Báo cáo kết quả tình hình kinh tế xã hội quý I năm 2022, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, năm 2021 khởi động với nhiều tín hiệu tốt, công tác phòng chống, kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả, tạo đà tâm lý và tin tưởng của người dân và doanh nghiệp (DN). Tình hình phục hồi và phát triển kinh tế TPHCM có bước khởi sắc với nhiều điểm sáng. Hầu hết các DN, hộ kinh doanh đã trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán, bảo đảm tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch, hướng dẫn của Bộ Y tế. Tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, số DN trở lại hoạt động đạt tỷ lệ cao, Khu công nghệ cao đạt 100%, ngoài Khu công nghiệp đạt trên 90%.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Linh Nhi
Các lĩnh vực kinh tế TP đều có mức tăng trưởng khá, nhất là từ tháng 3 cho thấy các giải pháp chỉ đạo, điều hành của TP đã đem lại kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn TP (GRDP) quý 1 năm 2022 ước tăng 1,88% so với cùng kỳ, từ mức giảm sâu ở quý III và quý IV năm 2021 lần lượt là -24,97% và -11,64%, đến nay kinh tế TP đã đạt mức tăng trưởng dương, tín hiệu này cho thấy TP đang phục hồi nhanh, sớm hơn kỳ vọng.
Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện ước đạt 121.037 tỷ đồng, đạt 31,31% dự toán, tăng 9,41% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 11,9 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2,2%); tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 17,4 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 17,7%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của TP ước tăng 1,04% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 3,8%). Giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của Khu công nghệ cao ước đạt 5,147 tỷ USD, tăng 2,26% so với cùng kỳ.
Bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 5,39% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,5%). Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 3.182 tỷ đồng, tăng 1,24% so với cuối năm 2021.
Bên cạnh những mặt tích cực, một số chỉ tiêu mặc dù được cải thiện nhưng chưa đạt yêu cầu; tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 3 tháng đầu năm ước giảm 4,8% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,2%) cho thấy sức mua của người tiêu dùng chưa phục hồi hoàn toàn; Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 1,51%, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ (năm 2021 chỉ tăng 0,84%); tổng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) thu hút ước giảm khoảng 40,09% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, TP còn đang đối diện các thách thức tồn tại qua như: Dịch bệnh tăng do chủng Omicron còn diễn biến phức tạp, yêu cầu cần có giám sát kỹ và có chủ trương, biện pháp phù hợp; Xung đột vũ trang Nga - Ukraina kéo theo một số yếu tố bất lợi về tăng giá xăng dầu dẫn đến nguy cơ tăng giá các mặt hàng, gây khó khăn cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội TP...
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Linh Nhi
Trước tình hình này, nhiều giải pháp của Trung ương và TP được triển khai đồng bộ và kịp thời, giá cả được kiểm soát tốt cùng với nguồn cung hàng hóa bình ổn được cung ứng đầy đủ ra thị trường. Ngoài ra, giá bán nhiều hàng hóa, dịch vụ được điều chỉnh giảm do tác động giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% từ ngày 1/2/2022 theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, từ đó góp phần giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá.
Một số dự án, công trình, sự kiện trọng tâm của TP thực hiện trong quý II là tổ chức diễn đàn kinh tế TP lần thứ 3 năm 2022 với Chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TPHCM trong tương lai”; Hội nghị xúc tiến đầu tư vào khu vực 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi; Khánh thành và đưa vào sử dụng cầu Thủ Thiêm 2; Hội nghị sơ kết, tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM với các tỉnh, thành phố; Hội nghị về công tác giải phóng mặt bằng và triển khai Kế hoạch giải phóng mặt bằng Đường Vành đai 3…
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh trải qua một năm với thử thách quá lớn, thì những kết quả của quý I cưc kỳ quan trọng. Giá trị tăng trưởng quý I-2022, từ những số liệu chứng minh cho sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. “Thành ủy trân trọng và đánh giá cao sự điều hành của Chính quyền, đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, HĐND, phát huy được sức mạnh tổng hợp.” - đồng chí Nguyễn Văn Nên nhìn nhận.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Linh Nhi
Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, với một sự khởi đầu thuận lợi rất phấn khởi, vẫn không nên quá lạc quan vì hiện nay vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thử thách mà TP phải đối mặt. Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên phân tích thêm một số thử thách mà TP phải đối mặt trong năm 2022, đó là nền kinh tế của đất nước hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu, cho nên TP rất nhạy cảm khi trực tiếp và gián tiếp tác động lên tình hình chung toàn cầu rất khó lường. Trước hết là tình hình xung đột hết sức phức tạp; dịch có nguy cơ bùng lại, có dấu hiệu cảnh báo đe dọa toàn cầu, áp lực tăng giá…
Do vậy, đồng chí Nguyễn Văn Nên lưu ý trước tình hình này, TP vẫn tiếp tục bám vào chiến lược y tế triển khai linh hoạt thích ứng an toàn, tiếp tục tập trung rà soát triển khai tiêm vaccine; tổ chức tiêm vaccine cho nhóm có nguy cơ cao, tiếp tục vận động để người dân tiếp cận tham gia tiêm vaccine, chuẩn bị tiêm cho nhóm trẻ, chú ý nhóm có nguy cơ bệnh nền, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho y tế. Cố gắng ban hành chính sách bảo đảm cho lực lượng y tế yên tâm bám vị trí, địa bàn, nhiệm vụ, thực hiện sứ mệnh được giao. Chính sách bảo đảm đồng bộ, hài hòa; Chuẩn bị kỹ chiến dịch tiêm chủng cho trẻ từ 5 - 12 tuổi; nhanh chóng mở lại các hoạt động văn hóa xã hội; dạy học thực sự có chất lượng, tránh tiêu cực.
Về lĩnh vực kinh tế, đồng chí Nguyễn Văn Nên lưu ý, việc triển khai xúc tiến nhanh, triển khai đồng bộ Nghị quyết Chính phủ, kiểm soát giá cả, lĩnh vực thương mại, dịch vụ, bình ổn giá, duy trì xuất khẩu, nâng cao công tác dự báo, cập nhật thường xuyên. Bên cạnh đó, cần quan tâm đẩy nhanh phục hồi du lịch, lấy du lịch nội địa làm nền tảng để thu hút du khách trong và ngoài nước.
Đồng thời, xúc tiến và tiến hành ngay để sớm tháo gỡ khó khăn trong thực hiện dự án Vành đai 2, 3, 4 sớm kết thúc dự án chống ngập đưa vào sử dụng, bảo đảm chất lượng quy trình, đúng pháp luật. Một vấn đề quan trọng là đẩy nhanh tiến độ xây dựng vấn đề nhà ở như: nhà ở xã hội, nhà cho công nhân, nhà ven kênh rạch,…; tập trung cải cách hành chính, chuyển đổi số, chuẩn bị tổng kết nghị quyết 16 và Nghị quyết 54 của Quốc hội; có kế hoạch làm việc với các tỉnh trong vùng để tạo liên kết phát triển vùng…