(CATP) Trong 5 ngày (từ ngày 2-6/3) tại Vienna, Áo, Đoàn công tác của Uỷ ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm Việt Nam đã tham dự Phiên họp lần thứ 63 của Uỷ ban kiểm soát ma tuý Liên Hợp Quốc (CND) - một hội nghị thường niên, diễn đàn hợp tác quốc tế lớn nhất toàn cầu, thảo luận các chính sách, Nghị quyết toàn cầu về vấn đề ma túy.
Đoàn công tác do Trung tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Bộ Công an làm trưởng đoàn. Hội nghị CND lần này có sự tham gia của 1.000 đại biểu quốc tế từ 130 đoàn quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, các nước quan sát viên, các vùng lãnh thổ, 30 tổ chức quốc tế và 91 tổ chức liên Chính phủ, phi Chính phủ.
Đoàn đại biểu Việt Nam tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, nhấn mạnh hoạt động của các đường dây tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép ma túy xuyên quốc đang ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa sâu rộng như hiện nay, Trung tướng Phạm Văn Các cho biết, Việt Nam tái khẳng định 3 Công ước của Liên Hợp Quốc về kiểm soát ma túy, Tuyên bố chính trị và kế hoạch hành động phòng, chống ma tuy túy năm 2009, Văn kiện UNGASS 2016 và mới đây là Tuyên bố Bộ trưởng năm 2019 là các văn kiện nền tảng trong xây dựng chính sách phòng chống ma túy toàn cầu.
Trong công tác phòng, chống ma tuý trong nước, Chính phủ Việt Nam luôn tập trung chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp: Giảm cung, giảm cầu kết hợp với giảm tác hại do ma túy gây ra. Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi Luật phòng, chống ma túy năm 2000 nhằm củng cố cơ sở pháp lý trong nước cho phù hợp với diễn biến tội phạm ma túy trong tình hình mới; đề ra các chính sách tầm vĩ mô với những mục tiêu dài hạn như Chiến lược quốc gia phòng, chống ma túy với mục tiêu dài hạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đầu tư có trọng điểm vào các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy của Chính phủ; tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực, đặc biệt các nước có chung đường biên giới thông qua việc triển khai các đợt cao điểm về tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm ma tuý; phối hợp xác lập và điều tra chuyên án đấu tranh chung đối với các vụ án liên quan đến tội phạm ma tuý xuyên quốc gia, nhằm triệt phá toàn bộ đường dây phạm tội ma tuý.
Quang cảnh hội nghị
Trước xu hướng hợp pháp hoá ma tuý và kiến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc đưa cần sa và các chiết xuất từ cần sa ra khỏi danh mục kiểm soát của Liên Hợp Quốc, Việt Nam khẳng định ủng hộ với quan điểm của ASEAN và nhiều nước về thái độ không khoan nhượng với ma túy, không chấp nhận xu hướng hợp pháp hóa sử dụng ma túy, kiên định lộ trình hướng tới tầm nhìn xây dựng một Cộng đồng ASEAN không ma túy. Đồng thời, khẳng định chủ quyền của mỗi quốc gia trong việc lựa chọn các giải pháp tối ưu, cân bằng giữa giảm cung và giảm cầu, kết hợp với các giải pháp kinh tế xã hội, phù hợp về mặt lịch sử, chính trị, kinh tế và đặc trưng văn hóa xã hội để giải quyết vấn đề ma túy ở trong nước.
Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai các chính sách, hoạt động và định hướng chính sách phòng, chống ma túy toàn cầu, Việt Nam đưa ra một số kiến nghị.
Theo đó, các quốc gia thành viên, các cơ quan Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế cần tăng cường hợp tác chặt chẽ trong việc triển khai các biện pháp đồng bộ, toàn diện ở tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; thực hiện cân bằng các biện pháp giảm cung, giảm cầu; tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và nguyên tắc không can thiệp nội bộ trong giải quyết vấn đề ma túy, phù hợp với các văn kiện nền tảng của Liên Hợp Quốc về phòng chống ma túy.
Đề nghị Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế tiếp tục dành sự quan tâm và hỗ trợ cho các nước trên thế giới nói chung, khu vực Châu Á, các nước ASEAN và Việt Nam nói riêng trong thực hiện các Chiến lược, Chương trình mục tiêu và Kế hoạch hành động của quốc gia về phòng, chống ma túy, hỗ trợ hoàn thiện hệ thống pháp luật và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế của các Công ước phòng, chống ma túy.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cho các lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng, chống ma túy; Đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng ngừa tội phạm, giảm cầu và cai nghiện ma túy. Các chương trình, khuôn khổ hợp tác quốc tế phòng, chống ma túy của khu vực cần được xây dựng, thiết kế bảo đảm tính thực tiễn, phù hợp với tình hình của khu vực và khả năng nguồn lực.