Ngày 7/5, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trình Quốc hội dự án Luật Cán bộ, Công chức (sửa đổi).
Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) gồm 7 chương, 52 điều (giảm 35 điều so với luật hiện hành) dự kiến sẽ được Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua tại kỳ họp này.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, một trong những nội dung sửa đổi lớn nhất lần này là bổ sung, hoàn thiện các quy định nhằm thực hiện chủ trương xây dựng một nền công vụ thống nhất, liên thông, đồng bộ từ Trung ương đến cấp xã.
Cùng với đó, dự thảo luật đưa ra những quy định chuyển tiếp để cán bộ, công chức cấp xã được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì được chuyển thành cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính của địa phương.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
Bên cạnh đó, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung các quy định để nâng cao hiệu quả đánh giá, sử dụng và sàng lọc cán bộ, công chức. Trong đó, quy định việc đánh giá cán bộ, công chức phải căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, sản phẩm công việc cụ thể theo yêu cầu của vị trí việc làm đảm nhiệm, thay vì dựa trên các tiêu chí chung, hình thức hay cảm tính.
Bổ sung cơ chế để xóa bỏ tư duy "biên chế suốt đời" và nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý, đánh giá và sử dụng công chức đúng năng lực, đúng vị trí việc làm.
Theo dự thảo luật, việc đánh giá công chức là căn cứ để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với công chức.
Đồng thời, bảo đảm sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí việc làm đối với những người không đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ công vụ.
Đánh giá công chức căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, công việc được giao của tháng, quý, 6 tháng thể hiện bằng số lượng, chất lượng và tiến độ của sản phẩm theo vị trí việc làm.
Người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức có trách nhiệm phân định rõ mức độ hoàn thành nhiệm vụ để có cơ sở thực hiện chính sách đãi ngộ, trọng dụng đối với người có phẩm chất, năng lực nổi trội, có nhiều thành tích, đóng góp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Đồng thời, để sàng lọc, bố trí vào vị trí việc làm phù hợp, cho thôi việc đối với những công chức không đạt yêu cầu của vị trí việc làm đảm nhận.
Đánh giá công chức sẽ được xếp loại ở các mức: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Hoàn thành tốt nhiệm vụ; Hoàn thành nhiệm vụ; Không hoàn thành nhiệm vụ.
Công chức xếp loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan quản lý công chức xem xét, bố trí vào vị trí việc làm có thứ bậc thấp hơn hoặc cho thôi việc do không đáp ứng yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Công chức có 2 năm liên tiếp xếp loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan quản lý công chức cho thôi việc.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, các nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, hiện đại hóa công tác quản lý công chức theo hướng năng động, minh bạch, hiệu quả.
Song song đó, đảm bảo nguyên tắc sử dụng đúng người, đúng việc, phát huy tối đa năng lực của cán bộ, công chức, đồng thời sàng lọc những trường hợp không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, có trách nhiệm, đạo đức công vụ, phục vụ tốt cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Các đại biểu Quốc hội tại hội trường
Trình bày báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp (Ủy ban PLTP) tán thành việc sửa đổi toàn diện luật với các lý do được nêu tại tờ trình của Chính phủ.
Ủy ban PLTP đánh giá việc liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh tại thời điểm hiện nay đã đủ độ "chín", và là yêu cầu cấp thiết để phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Về nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức, dự luật tiếp tục quy định một trong những nguyên tắc là “kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế”.
Về cơ bản, Ủy ban PLTP tán thành với các nội dung trên. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc tiếp tục duy trì nguyên tắc nêu trên chưa thực sự có bước đột phá, chưa đáp ứng yêu cầu “đổi mới mạnh mẽ phương pháp tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị”.
Do đó, các ý kiến này đề nghị sửa đổi nguyên tắc trên và các quy định có liên quan theo hướng quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.
Việc sửa đổi theo hướng này sẽ góp phần tạo cơ sở pháp lý để thực hiện trả lương theo vị trí việc làm theo đúng tinh thần Nghị quyết số 27 năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định khung tiêu chí xác định “người có tài năng” thông qua một số yếu tố như thành tích trong quá trình học tập, công tác hoặc những đóng góp, cống hiến cho ngành…, để tránh việc áp dụng không thống nhất giữa các bộ, ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, Ủy ban PLTP nhận thấy tại Kết luận số 105 năm 2024, Bộ Chính trị yêu cầu “đưa việc kê khai, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập vào tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu”.
Do đó, Ủy ban đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu có quy định phù hợp để thể chế hóa nội dung này.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng mục đích đánh giá công chức “để sàng lọc, bố trí vào vị trí việc làm phù hợp, cho thôi việc đối với những công chức không đạt yêu cầu của vị trí việc làm đảm nhận” là nội dung mới. Vì vậy, đề nghị trong quá trình tổ chức thực hiện cần xây dựng tiêu chí rõ ràng, minh bạch, định lượng được.