Nhiều giải pháp được đề xuất nhằm gỡ khó cho PCCC nhà cao tầng, khu công nghiệp

Thứ Năm, 07/12/2023 21:48

|

(CAO) Chiều 07/12, Ban Chuyên đề Công an TPHCM phối hợp Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TPHCM với sự đồng hành của Tập đoàn Hoa Sen tổ chức Chương trình tọa đàm “Phòng cháy, chữa cháy nhà cao tầng, khu công nghiệp”. Buổi Tọa đàm diễn ra tại Hội trường Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (số 258 đường Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1).

Tại tọa đàm, đại biểu khách mời đã trình bày các tham luận, tập trung thảo luận, nêu bật những khó khăn, vướng mắc, đồng thời đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị các giải pháp khắc phục mang tính khả thi cao, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác PCCC và CNCH trong thời gian tới.

 Thượng tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Công an TPHCM cùng Đại tá Bùi Ngọc Giáp, Trưởng Ban Chuyên đề Công an TPHCM tặng hoa cảm ơn các khách mời

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an cho biết, Bộ Công an đã hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và Nghị định số 83/2017/NĐ-CP, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo sự thông thoáng, nhanh chóng đối với hồ sơ về PCCC, như: Bỏ thủ tục chấp thuận địa điểm xây dựng, góp ý thiết kế cơ sở trong thẩm duyệt thiết kế về PCCC, chỉ thực hiện thẩm duyệt 1 bước đối với hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công; Cắt giảm các giấy tờ do cơ quan Công an ban hành trong hồ sơ đề nghị thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC như các giấy chứng nhận thẩm duyệt, văn bản thẩm duyệt, bản vẽ được đóng dấu thẩm duyệt thiết kế về PCCC và các văn bản trả lời trước đây của cơ quan Cảnh sát PCCC; các Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện PCCC; các Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC của đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát về PCCC; Cắt giảm giấy tờ đối với trường hợp thẩm duyệt điều chỉnh, cải tạo...

 
 Đại tá, PGS.TS Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH phát biểu

Đại tá Nguyễn Minh Khương cũng cho biết thêm, phần lớn những khó khăn vướng mắc về PCCC tập trung vào loại hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, cơ sở lưu trú, cơ sở sản xuất công nghiệp... Ngoài ra, hiện tại vẫn còn hơn 22.000 trong tổng số hơn 38.000 công trình, dự án, cơ sở có khó khăn, vướng mắc, vi phạm về PCCC chưa được khắc phục (chiếm đến 59,3%), các vi phạm chủ yếu liên quan đến giải pháp về kiến trúc, quy hoạch không gian của công trình hiện hữu nên rất khó khắc phục.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban kiểm tra Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam, trong nội dung tham luận của mình, đã đưa ra nhiều giải pháp khắc phục các vướng mắc, nâng cao hiệu quả trong công tác PCCC. Trên cơ sở các ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp tới Hiệp hội về việc các quy định pháp luật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới được ban hành, bổ sung sửa đổi trong lĩnh vực PCCC trong thời gian áp dụng thực tiễn vừa qua đã phát sinh nhiều khó khăn, bất cập, làm gia tăng nhiều về thời gian, chi phí và tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, Hiệp hội PCCC và CNCH Việt Nam đề xuất một số giải pháp như: Với các tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam (TCVN) đã cũ và không còn phù hợp với yêu cầu bảo đảm an toàn PCCC trong tình hình hiện nay, cần loại bỏ những nội dung không còn phù hợp và khuyến khích áp dụng các TCVN mới. Đối với các loại hình cơ sở mới hình thành chưa có quy định cụ thể về phòng cháy, cần thiết lập các quy định mới để bảo đảm an toàn cho người dân và tài sản.

 Ông Nguyễn Văn Hùng, đại diện Hiệp hội PCCC & CNCH Việt Nam phát biểu

Bên cạnh đó, cần thống nhất toàn quốc nội dung cũng như quy trình thủ tục áp dụng tiêu chuẩn quốc tế với những trường hợp phù hợp. Điều này sẽ giúp cho việc áp dụng các tiêu chuẩn mới được thực hiện một cách nhanh chóng và hiệu quả. Phân cấp, phân quyền và trách nhiệm việc áp dụng các quy định của các Bộ, ngành khác để thực hiện việc thẩm duyệt thiết kế PCCC rõ ràng hơn. Điều này sẽ giúp tránh dẫn đến tình trạng khó khăn, bất cập và phải xin ý kiến các đơn vị chủ trì xây dựng quy định này, gây chồng chéo, rườm rà về thủ tục, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, cần tăng cường xã hội hóa công tác PCCC.

Các đồng chí lãnh đạo và khách mời chủ tọa buổi tọa đàm

Với tinh thần đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp trong công tác PCCC và CNCH, Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an TPHCM (PC07) cho biết, đầu năm 2023, trên địa bàn TPHCM có khoảng 629 công trình xây mới, cải tạo thiết kế chưa đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC để cấp giấy thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Căn cứ các quy định, Phòng PC07 khẩn trương triển khai tổ chức các buổi hội nghị, đối thoại nhằm nhanh chóng hướng dẫn đến chủ đầu tư, doanh nghiệp cũng như các đơn vị thiết kế về PCCC các nội dung giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan công tác PCCC.

 Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH Công an TPHCM phát biểu tham luận

Ngoài ra, Phòng PC07 chủ động liên hệ, hướng dẫn trực tiếp chủ đầu tư, đơn vị thiết kế về các nội dung vướng mắc, tồn tại liên quan đến hồ sơ công trình. Đến ngày 15/7/2023, số lượng công trình nêu trên còn 370 công trình (giảm 259 công trình). Các công trình đã được tổ chức nghiệm thu về PCCC nhưng chưa đủ điều kiện cấp văn bản nghiệm thu tổng cộng có 95 công trình. Phòng PC07 đã xây dựng và tiến hành khảo sát thực tế và có biên bản làm việc, hướng dẫn trực tiếp cho chủ đầu tư đối với 95/95 công trình, đến nay số lượng công trình nêu trên còn 55 (giảm 40/95) công trình. Qua công tác kiểm tra, hướng dẫn an toàn PCCC, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã hướng dẫn 568 cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC khắc phục các tồn tại…

Tham luận với chủ đề “Những phương pháp, công nghệ mới trong PCCC và CNCH”, Đại tá, PGS.TS Lê Quang Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC cho biết, là cơ sở duy nhất được giao nhiệm vụ giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực PCCC và CNCH, Trường Đại học PCCC nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, đặc biệt là trong nghiên cứu khoa học với những phương pháp, công nghệ mới trong PCCC và CNCH nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

 Đại tá, PGS.TS Lê Quang Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC phát biểu

Theo đó, qua nghiên cứu, tìm hiểu những phương pháp, công nghệ mới về PCCC và CNCH ở trong nước cũng như các nước phát triển trên thế giới, Trường Đại học PCCC nhận thấy có một số nội dung, xu hướng, phương pháp, công nghệ mới, cụ thể là, để thực hiện được các giải pháp kỹ thuật phòng cháy cho nhà và công trình. Vì vậy, các yêu cầu về vật liệu đảm bảo an toàn PCCC theo QCVN 06:2022/BXD (theo Bảng B.6, B.8, B.9), đấy là vấn đề đặt ra cho các nhà sản xuất vật liệu chống cháy trong nghiên cứu, đầu tư công nghệ mới đáp ứng yêu trên.

Tiếp đến là các giải pháp bố trí hệ thống chữa cháy tự động Sprinkler cho nhà kho xếp hàng trên giá cao tầng. Giải pháp này ứng dụng cho hạ tầng kho vận đang có xu hướng đầu tư phát triển mạnh tại Việt Nam hiện tại ở các khu công nghiệp, cảng biển.

Cần lưu ý các phương pháp chữa cháy đối với pin của xe điện (hay nhà kho chứa loại pin này). Do xu hướng sử dụng xe điện trong tương lai là rất khả quan nhằm thay thế xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch và sẽ phát triển mạnh trong thập kỷ tới. Việt Nam đang phát triển thị trường xe điện và cũng đã có một số vụ cháy xe điện gây thiệt hại nghiêm trọng…

Đông đảo các đại biểu và lãnh đạo các doanh nghiệp tham dự buổi tọa đàm

Bên cạnh đó là công nghệ chữa cháy bằng khí sạch: Sol khí, Novec 1230, IG100 hoặc Nitơ lỏng, IG55, IG541 hiệu quả chữa cháy cao, không ô nhiễm môi trường… sẽ dần thay thế FM200 (đang được khuyến cáo cắt giảm thải khí FM200 do có thành phần phá hủy Ôzon và tồn lưu trong không khí thời gian dài).

Các hệ thống camera trí tuệ nhân tạo sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, hệ thống này giúp cho hoạt động trinh sát, tìm kiếm và xác định vị trí, số lượng người mắc kẹt trong các tòa nhà cao tầng phục vụ công tác PCCC, CNCH sẽ dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả cao hơn. Ngoài ra là công nghệ robot và các thiết bị bay không người lái (drone) chữa cháy nhà cao tầng và khu công nghiệp.

Có thể khẳng định, những phương pháp, công nghệ mới về PCCC và CNCH có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nói chung và đối với nhà cao tầng, khu công nghiệp nói riêng.

Đại diện doanh nghiệp nêu câu hỏi tại toạ đàm

Đến với buổi tọa đàm, đại diện Tập đoàn Hoa Sen, ông Nguyễn Văn Trường – Giám đốc Công ty Hoa Sen Phú Mỹ đã trình bày tham luận giới thiệu đến các đại biểu các dòng sản phẩm phục vụ công tác PCCC. Theo ông Trường, những năm trở lại đây, một thực trạng đang rất được xã hội quan tâm đó là các vấn đề liên quan đến lĩnh vực PCCC. Tình trạng cháy nổ xảy ra nhiều nơi và thiệt hại về của cải vật chất, con người là không thể đo lường hết được. Một phần trong những thảm họa đó là hệ thống PCCC chưa đạt chuẩn, chưa đáp ứng được các yêu cầu cấp bách khi xảy ra sự cố. Với phương châm phát triển bền vững và giải quyết tình trạng nêu trên, Tập đoàn Hoa Sen đã cho ra đời dòng sản phẩm ống thép đen, ống kẽm nhúng nóng để đáp ứng cho nhu cầu xã hội trong lĩnh vực này.

 Ông Nguyễn Minh Phúc, Phó Tổng Giám đốc phụ trách sản xuất Tập đoàn Hoa Sen trên bàn chủ toạ

Với định hướng đó, Công ty TNHH MTV Hoa Sen Phú Mỹ được thành lập để đảm nhận thực hiện công việc này. Địa chỉ của công ty tọa lạc tại Đường số 1A, Khu công nghiệp Phú Mỹ I, phường Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trên khuôn viên gần 10 hecta và được đầu tư 1 dây chuyền xẻ băng, 6 dây chuyền ống thép đen và 1 dây chuyền mạ kẽm nhúng nóng của nhà cung cấp Gimeco có xuất xứ từ Italia, với công suất lên đến 85.000 ngàn tấn/năm.

Quy cách hàng hóa đa dạng, trải dài từ độ dày 1.6 – 8.2mm ứng với từng quy cách đường kính ống 21mm đến 219mm. Hàng hóa của Tập đoàn Hoa Sen được cho là đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế như tiêu chuẩn Mỹ (ASTM A53 – Grade B), tiêu chuẩn Châu Âu (BS 1387, EN 10255), tiêu chuẩn Úc (AS 1074), tiêu chuẩn Nhật (JIS)…

 Ông Nguyễn Văn Trường – Giám đốc Công ty Hoa Sen Phú Mỹ (thuộc Tập đoàn Hoa Sen) trình bày tham luận

Với công nghệ mạ kẽm nhúng nóng thì chúng ta đã giải được một phần của bài toán về các vấn đề liên quan đến độ bền của hệ thống ống dẫn nước để chữa cháy cho các công trình công nghiệp, nhà cao tầng mà xã hội và tất cả chúng ta ngồi đây đang quan tâm.

Ngoài các sản phẩm ống thép, ống thép mạ kẽm nhúng nóng thì tập đoàn Hoa Sen còn cung ứng cho thị trường các loại ống nhựa đạt chất lượng cao như ống nhựa PVC, ống nhựa HDPE, PPR, LDPE,.. được sản xuất trên các dây chuyền, thiết bị hiện đại, công nghệ Châu Âu, đáp ứng được hầu hết các tiêu chuẩn khắc khe của các quốc gia trên thế giới như Mỹ, Úc, Anh… Hơn thế nữa, ống nhựa Hoa Sen còn hướng tới các dòng sản phẩm đạt tiêu chuẩn Xanh về xây dựng dân dụng, nông nghiệp tưới tiêu trong tương lai...

Ban tổ chức chương trình Tọa đàm “Phòng cháy, chữa cháy nhà cao tầng, khu công nghiệp” trân trọng cảm ơn và tri ân các đơn vị tài trợ: Tập đoàn Hoa Sen (thương hiệu Ống kẽm nhúng nóng Hoa Sen và Ống nhựa Hoa Sen), Công ty Cổ phần nước Hoàng Minh (thương hiệu nước uống đóng chai I-on life), Công ty Cổ phần SAKOS cùng các đơn vị phối hợp đã đồng hành, góp phần vào sự thành công tốt đẹp của chương trình tọa đàm.
Nhiều ý kiến tâm huyết, đề xuất khả thi tại Tọa đàm “PCCC nhà cao tầng, khu công nghiệp”
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang