TPHCM theo hướng đa trung tâm, kết nối vùng, đô thị xanh, đô thị thông minh, phát triển hài hoà giữa nông thôn và đô thị. Tiếp tục thực hiện lộ trình di dời các cơ sở công nghiệp, trường đại học, bệnh viện theo quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành; sử dụng có hiệu quả quỹ đất sau di dời để ưu tiên xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội.

Đầu tư hoàn thiện hệ thống cấp nước, thoát nước, chống ngập, xử lý chất thải; quản lý nghiêm việc khai thác, sử dụng nước ngầm; củng cố hệ thống đê ven biển, cống ngăn triều, công trình thuỷ lợi ven sông phục vụ kiểm soát lũ, giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước và bảo đảm an ninh nguồn nước; bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

Đề cập đến kết cấu hạ tầng, Nghị quyết yêu cầu tập trung đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của TP bảo đảm tổng thể, đồng bộ và hiện đại; trong đó, chú trọng phân bổ hợp lý nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, kết hợp đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội cho các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hình thức đối tác công - tư (PPP).

Ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng năng lượng, viễn thông đồng bộ, hiện đại; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ và hệ thống đường kết nối nội vùng, liên vùng theo quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia, nhất là tuyến vành đai 3, 4, các đường cao tốc, đường sắt TPHCM - Cần Thơ, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; xúc tiến đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, mạng lưới đường sắt kết nối vùng TPHCM…

Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống giao thông công cộng có sức chở lớn, phát triển, khai thác hiệu quả mạng đường sắt đô thị, luồng tàu đường biển, đường sông, bảo đảm kết nối liên hoàn với các tỉnh Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Trong lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, Nghị quyết lưu ý nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo đảm số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế; tăng cường năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao; chủ động ứng phó hiệu quả các loại dịch bệnh; tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao phủ toàn dân theo phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm". Bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…

Trên cơ sở tổng kết, tiến hành bổ sung, sửa đổi, Bộ Chính trị yêu cầu sớm ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho TPHCM khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.

Bộ Chính trị giao Thành uỷ TPHCM khẩn trương xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị; chỉ đạo chính quyền TP phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khẩn trương xây dựng, hoàn chỉnh Đề án ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 trình Quốc hội sớm nhất.

Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo ban hành Nghị quyết của Quốc hội (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14) để cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TPHCM. Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo ban hành Chương trình hành động tổ chức thực hiện Nghị quyết; Đề án triển khai thực hiện Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị, chọn TPHCM làm thí điểm; định kỳ hằng năm và khi cần thiết làm việc với TPHCM để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển TP...

Giữ tỉ lệ điều tiết ngân sách hiện nay đến hết năm 2025

Với Nghị quyết 31, Bộ Chính trị cho phép thí điểm chính sách mang tính đột phá để TP chủ động huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển. Giữ tỉ lệ điều tiết ngân sách TP theo mức hiện nay đến hết năm 2025 và tiếp tục giữ ở mức không thấp hơn trong các năm tiếp theo, tạo điều kiện để TP có nguồn lực bổ sung cho các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược, đầu tư phát triển các dự án hạ tầng trọng điểm và nâng cao phúc lợi của người dân, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Ban hành chính sách thúc đẩy hình thành và phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế TPHCM; cho thí điểm cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ trong lĩnh vực tài chính và chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Trung tâm Tài chính quốc tế.

Xây dựng cơ chế đột phá thu hút nguồn lực đầu tư phát triển và thúc đẩy xã hội hoá trong các lĩnh vực: Y tế, giáo dục và đào tạo, văn hoá, thể thao; nâng cao hiệu quả các loại hình liên kết đầu tư trong các lĩnh vực này.

Áp dụng thí điểm việc lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đối tác công - tư để triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hoá, thể thao và khoa học - công nghệ.

Cho thực hiện cơ chế cần thiết để xử lý những dự án đầu tư, những công trình tồn đọng nhiều năm do vướng mắc về cơ chế, thủ tục.

Tiến hành sơ kết việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị, tiếp tục hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền TP tinh gọn, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; cho phép HĐND TP quyết định việc giao một số nhiệm vụ theo quy định pháp luật, thuộc chức năng của các sở, ngành chuyên môn cho UBND TP. Thủ Đức, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức trong phạm vi địa bàn TP. Thủ Đức; quyết định tổ chức bộ máy trực thuộc TP. Thủ Đức, vị trí việc làm, cơ cấu số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn dựa trên hoạt động kinh tế, quy mô dân số và đặc điểm địa bàn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang