TPHCM: Chủ động kiến tạo nền tảng phục hồi và phát triển bền vững

Chủ Nhật, 02/01/2022 08:46

|

(CAO) Nhân dịp đầu năm mới 2022, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM có bài viết về vấn đề phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội TPHCM trong năm 2022. Báo Công an TPHCM trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Chủ tịch UBND TP.

Ở thời khắc này, chúng ta vừa bước sang năm mới 2022. Một năm mới, một khởi đầu mới mở ra với hành trình song song vừa thích ứng với dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Trong hành trình hiện thực hóa khát vọng phục hồi và phát triển TPHCM, cùng với sự chung lưng đấu cật của người dân, chính quyền thành phố sẽ chủ động kiến tạo các giải pháp đột phá để phục vụ người dân và doanh nghiệp.
 

Phục hồi kinh tế theo hình chữ V

Năm 2022, TPHCM xác định chủ đề là năm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Với chủ đề này, thành phố xác định kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 là điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời tiếp tục phát huy kết quả thực hiện chủ đề năm 2021 thông qua việc nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư nhằm khơi thông và phát huy nguồn lực xã hội để phát triển thành phố. Năm nay, TPHCM đề ra 19 chỉ tiêu, trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) đạt 6%-6,5%; tạo việc làm mới cho 140.000 lao động...

 Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM

Có thể nói, việc đưa tốc độ tăng trưởng từ âm 6,78% vào năm 2021 lên 6%-6,5% vào năm 2022, chỉ sau 1 năm là nhiệm vụ rất khó khăn. Bởi trước đó, năm 2021, chúng ta đã đi qua những ngày tháng khắc nghiệt nhất của làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ 4 với sức tàn phá chưa từng có. Lần đầu tiên, tăng trưởng kinh tế âm 6,78%, mức suy giảm tăng trưởng kinh tế chưa từng xảy ra trong 35 năm qua trên địa bàn thành phố.

Song, trong những ngày tháng khắc nghiệt nhất của đại dịch, điều vô cùng ý nghĩa là thành phố vẫn gìn giữ được những nền tảng giá trị, những điểm sáng quý báu. Một số ngành, lĩnh vực duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; kim ngạch xuất khẩu ước tăng 2,8% so với cùng kỳ. Đầu tư trực tiếp nước ngoài ước tăng 11%-15%, đạt khoảng 5,8-6 tỷ USD. Tổng thu ngân sách nhà nước trong năm 2021 ước đạt 381.531 tỷ đồng, đạt 104,56% dự toán năm. TPHCM cũng có thêm nguồn lực từ sự chia sẻ của Trung ương khi thông qua tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho thành phố năm 2022 là 21% (tăng 3% so với tỷ lệ của 5 năm trước đó).

"Trong hành trình của TPHCM, chỉ một mình Đảng bộ, chính quyền, người dân TPHCM cũng không thể “đơn thương độc mã” giành được thành quả như mong muốn, mà yếu tố quan trọng là sự quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ với các chính sách, quy định và cơ chế giúp cho thành phố có điều kiện phát huy tối đa nguồn lực của mình. TPHCM mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ quan trọng đó trong công cuộc khôi phục và phát triển thành phố".

Quan trọng nhất là niềm tin, sức sáng tạo và khao khát vươn lên trong mỗi cán bộ, mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp không mất đi mà càng được trui rèn mạnh mẽ hơn qua cơn biến động Covid-19. Trong đại dịch, thành phố có sự tiến bộ, phát triển vượt bậc về ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch, giải quyết hồ sơ trực tuyến. Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng kinh tế số, phát triển thương mại điện tử. Nhiều người dân đã tạo lập tâm thế mới, thói quen mới thích ứng với Covid-19, biết ứng dụng công nghệ nhanh nhạy hơn để phục vụ cuộc sống, công việc, làm giấy tờ, thủ tục trực tuyến... Đặc biệt là cốt cách của con người TPHCM càng tỏa sáng, tình thương yêu trong mỗi con người được rộng mở hơn khi chúng ta đã trải qua và thấu hiểu với niềm đau của đồng bào. Qua bão táp Covid-19, khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng được thắt chặt, mối tương tác giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân càng được củng cố. Đó là những giá trị hữu hình và vô hình rất lớn lao, là cơ sở nền tảng cho TPHCM phục hồi và phát triển.

Sức mạnh nội tại đó của TPHCM nếu có môi trường kinh doanh thuận lợi, cộng hưởng với sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của Trung ương, thì việc phục hồi kinh tế thành phố bật lên theo chữ V là điều hoàn toàn có thể. Đây cũng là quyết tâm chính trị đưa TPHCM giữ vững vị trí, vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước.

Tháo mở nguồn lực, đổi mới quản trị

Thực tiễn cho thấy, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nổi lên 3 vấn đề lớn mà TPHCM cần đặc biệt quan tâm. Đó là quản trị thành phố trong tình hình mới; việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông dữ liệu trong hoạt động, vận hành công tác quản trị thành phố; đổi mới công tác quản trị, tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng trong tương lai. Do đó, chặng đường phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội phía trước cần hệ thống các giải pháp đồng bộ và khả thi với tầm nhìn dài hạn.

Ngay trong năm nay, 3 chân kiềng: kiểm soát tình hình dịch, phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội được tiến hành đồng thời và hài hòa. Các nhiệm vụ trong năm 2022 cũng nằm trong tổng thể Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2022-2025, được thiết kế với các giải pháp cấp bách và trọng tâm để khôi phục những đứt gãy, vực dậy kinh tế - xã hội. Quyết tâm và khát khao hiện thực hóa công cuộc phục hồi và phát triển thể hiện qua việc dù đối diện với nhiều khó khăn, TPHCM vẫn không điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI.

Hiện nay, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là sự xuất hiện của biến thể mới Omicron. Sự bất định và khó lường của dịch bệnh càng đòi hỏi chúng ta chuẩn bị tâm thế thích ứng và tránh 2 thái cực - không lơ là chủ quan, cũng không hoang mang sợ hãi. Bản thân mỗi người cần chủ động tuân thủ các quy định phòng chống dịch để bảo vệ bản thân, bảo vệ thân nhân và góp phần bảo vệ cộng đồng. Nhằm bảo vệ sức khỏe và sinh mạng người dân, TPHCM tiếp tục tập trung kiểm soát tình hình dịch bệnh thông qua vận hành hiệu quả hệ thống giám sát, cảnh báo dịch; củng cố hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Thành phố cũng tiếp tục bao phủ vaccine, thực hiện chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ...

Trong nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, TPHCM tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố; hoàn thành Đề án phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức và Đề án cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Thủ Đức. Trong năm 2022, khi tiến hành tổng kết Nghị quyết 54 của Quốc hội, lãnh đạo thành phố sẽ phân tích và lắng nghe thật kỹ lưỡng mặt được và khá nhiều mặt chưa đạt - thậm chí để lại băn khoăn, nút thắt chưa gỡ được trong tâm trạng và chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức ở TP Thủ Đức trong quá trình sắp xếp, bố trí lại bộ máy tổ chức và công tác cán bộ. Từ đúc kết này, thành phố sẽ lựa chọn giải pháp, bước đi cẩn trọng khi triển khai Đề án chuyển một số huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TPHCM giai đoạn 2021-2030. 

Để kinh tế - xã hội phục hồi và phát triển, điểm quan trọng là TPHCM phải tháo mở và hội tụ được các nguồn lực phát triển. Trong năm 2022, TPHCM thúc đẩy đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm, tạo ra sự lan tỏa, thu hút đầu tư xã hội. Đồng thời cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ vướng mắc ở các dự án đầu tư tư nhân, huy động nguồn lực xã hội vào công cuộc phục hồi kinh tế. Gần 2 năm vượt dịch ở các cấp độ khác nhau, người dân và doanh nghiệp gặp muôn vàn khó khăn. Chính quyền thành phố thấu hiểu rằng, lúc này các doanh nghiệp rất cần sự đồng hành hỗ trợ thiết thực, phù hợp, và quan trọng hơn nữa là chính sách mở, tạo động lực, thúc đẩy sự hồi phục, phát triển thực chất cho các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM. Vì thế, thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ về tín dụng; tổ chức lại sản xuất kinh doanh; gia nhập và mở rộng thị trường; tái cấu trúc lại doanh nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi số. Đồng thời thường xuyên trao đổi, tiếp nhận ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh chóng ổn định trở lại.

Con người vì con người

Đối với một trung tâm kinh tế năng động như TPHCM, sự quyết tâm xóa các điểm nghẽn về thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, cản trở sự phục hồi tự nhiên của thị trường, chính là giải pháp có ý nghĩa thiết thực giúp tháo mở nguồn lực từ trong cộng đồng, thúc đẩy cho sự phát triển.

Chính quyền TPHCM, các sở, ban, ngành, TP Thủ Đức cùng các quận huyện sẽ thúc đẩy một bước phát triển nhảy vọt về ý thức, thái độ trong cách tương tác, thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình. Trong năm 2022 phải có sự chuyển biến thực sự về công vụ, chuyển từ nền hành chính “nặng về mục tiêu quản lý” sang nền hành chính phục vụ, cung cấp dịch vụ hành chính công là trách nhiệm của bộ máy hành chính các cấp. Chính quyền cũng thi đua với cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, chính quyền nỗ lực kiến tạo các giải pháp, cầu thị, lắng nghe và tập trung hành động kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và phục vụ tốt hơn. Thành phố mong muốn cộng đồng doanh nghiệp thi đua với chính quyền để tiếp nối tinh thần sáng tạo, tái cấu trúc, chuyển đổi số mạnh mẽ.

Toàn bộ cán bộ, công chức TPHCM sẽ làm việc với tất cả danh dự, với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, phục vụ, hỗ trợ tốt nhất trong khuôn khổ pháp luật cho phép để chính quyền - doanh nghiệp - người dân cùng nhau vượt qua khó khăn, hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra là phát triển TPHCM đàng hoàng hơn, góp phần tạo dựng cuộc sống tử tế và tốt đẹp hơn. Một trong những điểm mấu chốt nhất của sự phục hồi kinh tế TPHCM chính là chăm lo đời sống người dân. Mọi sự phát triển ở siêu đô thị như TPHCM đều hướng tới mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Thành phố cũng xác định rõ yếu tố con người, nguồn nhân lực là động lực chính thúc đẩy sức bật của kinh tế trong năm 2022 và có lộ trình rõ ràng nhằm thu hút người lao động trở lại, đảm bảo chăm lo đời sống, sức khỏe, an toàn và nơi ăn chốn ở cho người lao động. Trong đó chú trọng phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ để phục vụ đời sống người dân; phát triển nhà ở, xây dựng nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp, nhà thay thế nhà trên và ven kênh rạch, cải tạo chung cư cũ.

TPHCM cũng tiếp tục thực hiện giảm nghèo đa chiều, củng cố lưới an sinh xã hội làm “bà đỡ” cho người dân yếu thế trước các biến động nếu xảy ra; chăm lo cho người già neo đơn, trẻ em mồ côi vì dịch Covid-19; chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân sau dịch bệnh; chăm lo Tết Nguyên đán 2022... Cùng với đó là củng cố nội lực, phát huy sức mạnh của cộng đồng kết hợp với nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước để gia tăng năng lực ứng phó trước các biến cố bất định. Đối với thành phố, bài toán tăng trưởng cao đang rất “hóc búa” và lời giải hay nhất chính ở yếu tố con người. Sự đột phá nằm trong chính sức sáng tạo và năng lực kiến tạo của từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cùng toàn bộ người dân, doanh nhân TPHCM. Với truyền thống năng động, sáng tạo vốn có của thành phố, với lực lượng doanh nghiệp chiếm gần 40% cả nước, với hạ tầng kinh tế sẵn có của một trung tâm kinh tế lớn, nếu tiếp tục có được sự đồng thuận của người dân và sự nỗ lực cao nhất của cả hệ thống chính trị, thì chắc chắn kinh tế - xã hội TPHCM sẽ phục hồi, phát triển với một vị thế mới.

Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM

Bình luận (0)

Lên đầu trang