Từ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” tới “dân giám sát, dân thụ hưởng, dân phản biện”

Thứ Ba, 26/01/2021 17:58

|

(CAO) Trong một văn kiện mà tính Đảng, tính giai cấp, tính nhân dân được hòa quyện trên một nguyên lý hết sức khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin thì không lý gì một chính Đảng dẫn dắt một dân tộc mà không thể vượt qua được thách thức.

Trao đổi với báo chí bên lề Đại hội XIII, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, ông tin rằng việc xây dựng Ban Chấp hành nhiệm kỳ tới sẽ đặt trong một khuôn khổ khoa học và đủ tâm, đủ tầm.

“Tôi cho rằng chưa lúc nào mà đất nước của chúng ta phát triển như hiện nay. Cũng chưa lúc nào đội ngũ lãnh đạo đất nước ở một thời điểm hết sức rạng rỡ như thế này” – ông Khuê nhận định.

Với sự thừa hưởng cả kinh nghiệm bảo tồn, cả kinh nghiệm phát triển, ông Khuê bày tỏ niềm tin đội ngũ Ban Chấp hành mới sẽ đưa đất nước vào chặng đường phát triển mới.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê

Dù giai đoạn trước mắt được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng theo Trưởng ban Tuyên giao Thành uỷ TPHCM, với những điểm nhấn đã được vạch ra trong báo cáo chính trị, thể hiện được tầm vóc của một chính Đảng lớn, thì đội ngũ mới “không lý gì mà không vượt qua được, không lý gì mà không nắm được những tư tưởng, quan điểm phát triển đó để cùng xây dựng đất nước, xây dựng Đảng vững mạnh, đất nước phồn thịnh hơn”.

Đánh giá về báo cáo tổng hợp các văn kiện trình đại hội, ông Khuê đề cao sự tiếp thu của Trung ương sau khi lấy ý kiến các cấp, các ngành và nhân dân cả nước. Chỉ ra một số điểm tâm đắc trong các văn kiện lần này, ông Khuê nói: “Điều đầu tiên là Trung ương đã đánh giá xác thực được tình hình đất nước. Thứ hai, Đảng ta đưa ra được một số quan điểm không chỉ là sự tổng kết mà là sự phát triển cả về mặt lý luận”.

Dẫn chứng, ông Khuê cho biết, về xây dựng Đảng, văn kiện đã đề cập có 3 yếu tố, một là xây dựng Đảng về chính trị, hai là xây dựng Đảng về tư tưởng và lần này còn đề cập xây dựng Đảng cả về đạo đức.

“Rõ ràng Đảng không chỉ quan tâm đến tư tưởng mà vấn đề đạo đức cũng hết sức quan trọng. Anh đạo đức với ai, với chính Đảng của mình, với nhân dân của mình, với một xã hội và với một ngọn cờ lý tưởng mà mình đang theo đuổi, đang bảo vệ” - ông Phan Nguyễn Như Khuê phân tích và khẳng định “riêng vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức cũng mang lại sự phát triển mới”.

Điểm thứ hai trong văn kiện khiến Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ TPHCM tâm đắc là nội dung bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh Tổ quốc từ sớm và từ xa.

“Chúng ta phát triển kinh tế nhưng chúng ta cũng phải tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế qua con đường ngoại giao văn hóa để làm sao nâng vị thế của đất nước. Nhưng cùng với đó chúng ta cũng tiến hành các biện pháp để bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ lợi ích dân tộc và bảo vệ một chính Đảng mà chúng ta đang phát triển” – ông Khuê bình luận.

Điểm nữa, theo ông Khuê, qua tổng kết một nhiệm kỳ, Trung ương đã nhận thấy việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng XHCN là cấp thiết chuyển kinh tế đất nước sang một giai đoạn mới, một thời kỳ hội nhập sâu, một nền kinh tế số… với những bước phát triển mới hơn.

Đặc biệt, báo cáo của Trung ương đã phát huy tinh thần lấy dân làm gốc với sự chuyển tiếp tư duy từ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” tới “dân giám sát, dân thụ hưởng, dân phản biện”.

“Tôi nghĩ rằng, trong một văn kiện mà tính Đảng, tính giai cấp, tính nhân dân được hòa quyện trên một nguyên lý hết sức khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin thì không lý gì một chính Đảng dẫn dắt một dân tộc lại không thể vượt qua được thách thức” – ông Khuê nêu quan điểm.

Điều đó, theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ TPHCM, cho thấy việc chăm lo cho dân, quyền lợi hạnh phúc của nhân dân luôn thể hiện xuyên suốt và ngày càng đậm nét trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng.

“Niềm tin trong nhân dân về một chính Đảng, niềm tin trong nhân dân về một thế hệ lãnh đạo mới, niềm tin trong nhân dân về sự đổi mới đất nước... sẽ là động lực thúc đẩy đất nước phát triển trong thời gian tới” – ông Khuê chốt lại.

Bình luận (0)

Lên đầu trang