Nghĩ đến phận mình không còn đường sống, nghĩ đến những phiền toái mình vừa trút lên đầu gia đình vợ, Hát-ha-cốp bình tĩnh đến gặp vị sãi chủ trì bảo: - Tôi muốn đi Tây phương! Đây là tin vui quá lớn cho chùa, cho giới Phật tử. Cùng với 2 người khác, Hát-ha-cốp bắt đầu làm lễ tẩy trần. Đầu tiên người ta lấy mảnh chai cạo đầu anh, lông mày và các thứ "tóc" khác cũng được cạo sạch. Tiếp theo, mấy vị sãi trẻ, to khỏe đè anh ra lấy cây cán đi cán lại trên bụng cho các chất thải trong người anh phải ra bằng hết. Anh được nghỉ 3 ngày trong chùa cho sức khỏe hồi phục và quen dần với cách ăn chay. Đến ngày thứ tư, người ta tổ chức lễ tiễn đưa thật long trọng, rềnh rang. Người hai bên đường kính cẩn tỏ lòng biết ơn đối với 3 vị tăng đã dũng cảm từ bỏ cuộc đời đầy cám dỗ để hiến thân cho Phật pháp, phò độ chúng sinh. Với chiếc cà sa khoác trên người, Hát-ha-cốp thấy lòng thanh thản, anh nghĩ: "Chấm dứt những ngày trốn chui nhủi!".
Sau khi ăn hết 3 ngày lương thực dự trữ, nhóm tu Hát-ha-cốp bắt đầu ăn sống các loại cây, lá, quả trong rừng. Anh cũng không ngờ rằng mình phải ăn như vậy từ lúc đi tu 1934 cho đến năm 1947, tức 13 năm ròng rã ăn trái cây thay cơm, cá, thịt! Sau này, khi đã gần 100 tuổi, cụ Lưu Công Danh - tức Hát-ha-cốp nhớ lại, kể với tác giả loạt bài này:
- Chúng tôi gồm 3 người đã đi bộ trong rừng từ năm này sang năm khác. Cứ đến mỗi chặng lại gặp một bộ lạc thổ dân. Họ cử người dẫn đường cho chúng tôi, chỉ cho chúng tôi các loại cây trái để ăn, để làm thuốc trị bệnh hoặc che thân. Khi nào gặp một bộ lạc mới thì bàn giao lại và người dẫn đường trở về. Bộ lạc mới lại cử người đưa chúng tôi đi... Cứ thế, nhắm theo hướng Bắc, đêm nghỉ, ngày đi. Có những chặng không thể đi được, những người dẫn đường liền cột chúng tôi trên lưng rồi chuyền thoăn thoắt trên các cành cây, các vực thẳm cheo leo như khỉ mẹ cõng khỉ con vậy. Thổ dân rất khỏe, rất thiện nghệ đi rừng. Còn tôi thì cứ phó thác cho số phận. Nhìn "các ông ấy" ăn uống là nổi da gà. Có lần đang đi, một thổ dân bỗng khịt khịt mũi rồi rú lên mừng rỡ. Anh ta nhảy phóc lên một cây cao, lôi từ cành xuống một dây thịt lòng thòng (có lẽ do kền kền tha lên ăn sót lại) đã tím đen và bốc mùi nặng. Anh nhóm một đống lửa từ đá lửa và một loại bùi nhùi khô, hơ dây thịt đó trên khói (chứ không phải trên lửa) một lát rồi các ông chia nhau ăn nhồm nhoàm.
Lần khác, đoàn của ông đến một bộ lạc sống gần đầm lầy. Họ tổ chức mừng các nhà tu bằng một bữa tiệc kinh dị. Một con trâu mập được cột dưới một hầm bùn, nước nuôi đỉa. Những con đỉa bu vào các phần thân thể của trâu hút máu. Khi những con đỉa no nê phồng lên to gần bằng cổ tay thì họ gỡ ra, bỏ vào một cái cối đục từ thân cây. Họ đặt cối ra giữa sân, nhảy múa, cúng bái la lô rồi từng người lần lượt đến bốc đỉa nút ừng ực cho đến lúc con đỉa xẹp lép lại thả xuống hầm trâu. "Tiệc" gần tàn, vài người còn tranh thủ vét lại nước dãi còn sót lại trong cối với vẻ thèm thuồng... Cũng may là họ không ép người tu hành như tôi ăn những món đặc sản đó. Bù lại chúng tôi có những thứ trái, lá cây rất ngon ngọt và uống những thứ nước thực vật lên men khá thơm. Nếu đến một bộ lạc nào đó mà râu tóc của chúng tôi đã dài thì các bô lão sẽ dùng những thang nứa sắc bén làm sạch sẽ lại giúp. Trước khi tiễn lên đường, họ thường tặng cho chúng tôi các thứ lá, rễ dùng để trị bệnh và một loại đọt cây tước trắng, khi ngậm vào sẽ không khát nước... Tôi đã sống và đi nhiều năm trong rừng như thế, sau lưng không có đường trở về. Dần hồi cũng quen với cuộc sống ăn bờ ngủ bụi, vỏ cây, lá cây che thân, tôi nhớ là mình không hề nuôi một ước vọng gì. Cái đầu đi theo bước chân chứ không phải ngược lại.
Tranh của Phật giáo về thời kỳ Đức Phật Thích Ca tu khổ hạnh (ảnh ST)
Một ngày nọ, sau khi được đưa bằng lạc đà qua sa mạc, chúng tôi đến được một nơi có thể gọi nôm na là "Trung tâm tự tu". Đó là một thung lũng rộng lớn, có nhiều cây xanh sống trên vùng đất đỏ như son, thung lũng nằm giữa những vách núi như những tường thành xây bằng gạch. Ở đó có rất nhiều chùa, đúng hơn là các mái che làm bằng đất hoặc khoét trong đất. Có rất nhiều vị sãi tu theo lối khổ hạnh, ngồi thiền định im lìm giữa các lối đi, các hốc, cốc. Ngoài ra, đời sống ở đây là nguyên thủy, không có công cụ lao động, không có sản phẩm lao động, không trao đổi dịch vụ và hầu như không dùng đến ngôn ngữ trong sinh hoạt. Từng nhà tu sẽ tự chọn một chỗ mà mình thích để ngồi, nằm, đứng, quỳ tùy thích và ăn uống sinh hoạt hoàn toàn nhờ những thứ có sẵn trong tự nhiên. Có thể đến gặp một vị tiền bối nào đó để thọ kinh.
Người truyền sẽ đọc to lên, người thụ sẽ đọc lại cho thầy kiểm tra, nếu sai thì thầy nhắc, tuyệt đối không có kinh sách, không có chuông mỏ, nhang đèn, tượng Phật hay bất kỳ một nghi lễ nào! Cả vùng thung lũng đó có 72 "khoa đào đạo". Mỗi "khoa" là một khu vực có thể trú mưa trú nắng và được chỉ huy bởi một sãi cao niên trụ trì, nhiều sãi cấp dưới. Mỗi "khoa" sẽ truyền dạy một số kinh. Đầu tiên, người đến thọ giáo sẽ đến trước cửa "khoa" cúi lạy, một sãi sẽ ra dẫn vào gặp sãi trụ trì và bắt đầu công việc truyền thụ. Sau một thời gian thuộc hết kinh, sẽ phải đọc lại từng bài cho sãi trụ trì nghe. Nếu được coi là đã "đậu", người ấy sẽ được cấp "chứng chỉ” là một chiếc lá cây đặc biệt, được kết lên tấm áo cà sa bằng vỏ cây, lá cây đang mặc trên người. Sang đến "khoa" tiếp theo, người ta nhìn vào "chứng chỉ” đã có trên người nhà tu để thẩm vấn bằng cách đọc vài câu trong một bài kinh nào đó, người kia phải đọc tiếp. Kiểm tra xong sẽ được truyền dạy các bài kinh mới... cứ thế cho đến khi nào đi được hết 72 "khoa"... Nhiều người đã tu ở đây đến vài chục năm nhưng không đủ sức thuộc hết kinh nên phải ở lại "khoa" mình đang học. Tôi còn nhớ, rừng ở đây có rất nhiều điều lạ.
Tu sĩ khổ hạnh (ảnh minh họa)
Có những lá cây to như một tấm tole ngày nay, có những loại phấn cây khi đánh đá lửa vào sẽ bùng cháy. Mùa xuân, có nhiều trái cây ngon, có cả một khu rừng có những loại cây cho quả to như quả bầu, hai ba người ăn một trái vừa no vừa ngon. Mùa trái chín, các loại khỉ mặt vàng, mặt đỏ to lớn như người thường đến giành ăn trước. Các tu sĩ phải phân công ra giữ, đốt lửa, la hét để đuổi. Lại có loại vỏ cây ăn sồn sột như mộng dừa. Mùa hè, thức ăn khan hiếm hơn, có khi phải ăn những loại quả chua, chát. Tôi không nhớ đã sống ở thung lũng đó bao nhiêu năm, thuộc bao nhiêu kinh. Chỉ nhớ một hôm, vị sãi vương Sô Chim cho người gọi tôi đến gặp. Ông ta quắt queo như bộ xương khô, đã ngồi hàng chục năm ròng rã đến mức các phần chân tay trong tư thế kiết già đã dính liền vào nhau trông rất dễ sợ. Ông ta nói với tôi bằng tiếng Hinđu: - Hát-ha-cốp, ngài đã hoàn thiện mười hạnh Bala Mật (Bala Mật theo tiếng Phạn là Pàramità, tức đã sang đến bờ bên kia, đạt độ vô cực. 10 hạnh Bala Mật là: bố thí, giữ giới, nhẫn nhục, tịnh tiến, thiền định, bát nhã, nguyện lực...). Nhiều người đã tu đến mấy kiếp vẫn chưa thành, ngài nhờ có căn tu nên sớm đạt thành chánh quả. Từ bây giờ ngài đã là Buddha (Phật, Bồ Tát), phải trở về để phò độ chúng sinh.
Tôi hết sức bàng hoàng, chưa kịp nói lời nào thì vị sãi vương đã gọi đệ tử trao cho tôi một túi kết bằng lá, rễ cây để đeo lên cổ và đeo một vòng có 2 viên đá long lanh vào ngón tay giữa của bàn tay phải, một áo cà sa được kết bằng 72 thứ vỏ cây, một mũ ni do 72 lá cây ghép lại và dặn: - Trong túi ngài đeo trên ngực có 2 viên ngọc quý sẽ hộ mạng cho ngài. Cứ sau mỗi năm ngài phải xin sữa của phụ nữ có con đầu lòng để ngâm 2 ngọc đó một đêm. Ngọc sẽ biết bò và uống cạn sữa, ngài dừng ngạc nhiên. Ngài hãy về theo đường Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được Phật tổ báo mộng tất sẽ đón ngài...
Trong hồi ký "Phật sống" Lưu Công Danh của tác giả Nguyễn Thị Thanh Xuân thì hành trình đi tu của cụ qua núi cao, vực sâu, gian nguy, ăn trái cây, lá rừng thay cơm suốt nhiều năm... cũng giống như nội dung đầu năm 1998 cụ Lưu Công Danh đã kể trong bài viết này. Chỉ khác ở chi tiết chiếc áo cà sa được kết bằng 72 loại lá, hồi đó cụ kể mỗi lá là một chứng chỉ "tốt nghiệp" một "khoa" trong quy trình đào tạo ra "Phật". Còn trong hồi ký thì ngoài chức năng che ấm cơ thể, mỗi loại trong 72 lá đó có công dụng chống khí độc, thay đổi thời tiết và ngừa bệnh cho cơ thể. Cũng chính nhờ quá trình tu học gần 13 năm trong rừng già Hymalaya này, cụ Lưu Công Danh đã học từ các nhà tu khổ hạnh và các thổ dân sống hoang dã được y thuật và công dụng một số loại cây, lá rừng đối với sức khỏe con người. Nhờ đó, sau này khi đã về nước và theo
cách mạng, cụ đã cứu được rất nhiều thương bệnh binh, đồng bào, cán bộ - kể cả một số bác sĩ! Sau này, một số trí thức được cụ cứu chữa cho mình hoặc cho thân nhân đã viết về cụ (một số bài vẫn còn trên các trang mạng) với sự kính trọng, ngưỡng mộ tài năng chữa bệnh của cụ...
(Còn tiếp...)
(CATP) Có lần ông Ba-ra-him - thương gia giàu có người Ấn Độ đi Nam Vang, giao tôi (Lưu Công Danh) coi nhà, khi dọn giường ngủ cho ông, tôi phát hiện một túi xách lớn chứa toàn giấy bạc mới cứng. Tôi hồi hộp quá chừng vì với số tiền này tôi sẽ là triệu phú trở lên. Song tôi suy nghĩ: - Không thể về Việt Nam vì đang bị truy nã, cũng không thể sống ở Campuchia khi đã lấy số tiền này. Vậy thì lấy để làm gì? Trời ngả về chiều, tôi đang sốt ruột thì tiếng xe hơi của Ba-ra-him về. Tôi chạy ra nói với ông ta (dù trong bụng còn rất hồi hộp): - Ông để tiền ở nhà, tôi lo quá không dám đi đâu cả!