(CAO) Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công bố vào chiều nay (25-10).
Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày Báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở Đoàn về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm, sáng nay (25-10), Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ những lá phiếu đầu tiên
Trước đó, trong phiên họp chiều 24-10, với 95,67% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua danh sách 48 chức danh sẽ được lấy phiếu tín nhiệm kỳ này, gồm: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên UBTVQH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Trong số những người giữ chức vụ thuộc diện QH lấy phiếu tín nhiệm lần này có hai chức danh vừa được QH bầu và phê chuẩn là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng sẽ không phải lấy phiếu tín nhiệm do có thời gian đảm nhiệm chức vụ liên tục chưa đủ 9 tháng (theo quy định tại khoản 6, Điều 1 Nghị quyết số 85/2014/QH13).
Theo quy định tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, QH lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp” (ba mức). Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu QH đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức.
Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu QH trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình cấp có thẩm quyền khởi động quy trình bỏ phiếu tín nhiệm.
Việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được thực hiện tại kỳ họp QH theo trình tự sau: Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm; Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm trình bày ý kiến của mình; Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín; Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thông qua nghị quyết xác nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm.
Cũng theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá không tín nhiệm thì có thể xin từ chức. Trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức đối với người đó.