Thông qua tổ chức bộ máy Sở An toàn thực phẩm TPHCM
Cụ thể, 9 nghị quyết, gồm: quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Sở An toàn thực phẩm TPHCM; quy định về tuyển dụng và chính sách đãi ngộ đối với công chức, viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị TP; quy định trình tự, thủ tục việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất trước khi nhà nước có thẩm quyền ban hành thông báo thu hồi đất để thực hiện một số dự án trên địa bàn TP;…
Các đại biểu đã
biểu quyết thông qua các tờ trình của UBND TPHCM
Đối với Nghị quyết về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đối với các lĩnh vực TP có nhu cầu thu hút. Theo quyết nghị, đối tượng áp dụng ngoài các sở, ngành thuộc UBND TP, cơ quan hành chính Nhà nước từ cấp huyện trở lên thuộc phạm vi quản lý của UBND TP; đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP; các tổng công ty, công ty, tổ chức kinh tế và các tổ chức khác thuộc phạm vi quản lý của UBND TP; chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt được thu hút để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn phục vụ mục tiêu xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TP thuộc các lĩnh vực.
Các lĩnh vực TPHCM muốn thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt như: Công nghệ thông tin, xây dựng đô thị thông minh; công nghiệp hỗ trợ; dịch vụ vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng - hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu; lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển do Thủ tướng Chính phủ ban hành; nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, tế bào gốc; xây dựng và tổ chức quản lý, vận hành trung tâm tài chính của TPHCM; xây dựng và quản lý hạ tầng hiện đại; vật liệu mới, năng lượng tái tạo, sản xuất linh kiện điện tử cao cấp, công nghiệp vi mạch; công nghệ số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, khoa học tính toán; văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, khoa học xã hội và nhân văn; xây dựng, hoạch định chính sách công và quản lý nhà nước; dịch vụ công (giáo dục và y tế); các lĩnh vực thu hút khác do HĐND TP quyết định theo thẩm quyền.
Về thu nhập, mức hỗ trợ ban đầu tối đa 100 triệu đồng (chỉ áp dụng một lần). Nâng mức thu nhập hằng tháng lên cao hơn từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng/người/tháng (theo Nghị quyết 20 của HĐND TP trước đây là từ 30 triệu - 50 triệu đồng). Mức thu nhập khuyến khích nghiên cứu khoa học phát huy năng lực trí tuệ cá nhân được hưởng là 5% kinh phí ngân sách TP chi cho công trình, sản phẩm khoa học nhưng không thấp hơn 50 triệu đồng và không vượt quá 1 tỷ đồng.
Đối với các đề tài, đề án, công trình thực hiện theo nhóm, tổng mức thu nhập khuyến khích là 5%, không thấp hơn 30 triệu đồng/người/công trình và tổng mức khuyến khích dành cho cả nhóm không quá 2 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, TPHCM hỗ trợ 50% tiền thuê nhà ở hàng tháng với mức tối đa 7 triệu đồng/người/tháng.
Dự kiến tổng kinh phí thu hút một chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt khoảng 1,484 tỷ đồng/người/năm. Trường hợp mỗi cá nhân có 1 công trình/năm và tổng ngân sách chi cho công trình là 2 tỷ đồng, cá nhân được hưởng 5%, tức tương đương 100 triệu đồng.
Bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện điều chỉnh tiền lương
Các đại biểu cũng thống nhất thông qua Nghị quyết quy định tỷ lệ trích nguồn thu được để lại để tạo nguồn cải cách tiền lương đối với các đơn vị có số thu lớn do TPHCM quản lý.
Theo quyết nghị, đối tượng áp dụng các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên thực hiện chi trả chính sách theo Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND của HĐND TP về Quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP (viết tắt là Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND).
Về tỷ lệ trích nguồn thu được để lại để tạo nguồn cải cách tiền lương, các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đồng thời tự bảo đảm chi thường xuyên thực hiện trích 40% số thu được để lại theo chế độ (trừ các đơn vị sự thuộc lĩnh vực y tế) để tạo nguồn cải cách tiền lương thực hiện điều chỉnh tiền lương theo lộ trình do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, các nội dung chi phải sử dụng từ nguồn cải cách tiền lương theo quy định pháp luật hiện hành và chi thu nhập tăng thêm theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND.
Ngân sách nhà nước bố trí phần chênh lệch thiếu để chi thu nhập tăng thêm theo cơ chế đặc thù từ nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi các đơn vị đã thực hiện trích 40% số thu được để lại theo chế độ cộng với các nguồn cải cách tiền lương khác theo quy định để thực hiện điều chỉnh tiền lương theo lộ trình do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, các nội dung chi phải sử dụng từ nguồn cải cách tiền lương theo quy định pháp luật hiện hành và chi thu nhập tăng thêm theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND.
Theo quyết nghị, trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện điều chỉnh tiền lương theo lộ trình do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, các nội dung chi phải sử dụng từ nguồn cải cách tiền lương theo quy định pháp luật hiện hành và chi thu nhập tăng thêm theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND, không đề xuất ngân sách nhà nước cấp để thực hiện chi thu nhập tăng thêm theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND trong suốt thời gian thực hiện cơ chế đặc thù thì đơn vị được quyết định tỷ lệ trích nguồn thu được để lại để tạo nguồn cải cách tiền lương theo nhu cầu của đơn vị.
HĐND TP giao UBND TP tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này; tiếp tục khảo sát, lấy ý kiến của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế để xác định đơn vị thuộc phạm vi quản lý có số thu lớn, từ đó quy định tỷ lệ trích nguồn thu được để lại để tạo nguồn cải cách tiền lương cho phù hợp theo quy định tại Nghị quyết số 98/2023/QH15. Nghị quyết này được thực hiện cho đến khi Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM hết hiệu lực thi hành.
Tại kỳ họp, các đại biểu cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết về quy định tiêu chí, tiêu chuẩn, lộ trình chuyển đổi đối với công nghệ được chuyển đổi và điều kiện, định mức, đơn giá, giá đặt hàng liên quan đến khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được đặt hàng bổ sung đối với các nhà đầu tư dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt chuyển đổi công nghệ hiện hữu sang công nghệ có thu hồi năng lượng; Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND của HĐND TP về quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho từng cấp ngân sách thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2022 - 2025 và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách năm 2022 ở TPHCM; quy định việc sử dụng ngân sách TP hỗ trợ địa phương khác trong nước, hỗ trợ địa phương tại quốc gia khác và Nghị quyết ban hành danh mục dự án để kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa.