Cũng như lúc đi, lúc về, các bộ lạc đưa đón ông theo từng chặng giao liên. Mỗi nơi có cách thể hiện, thái độ rất riêng đối với vị Phật sống. Có bộ lạc đưa ông lên một khối đá có tính năng cộng hưởng rất đặc biệt. Ở đó, vào những lúc sấm chớp, tiếng rền của tạo hóa nghe đinh tai nhức óc và ánh chớp xanh lè như những mũi gươm bủa vây tứ phía. Lần khác, có bộ lạc bắt ông đi vào một khu rừng toàn những cây bị chết đứng từ đời nào. Nhiều cây có hình dáng như những người trần truồng vặn mình đau khổ, những cây khác nổi trên thân những mặt người, mặt quỷ trông rất ghê rợn. Đêm ở đó, từng bầy dã nhân to lớn chạy quanh ông nghiến răng kèn kẹt hoặc rú lên đe dọa... Ông chỉ còn cách duy nhất là tìm một chỗ có vẻ an toàn nhất, ngồi kiết già lẩm nhẩm niệm kinh phó mặc số phận. Cũng may tất cả rồi cũng qua...
Lần thử thách ấn tượng nhất là họ cho ông ngồi trên một đệm lá suốt 3 ngày liền, sau đó cả bộ lạc vào rừng vác các cành khô về chất xung quanh ông một đống như núi rồi... đốt lửa! Lửa cháy phừng phừng sáng rực trời, ông nghĩ bụng "thế là hết!". Lửa càng lúc càng bốc cao, hai viên ngọc sãi vương Sô Chim cho ông đeo trên ngực bỗng co giật dữ dội. Ông nhớ lời sư phụ dạy: "Đã có ngọc hộ thân, cứ đi đi, đừng sợ chết!". Lúc đó ông mới tỉnh táo thấy rằng, lửa bốc cao xung quanh ông, khói mù mịt, ngọn lửa gần nhất cách ông chưa đầy một thước, nhưng có điều lạ là ông không hề thấy nóng. Đến sáng lửa tàn, dân bộ lạc thấy ông vẫn chắp tay ngồi ung dung, họ kinh hãi gọi ông là thần thánh và quỳ mọp lạy; còn ông vẫn thắc mắc đến cuối đời: "Có phải 2 viên ngọc thực sự kỵ được lửa đã giúp ông thoát chết không?".
Đây là bộ lạc lớn nhất từ trước đến nay ông mới gặp. Họ cử một đoàn tùy tùng đông đảo đưa ông về Tây Tạng. Trên đường đi, có lần ông ngửi thấy mùi hôi thối kinh khủng từ cánh rừng trước mặt. Thổ dân giải thích đó là đất sống của loài nhền nhện khổng lồ, có sải chân bằng mấy sải tay người, chúng nhả ra những sợi tơ to như ngón tay, chắc, dai hơn cả thừng cột trâu, không một loài thú nào có thể tồn tại được trong đó. Để tránh rừng nhện, đoàn của ông phải đi vòng thêm nhiều tháng ròng rã, vượt qua Hymalaya vào Tây Tạng. Đến Tây Tạng, ông được Đức Đạt Lai Lạt Ma đón rước rất trọng thể, được ăn nhiều loại trái cây ngon mà không phải hái lượm, được người hầu hạ suốt ngày đêm, sau đó ông cùng Đạt Lai Lạt Ma kinh lý qua nhiều quốc gia châu Âu và Ai Cập.
Từ Tây Tạng, ông đi sâu vào nội địa Trung Quốc, dân hai bên đường đổ xô ra xem Phật sống, họ chen lấn, giành giật để được rờ rẫm, hôn Phật lấy phước. Da mặt của Phật bị rát bỏng bởi mỗi ngày phải chịu hàng vạn nụ hôn tha thiết! Ở Trung Quốc ít lâu, ông được sứ quán Anh đưa về Hồng Kông, Anh rồi sang Ấn Độ, vì họ cứ đinh ninh rằng Hát-ha-cốp Buddha là người Ấn. Ở một đất nước duy linh như Ấn Độ, ông rất được trọng vọng, song ấn tượng về chế độ thực dân Anh đã từng dồn ông đến đường cùng làm ông sống không yên, hơn nữa lòng ông luôn hướng về quê nhà, vì vậy sau khi được các vị lãnh đạo của Đảng Quốc đại như thánh Gandhi, Nê-ru (bà con bên vợ của ông, sau này là Thủ tướng khi Ấn Độ giành được độc lập) tác động với chính quyền Anh, ông sang tu ở Campuchia với toan tính dần hồi sẽ trở về Việt Nam.
Lễ rước Phật ở Việt Nam
Ông ở trong ngôi chùa lớn có tên là Prệp-pra. Nghe tin có Phật sống từ Ấn Độ sang, dân các nơi ùn ùn đến chiêm ngưỡng. Ông ngồi ở ghế như ngai vàng, hai bên có các sãi (phải tu từ 12 năm trở lên) đứng hầu quạt. Ông gởi áo cà sa bằng 72 thứ vỏ cây và mũ ni bằng 72 thứ lá cây mà Sô Chim đã cho vào chùa để làm bảo vật và khoác lên mình một cà sa bằng vải mềm. Người ta chăm sóc ông như cưng trứng, nước tắm của ông hàng ngày được giữ lại, sau đó phân phát cho chúng sinh làm thuốc chữa bệnh, người bên ngoài phải giành giật mới có được một chút nước từng chảy qua "Phật thể" này. Thấy vậy, ông liền cho lập một bệnh xá gần chùa, bệnh nhân vào đây được khỏi bệnh vì tâm lý là chính chứ không phải nhờ nước Phật. Cộng đồng người Ấn ở Campuchia và miền Nam Việt Nam hồi đó khá đông và là chủ của nhiều cơ sở kinh tế lớn, được quyền thu thuế ở nhiều bến bãi. Sau khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, các nhà kinh doanh Ấn ở Sài Gòn xin phép chính quyền Nhật cho rước Phật Hát-ha-cốp từ Nam Vang về Sài Gòn để biểu dương thanh thế cho giới chủ Ấn. Người Nhật tán đồng và cử một lực lượng lớn quân đội tổ chức đón rước long trọng tại vườn Pờ-rô (nay là vườn Tao Đàn).
Tin này được báo trước cho Hát-ha-cốp, ông nhờ người thân tín ra đánh dây thép (điện tín) cho cha ở Rạch Giá đến ngày đó sẽ gặp nhau ở phố Chà Và, đường 20 chợ Đũi (nay là khu Điện Biên Phủ, quận 3). Sau khi dự lễ rước Phật rềnh rang, Hát-ha-cốp ngồi xe tắc-xông trở về một căn nhà ở phố Chà Và mà giáo hội Ấn chuẩn bị cho ông. Bỗng ông thấy một ông già xách bị cói đang đứng xớ rớ bên đường, Hát-ha-cốp ra hiệu dừng xe và bước xuống. Ông tiến đến chỗ ông già mà tim đập thình thịch: - Cha ơi, con là Ba Danh đây!
Ông già nhìn vị thầy tu bệ vệ (lúc này Hát-ha-cốp nặng hơn 100kg) ngơ ngác, càng run rẩy khi vị tăng ấy nhận là con trai ông...
- Con... con... chưa chết sao?
- Chưa, tui còn sống đây nè, bây giờ tui là Phật rồi, không còn bị tầm nã đâu, cha đừng có sợ! Nhưng mà chuyện nhận cha con là bí mật!
Trong hồi ký xuất bản 2003, cụ Lưu Công Danh có kể về nguồn gốc gia đình, gia tộc của mình như sau:
"QUÊ HƯƠNG VÀ THỜI NIÊN THIẾU
Tôi lớn lên, nghe ba tôi kể: Ông nội tôi là người Quảng Đông, tên Lưu Vàng, qua Việt Nam lúc còn nhỏ, sống ở Cần Thơ. Ông nội tôi gặp bà nội tôi là người Việt, tên Trần Thị Én, ở tổng Thới Bảo (xã Trường Thành, huyện Ô Môn, Cần Thơ) khoảng năm 1840. Ba tôi sinh ra tại đây, nhưng khi lớn lên, đi theo ông nội tôi ở dưới xáng múc. Ông nội tôi làm nghề nấu ăn cho các thợ xáng múc người Việt và người Pháp. Cuộc sống dưới xáng không ổn định một nơi nào, thường lênh đênh trên sông nước.
Xáng múc gắn với tuổi thơ của cụ Lưu Công Danh
Ông nội tôi đặt cho ba tôi tên Lưu Tấn Thành, với hy vọng con mình sẽ thành đạt trên đường đời. Ba tôi ảnh hưởng tính cách của ông nội tôi: chịu khó lao động, làm việc siêng năng, kỹ lưỡng. Thấy ba tôi chịu khó, ông nội tôi gởi ba tôi theo một chiếc xáng để làm các công việc lặt vặt và học nghề. Mấy người lớn thấy ba tôi chịu khó làm việc, họ cho ba tôi theo ruồng rừng, phóng kênh cho xáng múc ở Long Xuyên, Rạch Giá - kênh Hà Tiên. Cùng làm việc trên xáng với ba tôi, có một người thợ xáng học rất giỏi, nói được tiếng Pháp. Người này quê ở xứ làm gạch Năng Gù - Long Xuyên. Ông thấy ba tôi hiền lành, tận tình chỉ dạy nghề cho ba tôi và dạy ba tôi học. Có lẽ hiểu cuộc đời tha hương, tự lập của ông nội tôi, nên ba tôi đã quyết chí học tập cho thành nghề thợ xáng qua sự chỉ dạy của người bạn, để nuôi sống gia đình. Người bạn lấy làm cảm mến ba tôi, ông mai mối cho ba tôi làm quen với người em ruột của mình là Huỳnh Thị Hương. Duyên nợ đẩy đưa, hai người nên vợ nên chồng. Khi ba tôi cưới má tôi, ba tôi chính thức làm công coi máy dưới xáng, rồi sau đó làm thợ cả.
Vì là thợ cả, nên chủ xáng cho gia đình tôi được làm một phòng tạm trên xáng cho tiện sinh hoạt. Người anh cả của tôi Lưu Quang Nên, sinh năm 1898 trên xáng, hai năm sau, tôi cũng được sinh ra dưới xáng. Má tôi kể: Bà được ông nội và ba tôi truyền lại nghề nấu ăn các món Tàu, món Tây, bà nấu rất khéo. Do đó, khi chủ xáng cần các bữa tiệc cho người Tây hoặc cho khách, má tôi thủ vai một người thợ nấu ăn không thua đầu bếp có tiếng là ông nội tôi. Ở trên xáng ăn uống không thiếu thốn, nên khi mang thai tôi, má tôi thèm ăn món gì cũng dễ tìm, nên tôi được nuôi đầy đủ từ còn trong bụng mẹ. Bà nội tôi đỡ đẻ rất giỏi, má tôi được bà nội tôi và một người mụ vườn đỡ đẻ dưới xáng vào chiều 29 tháng chạp năm 1900. Má tôi kể: Tôi sinh ra nặng hơn bốn ký lô, ngực nở, tiếng khóc rất to. Bà mụ nói: "Thằng này phổi lớn, khóc khỏe, chân tay dài, dễ nuôi". Ông nội tôi rất vui mừng vì có con trai và 2 cháu nội trai sẽ nối nghiệp nghề xáng. Nhưng khi xem tuổi của tôi và ba tôi, ông nội tôi nói: "Thằng nhỏ này khắc tuổi mày (tức ba tôi), nếu không dạy kỹ lưỡng, nó ngỗ nghịch lắm". Bà nội tôi cự lại, vì tôi còn nhỏ mà bị ông xem tướng, xem tuổi, nói điều không hay ho gì cho lắm. Còn má tôi thì đượm buồn, có lẽ bà tin sách số của ông nội tôi?
Trong quá trình theo xáng từ Long Xuyên qua Rạch Giá, nhất là khi tham gia ruồng rừng, phóng kênh cho xáng đào, ba tôi để ý một vùng đất hoang vu là Mốp Giăng (xã Mỹ Lâm, thuộc tổng Kiên Hảo, quận Châu Thành, nay là xã Mỹ Hiệp Sơn - huyện Hòn Đất). Thế là ông đã quyết định đến đây khai khẩn đất hoang vào khoảng năm 1905 - 1907. Mặc dù đến đây khai khẩn đất hoang, nhưng ba tôi vẫn làm thợ cả cho xáng và tham gia đào kênh Rạch Giá - Hà Tiên và kênh Cái Sắn vào những năm 1920 - 1924. Do đó, tôi có một quê hương chính là nơi ba tôi đến khai khẩn đất hoang ở kênh Móp Giăng, xã Mỹ Lâm, để rồi tại nơi đây có một dòng họ Lưu duy nhất là gia đình tôi. Mộ tổ họ Lưu: ông bà nội tôi, ba, các cô, chú của tôi đều được an táng tại mảnh đất này. Ba tôi mất năm 1948, khi tròn 66 tuổi...".
(Còn tiếp...)
(CATP) Trong thời gian trốn ở một ngôi chùa lớn ở Đê-li, ngày nào Lưu Công Danh cũng nghe các vị sãi ở chùa kêu gọi, chiêu mộ người đi Tây phương tu. Họ vẽ ra cảnh tu ở Tây phương tốt đẹp như niết bàn, đã đến đó thì con người sẽ thoát tục, thoát mọi tai ương... Chùa đã tuyển được 2, chờ một người cuối cùng.