TPHCM: Triển khai phần mềm thông báo lưu trú ASM tại hai bệnh viện lớn

Thứ Ba, 13/06/2023 16:25  | Ngọc Anh

|

(CAO) Ngày 13/6, Công an TPHCM đã triển khai hệ thống thông báo lưu trú qua phần mềm ASM tại Bệnh viện Đại học Y Dược và Bệnh viện Chợ Rẫy. Đây là 2 bệnh viện đa khoa lớn hàng đầu trên địa bàn TP, có số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh trung bình 6.000 - 8.000 lượt/ngày.

Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TPHCM cho biết, trước đó phần mềm ASM thông báo lưu trú đã được Công an TPHCM triển khai tại 5 cơ sở kinh doanh và cơ sở y tế trên địa bàn TP.

5 điểm được áp dụng triển khai thí điểm gồm: Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Quận 4, Bệnh viện Phụ sản quốc tế Sài Gòn, khách sạn Bros, khách sạn Happy Life.

Qua thời gian thí điểm, Công an TPHCM đã nhận được rất nhiều đánh giá, phản hồi rất tích cực từ các cơ sở triển khai thực hiện thí điểm phần mềm ASM và từ người dân đến cơ sở để lưu trú. Theo đó, phần mềm ASM thể hiện các ưu điểm như: phục vụ người dân kê khai thông tin tự động, nhanh chóng mà không cần phải xuất trình các loại giấy tờ để xác minh nhân thân.

Các cơ sở y tế và người dân có thể thông qua ứng dụng định danh điện tử VneID để đăng nhập, sử dụng phần mềm ASM. Nhân viên thực hiện các thao tác thuần thục trên phần mềm đã rút ngắn được thời gian so với việc thực hiện thủ công trước đây; công tác cập nhật, quản lý, khai thác và thống kê được thuận lợi, tạo điều kiện cho việc cung cấp, báo cáo số liệu cho lãnh đạo theo yêu cầu.

Việc truyền dữ liệu đối với các trường hợp thông báo lưu trú về công an địa phương phục vụ công tác được đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nắm tình hình, quản lý nhân hộ khẩu… góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn nói chung và tại các cơ sở lưu trú, y tế nói riêng.

Việc thông báo lưu trú qua phần mềm ASM giúp cơ quan công an nắm rõ thông tin của những người đang thực tế cư trú tại các cơ sở y tế cũng như các cơ sở kinh doanh lưu trú, giúp công an địa phương tiếp nhận kịp thời, đầy đủ thông tin của người lưu trú, qua đó đối chiếu với danh sách đối tượng nhằm phát hiện các trường hợp nghi vấn, đối tượng truy nã, truy tìm để kịp thời có phương án xử lý.

Phần mềm có giao diện dễ hiểu, dễ thao tác nên thuận lợi cho lực lượng công an địa phương trong việc hướng dẫn nhân viên sử dụng, cũng như nhân viên hướng dẫn lại cho các nhân viên khác sử dụng.

Công an TPHCM hướng dẫn nhân viên Bệnh viện ĐHYD thao tác trên phần mềm ASM

Tuy nhiên, do phần mềm đang trong thời gian chạy thí điểm nên cũng còn tồn tại một số bất cập như: công dân sử dụng giấy CMND 9 số, CMND 12 số, CCCD mã vạch, hộ chiếu … thì không thể sử dụng máy quét thẻ mà phải thực hiện bằng phương pháp thủ công (nhập tay vào phần mềm ASM); đối với cơ sở y tế, phần mềm không có chức năng thống kê theo khoa, phòng, thống kê theo ngày hoặc một khoảng thời gian cụ thể mà chỉ thống kê được tổng số người lưu trú tại cơ sở.

Phầm mềm lưu trú cũng mới chỉ áp dụng được với công dân Việt Nam, không áp dụng được với trường hợp khách nước ngoài lưu trú… Hiện Công an TPHCM đã kiến nghị Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an nghiên cứu điều chỉnh để phần mềm ASM ngày càng hoàn thiện hơn.

Lãnh đạo Bệnh viện ĐHYD và Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TPHCM trao đổi công việc trước khi triển khai phần mềm

Thượng tá Lãnh thông tin thêm, sau khi triển khai tại 2 bệnh viện lớn là Bệnh viện Đại học Y dược và Bệnh viện Chợ Rẫy, phần mềm ASM sẽ tổ chức nhân rộng tại tất cả cơ sở kinh doanh lưu trú và cơ sở y tế trên toàn địa bàn TP, nhằm nâng cao hiệu quả công tác thông báo lưu trú; thực hiện Luật Cư trú và phục vụ đảm bảo an ninh trật tự tại các bệnh viện.

Cấp tài khoản Định danh điện tử mức độ 2 cho CB-CNV bệnh viện ĐHYD

Ngoài triển khai phần mềm hệ thống thông báo lưu trú qua phần mềm ASM, sáng 13/6, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TPHCM còn tiến hành cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cho toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM và Bệnh viện Chợ Rẫy nhằm nâng cao tỷ lệ giải quyết hồ sơ dịch vụ công trực tuyến và thực hiện nhiệm vụ của Đề án 06 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi số và xây dựng TP trở thành đô thị thông minh.

Bác sĩ Phạm Văn Tấn – Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược chia sẻ, chương trình này có ý nghĩa đặc biệt với cán bộ công nhân viên của bệnh viện do được CATP đến tận nơi làm cấp định danh điện tử nên họ không cần nghỉ làm đến cơ quan công an để thực hiện. Việc kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 giúp người dân rất nhiều trong việc đơn giản các thủ tục hành chính (không phải mang quá nhiều giấy tờ theo) khi cần.

Bình luận (0)

Lên đầu trang