TPHCM: Hạn chế lây lan COVID-19 diện rộng sau 7 ngày thực hiện Chỉ thị 16

Thứ Năm, 15/07/2021 18:54

|

(CAO) Việc thực hiện Chỉ thị 16 toàn TPHCM cùng với việc thúc đẩy công tác xét nghiệm tầm soát diện rộng đã phát hiện được nhiều ca dương tính, giúp hạn chế lây lan diện rộng...

Chiều 15/7, TPHCM đã diễn ra Hội nghị sơ kết 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội toàn TP theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2021.

Chủ trì tại điểm cầu Văn phòng Thành ủy TPHCM có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.

Chủ trì tại điểm cầu UBND TP có đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.

Các đại biểu tham dự cuộc họp tại điểm cầu Văn phòng Thành ủy TPHCM

Sẵn sàng cho việc ứng phó khi có 20.000 ca nhiễm

Báo cáo sơ kết 7 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn TP theo tinh thần của Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, trước diễn biến tình hình dịch bệnh, TP đã chủ động chuẩn bị và triển khai các biện pháp đồng bộ nhằm thực hiện cách ly xã hội toàn TP theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Các quận/huyện và TP Thủ Đức cũng có sự chuẩn bị và nhanh chóng triển khai theo chỉ đạo của TP, các nội dung liên quan như: kế hoạch xét nghiệm tầm soát; triển khai tiêm vaccine; kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự; đảm bảo cung cấp hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân, đồng thời tổ chức quán triệt trong hệ thống chính trị và triển khai tuyên truyền sâu rộng đến người dân thực hiện chủ trương của TP dưới nhiều hình thức.

Theo ông Dương Anh Đức, việc kịp thời thực hiện các biện pháp cách ly xã hội toàn TP cùng với việc thúc đẩy công tác xét nghiệm tầm soát diện rộng đã giúp phát hiện được nhiều ca dương tính, đồng thời xác định khoanh vùng, phong tỏa nhiều khu vực, hạn chế lây lan diện rộng.

Bên cạnh đó, đã khoanh vùng, thiết lập phong tỏa đối với 1.521 khu, chiếm 57% tổng số khu phong tỏa lũy kế từ ngày 27/4/2021 đến nay. Việc phát hiện sớm các ca dương tính có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác điều trị, cũng như khoanh vùng, dập dịch.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông về phòng chống dịch Covid-19 được quan tâm và thực hiện hiệu quả. Công tác đưa tin có nhiều sáng tạo trên báo chí và mạng xã hội để người dân nắm và thực hiện; tuyên truyền nhanh và nhanh chóng cập nhật các giải pháp khắc phục một số vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn TP, nhờ đó đã giúp các hoạt động của thành phố đi vào nền nếp.

Một trong những kết quả đạt được là cùng với công tác chỉ đạo, điều hành, TP thành lập Trung tâm Điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2. Trên cơ sở đó, 22 quận - huyện – TP Thủ Đức đã thành lập các Tổ công tác chỉ đạo xét nghiệm, có trách nhiệm điều hành toàn bộ công tác lấy mẫu, nhập liệu, xét nghiệm và trả kết quả với phương châm “Rõ - Chắc - Nghiêm - Nhanh”.

Về năng lực điều trị, đến nay, TP có thể khẳng định đã sẵn sàng cho việc ứng phó khi có 20.000 ca nhiễm Covid-19. Tổng năng lực hiện nay của TP là 39.240 giường, trong đó có 23 bệnh viện điều trị Covid-19.

Đối với các cơ sở sản xuất, ông Dương Anh Đức cho biết, TP cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất đối với các doanh nghiệp khi đảm bảo một trong hai trường hợp. Đó là doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ”: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ. Doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm”.

Trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo theo yêu cầu nêu trên thì dừng hoạt động từ 0 giờ, ngày 15/7/2021 (thứ năm) cho đến khi có chỉ đạo mới. Về số doanh nghiệp đã đăng ký tổ chức thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất tại khu chế xuất - khu công nghiệp là 216 doanh nghiệp và tổng số doanh nghiệp đã triển khai thực hiện là 205.

Nhiều hoạt động hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Thông tin về công tác hỗ trợ người lao động, người dân, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đồng chí Dương Anh Đức cho biết, các quận huyện và TP Thủ Đức đã tập trung rà soát, lập danh sách các đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND của HĐND TP. Đến nay đã giải ngân chi hỗ trợ được 310,2 tỉ đồng cho 206.795 người, đạt 35%.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã chủ động vận động các mạnh thường quân, các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp chăm lo cho các đối tượng khó khăn với tổng kinh phí trên 123,4 tỉ đồng, bao gồm tiền mặt và hàng hóa, nhu yếu phẩm.

Một số địa phương có mức vận động khá như quận Bình Tân vận động được trên 29,3 tỉ đồng, quận Bình Thạnh vận động được 11,9 tỉ đồng, TP Thủ Đức 11,9 tỉ đồng,…

Ủy ban MTTQ Việt Nam TP và các tổ chức đoàn thể đã tích cực vận động các nguồn hỗ trợ (bằng vật phẩm và hiện kim) từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn và các tỉnh, thành trong cả nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chung tay hỗ trợ cho TP và tổ chức nhiều hoạt động để hỗ trợ chăm lo đời sống cho người dân nghèo, khó khăn trên địa bàn TP.

Đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã tiếp nhận số tiền hơn 996 tỷ 524 triệu đồng; trong đó, đã phân phối tiền và hàng hóa, trang thiết bị trị giá 869 tỷ 208 triệu đồng.

Để hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu cho người yếu thế, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ - Ban Vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM đã chi số tiền 3,9 tỷ đồng để hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu (300.000 đồng/phần) cho người yếu thế, hộ khó khăn trên địa bàn TP.

Riêng đối với việc đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, đã tổ chức khảo sát, đánh giá, đảm bảo điều kiện cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân và công bố 2.833 điểm bán được phân bổ rộng khắp trên địa bàn 22 quận/huyện, TP Thủ Đức gồm 106 siêu thị, 2.616 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, 111 chợ truyền thống đủ điều kiện an toàn và 28.700 cửa hàng bách hóa.

Đồng thời, triển khai đến các hệ thống phân phối về phương châm “tiêu thụ đến đâu, lấp đầy đến đó” nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trong đó, đã yêu cầu các hệ thống phân phối nâng cao năng lực dự trữ và bán hàng với 5.000 tấn thực phẩm tươi sống, 6.000 tấn rau củ quả hàng ngày, đảm bảo đáp ứng nhu cầu lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Bên đó, các đơn vị đã tổ chức Chương trình “Chợ nghĩa tình”; “Siêu thị 0 đồng” nhằm giúp người dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ, cung cấp các nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ sinh hoạt hàng ngày...

Về vấn đề giao thông, TP đã cấp giấy ưu tiên phương tiện có mã QR – tạo luồng xanh cho các xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu (từ TP đi các tỉnh, xe quá cảnh qua địa bàn TP) với số lượng hơn 28.500 xe cho gần 50 đơn vị, góp phần đảm bảo vận chuyển lưu thông hàng hóa thuận lợi. Mật độ giao thông trên toàn địa bàn TPHCMC giảm khoảng 70% - 80% so với thời điểm chưa thực hiện Chỉ thị 10 của UBND TP.

Đối với công tác kiểm tra, giám sát, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện đã thành lập 969 đoàn kiểm tra; xử phạt 3.991 vụ với tổng số tiền 8 tỷ đồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang