Xử lý tài sản không chứng minh được nguồn gốc: Ra toà được không?

Thứ Năm, 25/10/2018 11:19

|

(CAO) Ủy ban TVQH lựa chọn phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc qua thủ tục tố tụng tại Tòa án.

Thay mặt UBTV Quốc hội giải trình, tiếp thu dự Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc. 

Cụ thể, nhiều ý kiến tán thành với phương án 1 là thu thuế thu nhập cá nhân, đồng thời sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để bổ sung loại thu nhập này là thu nhập chịu thuế.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc mức thuế bảo đảm phù hợp với thực tiễn; có ý kiến đề nghị giao cho Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân mà không dùng Luật này để sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Một số ý kiến tán thành với phương án 2 của dự thảo Luật là xử phạt hành chính đối với hành vi kê khai không trung thực, không minh bạch trong giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập. Nhiều ý kiến khác đề nghị thu hồi tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc thông qua thủ tục xem xét, giải quyết tại Tòa án.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, một số đại biểu đề nghị những phương án khác như giữ quy định Luật PCTN hiện hành; hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính; xác lập quyền sở hữu của Nhà nước thông qua trình tự, thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án…

Phân tích chi tiết từng phương án, bà Nga cho biết, mỗi phương án đều có những  ưu, nhược điểm riêng. Phương án thu thuế, được hiểu là, nếu Nhà nước không chứng minh được tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có thì Nhà nước tạm coi đây là một khoản thu nhập phải chịu thuế, người kê khai phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Ưu điểm của phương án này, theo UBTVQH, là xử lý nhanh, kịp thời tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc bằng công cụ kinh tế (thuế), hạn chế được tâm lý nặng nề đối với người có nghĩa vụ kê khai so với việc xử lý thông qua con đường Tòa án.

Việc thu thuế cũng không loại trừ xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản của người có nghĩa vụ kê khai nếu sau đó Nhà nước chứng minh được tài sản này do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có.

Trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai không đồng tình với quyết định thu thuế thì họ vẫn có thể khiếu nại hoặc khởi kiện ra Tòa hành chính để giải quyết.

Tuy nhiên, nhược điểm của phương án trên là chưa thể hiện được thái độ thật nghiêm khắc của Nhà nước trong xử lý tài sản, thu nhập có dấu hiệu không minh bạch trong PCTN, có thể dẫn đến việc trùng lặp trong thu thuế hoặc bỏ lọt hành vi phạm tội trốn thuế.

Thêm vào đó, phương án thu thuế chưa bảo đảm đầy đủ quyền được bảo vệ tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai so với phương án xử lý thông qua thủ tục tố tụng tư pháp có tranh tụng công khai tại Tòa án.

"Nếu thực hiện theo phương án này thì cũng phải sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để bổ sung thu nhập chịu thuế và thuế suất. Đồng thời, mức thuế suất 45% như dự thảo Luật do Chính phủ trình cần được đánh giá tác động, nghiên cứu đầy đủ để đưa ra mức thuế phù hợp và phải được bổ sung trong Luật Thuế thu nhập cá nhân" - báo cáo nêu rõ.

Đối với phương án xử phạt hành chính, nếu được áp dụng, UBTV QH đánh giá, sẽ bổ sung thêm một loại chế tài để xử lý hành vi kê khai không trung thực bên cạnh chế tài xử lý kỷ luật như Luật hiện hành; thể hiện thái độ nghiêm khắc của Nhà nước trong việc xử lý hành vi giải trình không hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập.

Dù vậy, phương án này mới chỉ xử lý được hành vi vi phạm mà chưa xử lý trực tiếp được tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc, trong khi đây là yêu cầu mà thực tiễn công tác PCTN đang đặt ra.

"Hành vi giải trình không hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập, thực chất là hành vi vi phạm nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức về trung thực và minh bạch về tài sản, thu nhập, phải bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức" - bà Nga nêu và cho rằng, việc dự thảo Luật quy định cùng một hành vi vi phạm trong thực hiện công vụ đã bị xử lý kỷ luật, sau đó lại bị xử phạt hành chính là chưa hợp lý.

Mặt khác, quy định mức phạt 45% giá trị của tài sản, thu nhập giải trình không hợp lý về nguồn gốc cũng không phù hợp với mức xử phạt hành chính của pháp luật hiện hành. Và do đó, phải sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính để bổ sung nội dung xử phạt trong lĩnh vực PCTN, thẩm quyền và mức phạt mới áp dụng được.

Về phương án xem xét, giải quyết tại Tòa án, TVQH cho biết, đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ chuyển Kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình.

Tòa án ra quyết định thu hồi tài sản, thu nhập tăng thêm cho Nhà nước nếu người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc hoặc không chấp nhận yêu cầu của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai đã giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm.

Phương án này, theo UBTVQH, thể hiện được thái độ mạnh mẽ của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc; giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của Luật PCTN hiện hành; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác PCTN.

"Việc giao cho Tòa án xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình cũng bảo đảm được tính khách quan, minh bạch và quyền lợi của các bên. Việc xử lý tài sản, thu nhập nêu trên bằng phương thức thu hồi cũng được nhiều nước trên thế giới đang áp dụng" - UBTV QH nhận định.

Cùng với đó, phương án này không mâu thuẫn với quy định của pháp luật hiện hành về trách nhiệm chứng minh. Lý do là, Luật PCTN hiện hành đang quy định người có nghĩa vụ kê khai phải có trách nhiệm giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm và quy định này tiếp tục được kế thừa trong dự thảo Luật.

Mặt khác, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập vẫn phải có trách nhiệm chứng minh tính không hợp lý trong việc giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai.

Vẫn theo TVQH, ưu điểm nữa của phương án này là thủ tục giải quyết tương tự như thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án và phiên họp có sự tham gia của Luật sư, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát cùng cấp, bảo đảm dân chủ, thận trọng, khách quan, các bên có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kháng nghị quyết định giải quyết của Tòa án. Đồng thời, thủ tục giải quyết loại việc này tại Tòa án cũng nhanh chóng, hạn chế làm phát sinh thủ tục xử lý kéo dài.

Tuy nhiên, theo phương án này thì UBTVQH phải ban hành Pháp lệnh để quy định về thủ tục giải quyết cũng như việc thi hành để Tòa án thực hiện và phán quyết của Tòa án mới thi hành được.

Đối với các ý kiến khác của ĐBQH về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc, UBTVQH nhận thấy bên cạnh các ưu điểm thì các phương án này còn chưa giải quyết được vấn đề xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước hoặc chưa chặt chẽ trong việc bảo đảm quyền và lợi ích của Nhà nước, của người kê khai tài sản, thu nhập.

Qua cân nhắc kỹ ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, UBTVQH đề nghị lựa chọn phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc qua thủ tục tố tụng tại Tòa án vì đây là phương án có nhiều ưu điểm hơn so với hai phương án còn lại.

Bình luận (0)

Lên đầu trang